Thạc sĩ - bác sĩ Cao Ngọc Bích, Phó Chủ tịch pháp chế, Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM - chia sẻ: TP.HCM hiện có 19 bệnh viện thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 212 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 21 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế; trong khi có tới 2.000 cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng không cần giấy phép hoạt động từ Sở Y tế.
Nhóm 1: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp chỉ đơn thuần là nơi chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng… Những cơ sở này hoàn toàn không được phép sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì; không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động mà chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (loại hình doanh nghiệp).
Nhóm 2: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là nơi thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc Sở kế hoạch và Đầu tư cấp, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận/chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Đồng thời, phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế.
Nhóm 3: Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là những cơ sở khám, cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc Sở kế hoạch và Đầu tư cấp còn phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Bảng hiệu bên ngoài nói lên điều gì?
Bác sĩ Cao Ngọc Bích chia sẻ, do chưa có quy định về việc đặt tên bảng hiệu tương ứng với ba nhóm cơ sở dịch vụ làm đẹp nêu trên, hầu hết các cơ sở đều chọn bảng hiệu rất hoành tráng như: thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ, trung tâm thẩm mỹ, trung tâm chăm sóc sắc đẹp... Nếu muốn phân biệt giữa cơ sở có bác sĩ thực hiện phẫu thuật với cơ sở không có bác sĩ phẫu thuật, nên chọn nơi có bảng hiệu phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc khoa phẫu thuật thẩm mỹ, khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Các bảng hiệu này phải đặt ở bên ngoài cơ sở, thể hiện sự minh bạch, công khai.
Phó giáo sư - bác sĩ Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, cho hay: “Khách hàng nên ưu tiên chọn cơ sở làm đẹp có bảng hiệu bên ngoài mặt tiền, đi kèm tên bác sĩ và số chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế cấp phép. Với một số cơ sở không có bảng hiệu bên ngoài nhưng bên trong lại có bảng hiệu phẫu thuật thẩm mỹ thì cẩn trọng vì có thể là nơi lừa gạt”.
|
“Viet Anh Mega Beauty Center” là một cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chăm sóc da mặt đã “lấn sân” sang phẫu thuật thẩm mỹ không phép ngay tại địa bàn quận 1 |
Chú ý điều gì bên trong cơ sở?
Ngay cả phòng khám hay bệnh viện có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thì chức năng mỗi nơi cũng không giống nhau hoàn toàn. Danh mục thực hiện làm đẹp được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép dựa vào năng lực, kinh nghiệm tay nghề và cả thiết bị máy móc đã được cơ sở đó đầu tư… Chị em nên tham khảo bảng danh mục kỹ thuật được cơ sở dán công khai tại khu vực tiếp khách hàng.
Ngoài ra, ở khu vực này, cơ sở làm đẹp sẽ treo công khai giấy phép hoạt động, giá cả, người chịu trách nhiệm chuyên môn, chứng chỉ hành nghề của bác sĩ… Trường hợp cơ sở nói dối, thông tin không đúng thì khi xảy ra sự cố, họ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Tóm lại, trước khi đến cơ sở nào đó để thực hiện dịch vụ làm đẹp, khách hàng có thể tra cứu thông tin về bác sĩ, nhân sự của cơ sở này bằng cách vào địa chỉ http://thongtin.medinet.org.vn của Sở Y tế TP.HCM.
Bác sĩ Đỗ Quang Hùng cảnh tỉnh, chị em đi làm đẹp nên yêu cầu bác sĩ phẫu thuật tư vấn trực tiếp. Theo quy định, bác sĩ phẫu thuật phải trực tiếp xem xét, tư vấn cho khách, để khi bắt tay vào thực hiện sẽ giống như những gì đã tư vấn.
Hiện nay, các cơ sở làm đẹp chủ yếu thuê nhân viên tư vấn là người có “nhan sắc” nhưng không có chuyên môn y khoa hoặc chỉ có chứng chỉ đào tạo nghề. Chưa kể, các cơ sở này còn giao doanh thu nên nhân viên tư vấn sẽ tìm mọi cách tư vấn “quá liều” để móc túi người bệnh.
