Nhận diện “bạo lực kinh tế”

18/11/2024 - 06:20

PNO - Ảnh hưởng nguy hại của các hành vi bạo lực kinh tế là không hề nhỏ, cần ngăn chặn, xóa bỏ để xây dựng gia đình lành mạnh, hạnh phúc, văn minh.

Theo thống kê do Viện Nghiên cứu gia đình và giới công bố năm 2023, có 27,7% nguyên nhân khủng hoảng hôn nhân là từ mâu thuẫn về lối sống, 25,9% do ngoại tình, 13% do yếu tố kinh tế, 6,7% do bạo lực gia đình.

Yếu tố kinh tế ảnh hưởng đến hôn nhân, đến giềng mối gia đình không hẳn vì cuộc sống khó khăn, công việc bấp bênh, thu nhập thấp mà phần nhiều do sự tương tác không “thuận buồm xuôi gió”, không đồng thuận với nhau xung quanh chữ tiền. Vợ chồng nghèo hay giàu cũng khổ nếu để xảy ra mâu thuẫn, xung đột về tài chính bởi mục đích của hôn nhân là yêu thương, chia sẻ, cho nhau điểm tựa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có câu “thái độ trước đồng tiền là thái độ trước cuộc sống”. Với các quy định và mức xử phạt, thái độ trước đồng tiền trở thành vấn đề pháp lý hẳn hoi, là hành vi bạo lực kinh tế trong mối quan hệ gia đình. Ở chốn pháp đình, đã có không ít người vi phạm pháp luật do áp lực của vợ, chồng, bạn tình, tức là bị ép phải đóng góp, cung phụng số tiền quá lớn so với thu nhập chính đáng khiến họ làm điều phi pháp.

Ngược lại, với những người có lý trí mạnh, nếu bị người thân kiểm soát thu nhập, thao túng, ép buộc đóng góp quá khả năng, họ sẽ tự điều chỉnh bằng cách làm thêm những công việc chính đáng để tăng thu nhập, đáp ứng yêu cầu đó, hoặc họ phản hồi, góp ý, xây dựng để thay đổi hành vi kiểm soát, cưỡng ép.

Ảnh hưởng nguy hại của các hành vi bạo lực kinh tế là không hề nhỏ, cần ngăn chặn, xóa bỏ để xây dựng gia đình lành mạnh, hạnh phúc, văn minh.

Tuy nhiên, cái khó là chứng minh được hành vi, chứng minh những tổn hại của hành vi đó đối với nạn nhân. Do việc này chỉ xảy ra giữa vợ và chồng hoặc các thành viên trong gia đình nên khó thu thập chứng cứ. Khả năng đưa sự việc ra ánh sáng rất thấp khi việc xử phạt lại đánh vào tài chính gia đình. Nạn nhân sẽ chọn “cắn răng chịu đựng” và khi không còn chịu đựng nổi thì ly hôn.

Tôi không kỳ vọng vào tính khả thi của đề xuất xử phạt hành vi bạo lực kinh tế trong gia đình được nêu trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh tích cực, tôi cho rằng, vẫn cần đưa nội dung này vào nghị định để nếu có tình huống bạo lực kinh tế thì có cơ sở để xử lý, không lúng túng, bị động.

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quy định này, cần hết sức cân nhắc khi đưa ra các tình huống cụ thể. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định để lan tỏa sâu rộng vào cuộc sống. Pháp luật định hướng xã hội, để công dân nhận ra đúng sai, những gì nên làm, không nên làm nhằm xây dựng, tổ chức cuộc sống gia đình tốt hơn.

Theo tôi, bên cạnh các chế tài của pháp luật, còn có một số giải pháp cơ bản để phòng, chống bạo lực kinh tế trong gia đình, như thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình, các lớp học về tổ chức cuộc sống, quản lý tài chính trong gia đình với sự trợ lực của công nghệ hiện đại; chia sẻ các gương điển hình xây dựng gia đình hạnh phúc; giao lưu, giới thiệu những gia đình làm kinh tế giỏi để từ đó rút ra kinh nghiệm làm kinh tế gia đình.

Chính quyền địa phương cần thường xuyên quan tâm giúp đỡ những gia đình khó khăn về kinh tế, như giới thiệu việc làm tại nhà hoặc các cơ sở tại địa phương để họ giảm áp lực về thu nhập.

Các thành viên gia đình - nhất là vợ và chồng - nên chủ động bàn bạc, có quy ước từ đầu và rạch ròi về quản lý thu chi, tích lũy, tạo lập tài sản. Nên nhẹ nhàng nhắc nhở và thẳng thắn bày tỏ quan điểm khi người kia có những hành vi thái quá, tiêu cực. Nên xây dựng cơ chế “riêng trong chung” dễ chịu, thoải mái, tích cực cho tất cả thành viên để mọi người dành năng lượng cho lao động, sáng tạo, cống hiến cho xã hội hơn là “canh me” nhau từng đồng.

Luật sư Nguyễn Ánh Tâm
Hoài Nhân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI