1. “Ảnh nói là ảnh thương em quá, không muốn mất em”. Em lí nhí giọng thật nhỏ, cúi mặt xuống ngón tay cái hãy còn một vết xước, không sâu nhưng khá dài chưa kịp lên da non. Tôi nghe xót xa khi nhìn mớ tóc nham nhở không theo một kiểu dáng nào thay cho mái tóc suôn dài một áng mấy hôm trước. Bất giác nghe hoang mang khi nghĩ đến cái gọi là tình yêu thương như lời em nói.
Tôi có thói quen đọc lại những trang sách cũ. Những trang sách yêu thích, đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần nhưng dường như vẫn chưa hiểu hết. Hệt như cứ có dịp, lúc này chẳng hạn, ý nghĩ về tình yêu thương trên đời cứ dội lên trong đầu, không ngăn lại được. Yêu thương thật sự là gì? Có lẽ, vẫn chưa thể có một khái niệm đủ đầy để thỏa mãn tất cả.
Thế nhưng, chắc chắn đã là yêu thương, cho dẫu yêu thương ai, cái gì trên đời này đều là thứ cảm xúc đẹp. Yêu thương chỉ có thể mang đến hạnh phúc, tuyệt đối không thể có khổ đau nước mắt. Lại càng không thể là những cơn phập phồng lo sợ hay rúm ró trước nhát kéo tàn nhẫn cắt phăng mái tóc dài, sượt lên da tay da chân những đường ngang dọc như chồng em vừa làm với em.
Em là cô gái bình thường, cũng không quá xuất sắc. Em thích làm đẹp, ca hát, hoạt bát ăn nói có duyên. Phố huyện nhỏ bằng bàn tay, chuyện tình cảm trước ngày có chồng của em ai cũng biết. Có cả lễ đính hôn hẳn hoi rồi vì lý do nào đó tất cả chỉ còn là quá khứ, đâu có gì lạ.
Với đàn bà, nếu người đàn ông bên cạnh đang thật sự yêu thương mình, liệu mấy ai còn vẩn vơ về những ngày xưa xa lắc? Đàn bà luôn mềm lòng trước những thương yêu, luôn mong mỏi một chốn bình yên cho đời mình. Chỉ cần nhận được yêu thương, họ sẽ cho đi một tấm chân tình son sắt, cho đi một đời tận tụy. Giữ chân đàn bà sao lại bằng việc sắm một chiếc lồng rồi lạnh lùng khép cửa? Đàn ông trời sinh tự tin phóng khoáng, bảo bọc chở che, sao lại thích một con chim run rẩy trong tay mình, mới cảm thấy mạnh mẽ, mới cảm thấy an tâm?
Cuộc tình ngày nào, dù cả làng nghĩ sẽ có cái kết đẹp, cũng đã là chuyện cũ, em chăm chút bao nhiêu cho gia đình thì chồng vẫn ghen. Đi ăn với ai, mặc cái áo mới, mang đôi giày mới, tin nhắn điện thoại, email… mọi thứ chồng em đều quản! Đỉnh điểm là khi em đi hát karaoke với đồng nghiệp, âm thanh to quá, mải vui không nghe được điện thoại, về đến nhà, trước mặt con, chồng túm mái tóc dài xén ngang xén dọc cho chừa cái tội “đi với trai!”.
Sau cơn ghen bừng bừng như lửa cháy, sau cơn hoảng loạn, sau nước mắt và kể cả là một tấm đơn ly hôn của em, chồng buông từng tiếng như đá ném vào lòng sông: "Vì anh yêu thương em quá!".
Cái cúi đầu líu ríu, cái bàn tay dường như đang cố kìm cho khỏi run lên trước mặt tôi phải chăng là minh chứng cho sự bất an trong em? Tôi đột nhiên muốn hỏi: yêu thương gì như thế hả em? Đời em, ngày còn rộng tháng còn dài, tuổi cao bệnh tật, chút phấn son này che hết những vết chân chim?
Ảnh minh họa
2. Tôi lại bỗng dưng nhớ cậu học trò nhỏ của mình. Tôi chỉ dạy em một thời gian ngắn nhưng thi thoảng cô trò vẫn nhắn tin hỏi thăm nhau. Suốt mấy ngày đầu năm học này, em nhắn liên tục với tôi kể việc em chuyển sang trường mới. Khi nhận được tin nhắn: “Con không cần một người mẹ như vậy. Nếu không có bà ấy, con đã có những năm học thật hạnh phúc vui vẻ. Con căm ghét bà ấy!”. Tôi buộc phải tìm gặp mẹ và cả con.
