Nhận diện các hội chứng chèn ép mạch máu

19/11/2023 - 07:37

PNO - Trên cơ thể con người, có một số vị trí giải phẫu cần đặc biệt lưu ý. Khi mạch máu chui qua những nơi này dễ có nguy cơ xảy ra các hội chứng chèn ép. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Hội chứng Nutcracker

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phi Long - Phó trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết có nhiều hội chứng chèn ép mạch máu mà dấu hiệu hay bị người bệnh nhầm lẫn, trì hoãn gây nguy hiểm tính mạng. Đến nay, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã phát hiện vài trăm ca mắc các hội chứng chèn ép mạch máu. 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phi Long đang kiểm tra cho một trường hợp mắc hội chứng chèn ép mạch máu - Ảnh: M.T
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phi Long đang kiểm tra cho một trường hợp mắc hội chứng chèn ép mạch máu - Ảnh: M.T

Mới đây, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM vừa phẫu thuật thành công cho một nữ bệnh nhân mắc hội chứng kẹp tĩnh mạch thận hiếm gặp (hội chứng nutcracker). Bệnh nhân bị đau bụng dưới nhiều năm, đặc biệt đau mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Suốt 3 năm qua, bệnh nhân từng đi khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện nguyên nhân. Sau khi loại trừ những bệnh lý thông thường gây đau bụng và hạ vị, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp CT scan bụng cản quang nhằm khảo sát các cơ quan và mạch máu ổ bụng. Hình ảnh chụp CT scan cho thấy có hiện tượng tĩnh mạch thận trái chui qua khe hẹp, bị kẹp giữa động mạch chủ và động mạch nuôi ruột. Không chỉ thế, tình trạng bệnh nhân còn kèm theo hiện tượng giãn trướng tĩnh mạch sinh dục trái. 

Để xác định và khảo sát kỹ hướng chảy của dòng máu, người bệnh được chụp mạch máu số hóa xóa nền. Kết quả cho thấy dòng máu từ thận người bệnh không đổ về hệ chủ do tĩnh mạch bị kẹp làm hẹp khít. Điều đó khiến máu trào ngược như dòng thác xuống tĩnh mạch sinh dục, đổ ngược về vùng bụng dưới. Sau khi hội chẩn rồi tư vấn với bệnh nhân và người nhà, các bác sĩ lựa chọn phương án phẫu thuật cắm lại tĩnh mạch sinh dục vào tĩnh mạch chậu trái để giải áp và chuyển lưu dòng máu tĩnh mạch thận trào ngược về lại hệ chủ, chấm dứt tình trạng ứ trệ máu ở tiểu khung. Ca phẫu thuật được tiến hành qua một đường rạch nhỏ ở dưới rốn, đi qua khoang sau phúc mạc, làm miệng nối mạch máu. Sau hơn 2 giờ, ê kíp phẫu thuật đã chuyển lưu dòng máu thành công bằng một miệng nối mạch máu. 5 ngày sau, bệnh nhân giảm đau bụng rõ rệt, hồi phục tốt.

Theo bác sĩ Lê Phi Long, hội chứng nutcracker là một bất thường hiếm gặp, do các mạch máu trong ổ bụng bắt chéo và chèn ép lẫn nhau. Hội chứng này thường thấy ở người cơ địa gầy ốm và bụng mỏng. Khi tĩnh mạch chui qua các khe hẹp tạo bởi động mạch, do tính chất thành mạch mỏng, các tĩnh mạch này rất dễ bị đè xẹp. Bên cạnh đó, các dao động đập theo nhịp của các động mạch lân cận có tác động giống như máy dập liên hồi lên thành tĩnh mạch. Lâu ngày, quá trình trên gây nên các chấn thương vi thể ở thành tĩnh mạch, làm xơ hẹp lòng mạch, tắc nghẽn tĩnh mạch. Ngoài việc gây ra các cơn đau khó lý giải, trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến thận trái, gây tiểu máu, suy thận…

Do đó, nếu bệnh nhân có thân hình mảnh khảnh bị đau hông, lưng và bụng dưới chưa tìm được nguyên nhân, nhất là cơn đau có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc thai kỳ, kèm theo các triệu chứng đau khi giao hợp, thi thoảng tiểu màu đỏ, cần nghĩ tới hội chứng nutcracker (sau khi đã loại trừ các bệnh lý phần phụ). Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã ghi nhận một số trường hợp mắc hội chứng nutcracker. Tất cả đều được phát hiện tình cờ khi siêu âm. Không phải trường hợp nào cũng có biểu hiện đau bụng như nữ bệnh nhân vừa kể trên nên rất khó nhận biết. 

Hội chứng May-Thurner

Hội chứng May - Thurner (hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu trái) gây ra do sự bắt chéo và chèn ép của động mạch chậu chung phải lên tĩnh mạch chậu trái xuống cột sống (đốt sống L5 hoặc S1) nằm phía sau. Từ năm 1851, tác giả Virchow đã ghi nhận các trường hợp huyết khối TM thường xuất hiện ở chân trái nhiều hơn chân phải. Đến năm 1957, tác giả May và Thurner đã mô tả chi tiết đặc điểm giải phẫu và được lấy tên để định danh cho hội chứng này. Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu trái thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 20-40.

Nếu bệnh nhân có thân hình mảnh khảnh bị đau hông, lưng và bụng dưới chưa tìm được nguyên nhân, nhất là cơn đau có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc thai kỳ, kèm theo các triệu chứng đau khi giao hợp, thi thoảng tiểu màu đỏ, cần nghĩ tới hội chứng nutcracker
Nếu bệnh nhân có thân hình mảnh khảnh bị đau hông, lưng và bụng dưới chưa tìm được nguyên nhân, nhất là cơn đau có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc thai kỳ, kèm theo các triệu chứng đau khi giao hợp, thi thoảng tiểu màu đỏ, cần nghĩ tới hội chứng nutcracker

Về cơ chế, do sự chèn ép mạn tính phối hợp với dao động đập theo mạch của động mạch chậu phải lên tĩnh mạch chậu trái được coi như một chấn thương vi thể lặp đi lặp lại, lâu ngày dần dần làm lắng đọng elastin và collagen, dẫn đến sự dày lên của thành tĩnh mạch. Điều đó thậm chí tạo thành các mạng lưới trong lòng tĩnh mạch, làm hẹp lòng tĩnh mạch hoặc thúc đẩy quá trình tạo huyết khối. Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu trái thường biểu hiện ra lâm sàng ở thể cấp tính do tạo lập huyết khối tĩnh mạch chậu đùi. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng đột ngột sưng phù, căng tức, đau nhức ở đùi và cẳng chân trái. Các yếu tố khác như ít vận động, thai kỳ hoặc phẫu thuật cũng là những nguyên nhân góp phần thúc đẩy sự tạo lập huyết khối trong hội chứng này.

Tuy nhiên, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu trái còn có thể biểu hiện ra lâm sàng ở thể mạn tính như một trường hợp suy tĩnh mạch chân trái. Bệnh nhân thấy mỏi nặng chân, phù chân về chiều, giãn tĩnh mạch nông, thay đổi màu sắc da, loạn dưỡng, loét mắt cá do ứ trệ… Các trường hợp phát hiện hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu trái nhưng không triệu chứng chỉ cần theo dõi. Những bệnh nhân có biểu hiện mạn tính thường được điều trị bằng các biện pháp bảo tồn như dùng thuốc, mang vớ, thay đổi chế độ sinh hoạt, làm việc… Bệnh nhân mạn tính có biểu hiện nặng (phù mạn tính, loạn dưỡng da nặng, loét chân không lành…), đáp ứng kém với điều trị bảo tồn sẽ được cân nhắc can thiệp nội mạch để nong rộng chỗ hẹp và đặt stent tại vị trí bị chèn ép. 

Đối với các trường hợp mắc hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu trái có biểu hiện huyết khối, việc điều trị phải bao gồm nội khoa (dùng thuốc kháng đông, mang vớ) kết hợp với phẫu thuật lấy huyết qua đường nội mạch. Bên cạnh đó, người bệnh đồng thời phải sửa chữa lại chỗ hẹp bằng phương pháp nong bóng và đặt stent để tránh tái phát và ngăn ngừa các di chứng khó chữa. 

Hội chứng chèn ép tĩnh mạch khoeo

Tại vị trí hố khoeo, bó mạch khoeo đi sát nhau và cùng chui qua một vùng giải phẫu khá chật hẹp được nhiều gân cơ và dây chằng bao bọc. Khớp gối lại là một khớp cử động nhiều với biên độ lớn nên dễ tạo nên hiện tượng chèn ép tĩnh mạch, thậm chí là động mạch ở vùng này.

Nguyên nhân gây ra hội chứng trên thường do sự bám bất thường của đầu trong cơ bụng chân, choàng qua bó mạch khoeo gây chèn ép. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác: bó mạch khoeo bị choàng qua bởi cơ khoeo hoặc có sự tồn tại một dải xơ bắc ngang. Trong tình huống cá biệt, tĩnh mạch khoeo cũng có thể bị chèn ép bởi sự hiện diện của phình động mạch khoeo hoặc sự hiện diện của nang hoạt dịch khớp lớn.

Hội chứng chèn ép tĩnh mạch khoeo có thể biểu hiện bằng triệu chứng ứ trệ ngoại vi giống suy tĩnh mạch hoặc cấp tính khi có huyết khối. Chẩn đoán hội chứng này cần có sự hỗ trợ của CT scan mạch máu phối hợp với hình ảnh MRI. Đa số trường hợp mắc hội chứng chèn ép tĩnh mạch khoeo không triệu chứng hoặc biểu hiện mạn tính. Hội chứng này chỉ cần điều trị bảo tồn. Khi bệnh nhân biểu hiện nặng hoặc cấp tính như huyết khối sẽ được phẫu thuật cắt rộng, xẻ cân cơ giải áp, cắt túi phình mạch máu, cắt nang 
hoạt dịch…

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI