Trong khi đó, bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế (NTK) Quang Huy (Hà Nội), trình diễn trong Lễ hội Áo dài tối 30/4 tại Huế, cũng khiến dư luận hoang mang với chiếc “mấn” được nhiều người gọi là mũ cách cách khi so sánh với trang phục của các nàng công chúa thời Mãn Thanh - Trung Quốc.
Theo giải thích của NTK Quang Huy thì chiếc “mấn” mà các người mẫu đội khi trình diễn bộ sưu tập của mình là một sự cách điệu, biến thể của bảng pha màu và trên đó là tranh của họa sĩ Đặng Mậu Tựu - một họa sĩ đất Huế.
|
Mấn của NTK Quang Huy (phải) |
Hai mẫu áo của NTK Thu Hà và Công ty Thái Tuấn cho lãnh đạo APEC đều chọn hoa sen làm điểm nhấn - kết hợp sen với hoa, lá, vân mây và đặt ở vị trí vai, bụng, cổ tay.
Tuy được Hội đồng thẩm định của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Cục MNT) đánh giá là đảm bảo được các yếu tố sang trọng, gần gũi và chuyển tải được thông điệp về văn hóa truyền thống Việt Nam, nhưng cả hai mẫu thiết kế đều bị cho là giống với trang phục truyền thống của Malaysia, Indonesia hơn là Việt Nam khi sử dụng hai túi bên (mẫu của NTK Thu Hà) hoặc trông như khăn rằn thả trước ngực.
Tất nhiên, Cục MNT có lý của mình khi bảo rằng đây không phải là quốc phục (để phản biện lại các ý kiến thắc mắc vì sao không chọn áo dài) mà là lễ phục dành riêng cho APEC, với các tiêu chí rõ ràng như không được trùng lặp với những mẫu từng sử dụng, không được giống trang phục bất kỳ quốc gia nào...
Vấn đề nằm ở chỗ khác mà nếu không minh xác được thì những cuộc tranh cãi sẽ không có đoạn kết mỗi khi ta chạm vào câu hỏi bản sắc Việt.
Nếu không trả lời được câu hỏi bản sắc Việt là gì và như thế nào, chủ trương xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc sẽ chẳng đi đến đâu.
Cho đến nay, ngoài chiếc áo dài đã được thừa nhận là đặc trưng Việt Nam, được ghi tên chính thức vào từ điển, chúng ta có bao nhiêu đặc trưng văn hóa để khi nhìn vào, thế giới nhận diện được ngay đó là Việt Nam?
Một quốc gia như Nhật Bản đã xây dựng được cho mình vô vàn đặc trưng văn hóa, từ trà đạo đến nghệ thuật cắm hoa, thậm chí nghệ thuật trói shibari. Ngoài các ninja và samurai, họ còn có cả mèo Doraemon, Hello Kitty và vô vàn thứ khác.
Một quốc gia phát triển kém hơn Nhật như Hàn Quốc đã nỗ lực tạo ra và quảng bá đến thế giới một làn sóng Hàn. Họ đã thành công khi ngày nay trong ngành thẩm mỹ ta được nghe giới thiệu phun môi, cằm V-line kiểu Hàn Quốc hay đẹp trai như “chuẩn soái ca” Hàn.
Trong những năm gần đây, người Hàn đã cố gắng cạnh tranh với Nhật trong chuyện lễ hội hoa anh đào, dù những cây hoa anh đào bên bờ sông Potomac, Thủ đô Washington (Mỹ) vẫn rực rỡ và thu hút du khách.
Ở Thái Lan, họ có xe tuk tuk và chưa chắc giữa ba nước Thái Lan, Campuchia, Lào thì chùa chiềng nước nào có ưu thế hơn. Chưa chắc giữa Thái và Lào, voi quốc gia nào được thế giới biết đến nhiều hơn. Không có kim tự tháp, không Vạn lý trường thành, không có võ sĩ giác đấu... Bhutan vẫn được biết đến là quốc gia hạnh phúc với một nền văn hóa hòa hợp với thiên nhiên.
Rõ ràng, bản sắc văn hóa không tự nhiên mà có. Chiếc áo Nhật Bình, áo Giao Lĩnh, sau bao nhiêu năm im ắng, phủ bụi thời gian, khi được các bạn trẻ hôm nay (chứ không phải cơ quan, tổ chức bảo tồn nào) đưa trở lại đời sống, đã bị kết tội là “giống kimono Nhật”, “giống hanbok Hàn”.
Phải chăng tự ta đã đánh mất những giá trị văn hóa đặc trưng của mình để tan biến trong dòng chảy văn hóa thế giới, để đến khi câu hỏi bật ra - “Cái gì là bản sắc Việt?”, ta ngơ ngác nhìn nhau và... lao vào tranh cãi.
4.000 năm văn hiến, chúng ta đã tạo ra và có được nhiều giá trị văn hóa, xây dựng được những bản sắc đặc trưng của dân tộc. Nhưng, để chúng tiếp tục phát huy rực rỡ, trở thành những bản sắc giúp nhận diện quốc gia thì sẽ cần nhiều nỗ lực hơn là chỉ bảo tồn - nhất là kiểu bảo tồn biến công trình ngàn năm thành... một ngày tuổi hoặc bảo tồn theo kiểu hủy diệt giá trị.
Nhưng cuộc tranh cãi theo kiểu “giống Tàu”, “giống Nhật” là vô nghĩa, bởi quá trình giao lưu văn hóa vẫn luôn diễn ra và các quốc gia luôn tích hợp giá trị tinh hoa của nhau.
Trong dòng chảy đó, chiếc mũ cách cách hay bông sen Ấn Độ cũng sẽ không là vấn đề nếu chúng được xử lý (qua chất liệu, thể cách, màu sắc...) để bật được đặc trưng văn hóa Việt.
Còn khi cả bộ trang phục không gợi nhắc được tính “Việt” trong công chúng, không giúp nhận diện được thương hiệu quốc gia thì việc chúng bị chê bai hay bài xích là thứ ta phải chịu.
Thay vì chống chế kiểu áo, kiểu “mấn”, liệu chúng ta có nên bắt tay tìm lại, chuẩn hóa những bản sắc Việt đã có hoặc xây dựng những bản sắc mới không?
Phạm Thành Nhân