Khách hàng nên yêu cầu cơ sở làm đẹp ký cam kết bác sĩ phẫu thuật chính trực tiếp mổ. Bởi hiện nay, một bác sĩ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ phải có thời gian khám, chữa bệnh ít nhất 54 tháng. Thực tế, số lượng bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật thẩm mỹ rất ít so với số cơ sở làm đẹp mọc lên như nấm. Việc yêu cầu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề ký cam kết trực tiếp mổ cũng hạn chế được tình trạng một số nơi sử dụng bác sĩ chưa đủ thời gian hành nghề, nhất là các cơ sở tư nhân.
|
Bên dưới chung cư là biển hiệu “Công ty TNHH Mỹ phẩm Chang Beauty”, tại tầng 2 chung cư là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nhưng có chứng cứ phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. |
Những chiêu lừa gạt thường gặp
Bác sĩ Đỗ Quang Hùng nhận định hiện nay mạng xã hội như Facebook phát triển mạnh mẽ nhưng việc quản lý chưa hiệu quả nên không ít cơ sở làm đẹp lợi dụng quảng bá sai sự thật để thu hút khách hàng. Ví dụ, nhiều nơi cho rằng có dịch vụ làm se khít vùng kín, đánh bay vết rạn nứt da bụng, làm hồng nhũ hoa bằng laser... Theo phân tích ở góc độ y khoa, việc làm hồng nhũ hoa là không thể, bởi nội tiết tố phụ nữ thay đổi khi mang thai và theo tuổi tác. Làm hồng nhũ hoa ở đây thực chất giống như dạng xăm vẽ cho giống “phiên bản gốc”, thậm chí còn không tự nhiên.
Mặt khác, nhiều nơi lập lộ trình thực hiện kéo dài, không rõ ràng, khiến người bệnh “theo đuổi” giấc mơ mãi không thành công nên tự chán và bỏ điều trị, dẫn đến “tiền mất tật mang”. Thường gặp nhất là những chị em bị rạn nứt da bụng, bắp đùi. Tuy nhiên, rạn nứt da do các sợi collagen bị đứt gãy bởi quá trình tăng cân, mang thai… không thể phục hồi.
Ngoài ra, nhiều cơ sở làm chui, không an toàn đánh vào tâm lý nôn nóng làm đẹp, ham giá rẻ khiến không ít khách hàng bị dính bẫy. Ví dụ, ở bệnh viện công, chi phí cắt mí hơn 15 triệu đồng, còn ở cơ sở giá rẻ chỉ tầm 8 triệu đồng và được xuất viện ngay trong ngày. Thực tế, bệnh viện công chi phí cao vì thực hiện tất cả các xét nghiệm về máu, bệnh nền, nguy cơ sốc thuốc, dị ứng thuốc mê…
Hiện không ít cơ sở còn đặt tên nước ngoài hoặc giới thiệu bác sĩ nước ngoài để thu hút khách hàng nhưng chỉ toàn bác sĩ Việt Nam hoặc có khi cũng người nước ngoài nhưng không phải là bác sĩ.
Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, khách hàng nên gọi vào đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TP.HCM (0913 159 315), Sở Y tế TP.HCM (0967 771 010) hoặc phòng y tế, công an các quận/huyện hay Hội Phẫu thuật thẩm mỹ (028) 3863 3683 - (028) 3862 7474.
Cơ quan quản lý cần thay đổi điều gì?
Một trong những “kẽ hở” để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép là chưa có quy định về cách đặt tên tương ứng với từng nhóm dịch vụ làm đẹp.
Do đó, cần bổ sung các quy định pháp luật về tên doanh nghiệp và tên bảng hiệu của các cơ sở làm đẹp để khi đọc tên bảng hiệu, người dân dễ dàng nhận biết được. Đây cũng là cách giúp các cơ quan quản lý thuận lợi hơn trong việc phát hiện cơ sở làm chui.
|
Lan Chi - Trương Phong