Ngồi trước mặt tôi là một phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ. Vẻ tự tin thể hiện trong âm sắc, trong từng cái khoát tay của chị. Dường như chị muốn cho tất cả những ai đối diện với chị phải đọc vị được một điều: với chị, không có việc gì là không thể! Chị kỳ vọng ở con rất nhiều. Cha mẹ nào chẳng mong điều tốt nhất cho con.
Thế nhưng, giờ tôi mới biết, ngay từ năm học lớp Sáu, nếu học kỳ nào con không đạt được thành tích như mong đợi là chị lại xin chuyển lớp, rồi chuyển trường cho con. Chị liên tục đổi chỗ học thêm, quà cáp biếu xén thầy cô… mỗi lần như thế kèm theo thái độ bất mãn, hậm hực. Chị không hề nghe ai về việc mỗi lần thay đổi trường lớp là một điều bất khả kháng, bởi lẽ sẽ gây rất nhiều xáo trộn tâm lý cho con, nhất là trẻ ở độ tuổi dậy thì. Chị không hề nghe ai về việc không nhất thiết bằng mọi giá con phải đạt danh hiệu học sinh giỏi hay có thành tích nhất khối, nhất trường.
Đối với trẻ nói riêng và cả người lớn nói chung, mỗi ngày sống là một ngày cảm thấy vui đã quá đủ rồi. Đâu phải ai cũng có thể thành đại bàng sải cánh trên không trung. Và đâu phải cứ là đại bàng thì mới thỏa một kiếp sống trên đời? Khát vọng lớn lao luôn đáng trân trọng. Nhưng hãy chịu khó nghĩ rằng nếu bầu trời chỉ toàn là đại bàng, nhân gian chỉ toàn là hương hoa thơm ngát liệu khi ấy sẽ ra sao?
Con có thể chưa học giỏi, điều đó không ảnh hưởng đến hạnh phúc, niềm vui của con. Con thấy con được thương yêu không, con thấy con được sống trong thế giới bạn bè cùng trang lứa không, con có biết cảm thương một người bạn có hoàn cảnh khó khăn, có biết hỏi thăm rót cho ông bà cha mẹ ly nước lúc mệt không… đó mới thật là điều đáng quan tâm nhất của một người mẹ đồng hành cùng con. Việc thay đổi bạn bè, môi trường sống liên tục khiến con cảm thấy cô đơn lạc lõng. Những hậm hực, những lời nói khó nghe trút vào con khi không đạt thành tích như cha mẹ mong muốn sẽ là những áp lực nặng nề, thậm chí tạo thành những vết thương sâu hoắm khó lành. Lâu ngày, như bây giờ, hai mẹ con - mối quan hệ vốn dĩ chỉ có chỗ cho gần gũi, biết ơn, thương yêu sâu sắc - lại trở nên xa cách, chịu đựng bất mãn, rồi oán trách nhau.
“Chị thương con chị và chỉ muốn điều tốt nhất cho con. Vậy mà nó… Chị thật bất hạnh!”. Chào chị về đã lâu mà câu nói ấy vẫn cứ luẩn quẩn không tan được trong đầu tôi. Tôi cảm nhận được cái bóng đen ngòm của nỗi buồn, đau; thậm chí là tuyệt vọng bám riết lấy chị, cũng như bám lấy cậu bé khi em nói từng lời nặng nhọc trong ánh mắt lấp lánh tủi hờn: “Bà ấy không thương con!”.
Ảnh minh họa
3. Vì đâu nên nỗi? Vì cái gì vậy? Tại sao yêu thương nhau lại có thể khiến người ta đau khổ như vậy? Ta có quyền hoài nghi tình yêu trai gái, tình yêu giữa người và người nhưng tình mẫu tử thì liệu có thể nào hoài nghi là không thật? Vậy là thương yêu thật lòng đấy thôi sao vẫn không khiến người ta hạnh phúc?
Hóa ra yêu thương ngỡ cứ tự nhiên như khí trời, như gió mưa, nhưng không phải vậy! Có khi nào những người đang yêu thương nhau tự hỏi rằng mình đã thật sự biết yêu thương ai đó? Hay chỉ là chăm chăm nghe lấy tiếng nói của chính mình, cho cái tôi được ve vuốt, cho những xúc cảm được thỏa mãn. Ta có từng lắng nghe xem người mình yêu thương, thật sự muốn nhận được yêu thương như thế nào? Hay ta cứ miệt mài mua dây trói người trói mình, đau người cũng là đau mình?
Những sợi dây ấy nhân danh tình yêu thương? Chỉ biết, yêu thương đích thực tuyệt đối không thể mang đến những khổ đau. Vậy khi có những khổ đau thì liệu chúng ta đã biết thế nào là yêu thương một người?
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.