Nhẫn cưới: ‘nhỏ nhưng có võ’

22/05/2015 - 06:49

PNO - PN - Tôi rất thích ngắm nhìn những chiếc nhẫn trên ngón tay áp út của những người tôi gặp gỡ mỗi ngày hay vô tình bắt gặp giữa dòng người hối hả ở thành phố đông nghịt này hay bất cứ nơi đâu tôi đi đến.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi nhìn chiếc nhẫn mòn vẹt trên tay ba mẹ tôi mà thấy thương sao là thương. Những chiếc nhẫn đã đi qua bao năm tháng. Chúng đã tiếp xúc với bao nắng mưa, bao thứ hóa chất khi phải hàng ngày giặt giũ quần áo cho những đứa con, rửa đống chén sau mỗi bữa ăn, lau dọn và trăm thứ công việc không tên khác…

Ngày cưới của con, ba mẹ rưng rưng mỉm cười nhìn con rể lồng vào ngón tay con gái chiếc nhẫn cưới. Giây phút ấy, hẳn họ đang bồi hồi nhớ lại khoảng khắc của hơn 30 năm trước, khi ba run run đeo nhẫn cưới vào tay mẹ. Mẹ nói, mẹ có cảm giác thời gian trôi thật nhanh, nhớ hôm nào ba mẹ xì xụp lạy trước bàn thờ tổ tiên và đeo vào tay nhau đôi nhẫn cưới, thoáng chốc mà sinh ra con, rồi con lớn lên, đi làm, lấy chồng và lại đứng trước bàn thờ này trao nhẫn cưới…

Nhan cuoi: ‘nho nhung co vo’
 

Mẹ nói mọi việc cứ như mới hôm qua, nhưng khi nhìn lại chiếc nhẫn mòn vẹt trên tay - sợi mảnh như sợi chỉ len… mẹ mới giật mình, hóa ra không phải chỉ mới hôm qua mà đã có biết bao sóng gió, bao vui buồn thăng trầm đã đi qua cuộc hôn nhân ấy. Cho đến giờ, mỗi khi nhìn lại chiếc nhẫn, cả hai đều thấy mãn nguyện vì đã cho đi và nhận lại đủ nhiều, và chưa một ngày họ rời tay khỏi nó.

Colley Cibber nói: “Ôi, có biết bao nỗi thống khổ nằm trong cái vòng nhẫn cưới bé xíu!”. Câu nói đó hẳn sẽ khiến nhiều người đau điếng khi nhìn lại chiếc nhẫn trên tay, nhìn lại người bạn trăm năm đang đi bên cạnh - người chỉ mang đến cho họ những tổn thương, mất mát. Cũng có kẻ sẽ bật cười hiểu rằng đó chỉ là một câu nói nửa đùa nửa thật, bởi mối quan hệ nào mà chẳng đi liền với cả cho và nhận, được và mất, niềm vui và nỗi buồn…

Tất nhiên, sẽ có nhiều người cho rằng đâu hễ cứ kết hôn rồi là phải đeo nhẫn, và cứ đeo nhẫn là phải chung thủy! Có nhiều người đeo nhẫn mà vẫn đi ngang về tắt với những mộng tưởng xa xôi dù chưa đến mức giũ đi tình nghĩa vợ chồng hoặc có kẻ công khai phản bội. Không có luật pháp quốc gia nào quy định người ta phải đeo nhẫn cưới, càng không ai có thể “bắt ép” người bạn đời mang nhẫn, một khi họ đã không muốn. Thế nhưng, tôi luôn tin rằng chiếc nhẫn cưới có một giá trị của nó - không phải giá trị vật chất được quy ước bằng bao nhiêu đồng hay bao nhiêu carat, mà là bằng một “thỏa thuận” giữa tình yêu và trách nhiệm.

Có một người bạn là đàn ông từng nói với tôi rằng: Đừng xem thường giá trị của chiếc nhẫn cưới, nó “nhỏ nhưng có võ” đấy! Có những lần trong cơn chếnh choáng của rượu hay những lời khích bác của mấy thằng bạn… không hiền, anh suýt chút đã làm chuyện có lỗi với vợ mình. May mà những lúc ấy chiếc nhẫn đã “lên tiếng” nhắc nhở. Bố anh nói với anh rằng: Chiếc nhẫn cưới là một vật thiêng liêng. Dù lúc khốn cùng nghèo đói nhất con cũng đừng bao giờ nghĩ đến chuyện bán nó. Con có thể bán sức lao động của mình, bán đến cái bàn cái ghế cuối cùng trong nhà, nhưng hãy giữ lại nhẫn cưới, nếu con còn muốn đi cùng người trao cho con chiếc nhẫn đó.

Nhan cuoi: ‘nho nhung co vo’

Hay như ông chồng tôi những khi bị vợ giận và “cách ly”, những khi đó hắn cứ làm hết việc nọ đến việc kia rồi ngồi ôm đầu gãi tai, hay chống cằm bằng… bàn tay đeo nhẫn như cố ý “khoe” chiếc nhẫn trên tay, cố ý để cho kẻ đang “bất cần đời” kia trông thấy mà thương. Có lẽ hắn biết rõ yếu điểm của phụ nữ và của những người coi trọng chiếc nhẫn, mà quả là hắn đã đúng khi nắm trúng “tẩy” của tôi. Bởi muôn đời, khi người đàn bà nhìn thấy ngón tay chồng mình vẫn đang đeo nhẫn thì vẫn luôn dễ dàng tự ru mình bằng suy nghĩ: “Ừ thì, ở cái vị trí chuyển máu đi khắp cơ thể của hắn, mình vẫn là bà chủ”.

Có một người phụ nữ mà tôi biết từng tâm sự với tôi rằng: Cô ít học, cô chẳng hiểu nhiều về ý nghĩa của chiếc nhẫn cưới nhưng cô thích đeo nhẫn cưới và trân trọng nó như chính cuộc hôn nhân của mình, cả chồng cô cũng vậy. Một ngày chồng cô thú nhận đã “có tình cảm” với người khác. Sau một đêm thức trắng, sáng hôm sau cô nhóm bếp nấu cháo cho cả nhà ăn sáng như mọi ngày. Cô bảo chồng đến ngồi cạnh bên bếp lửa và nói với chồng rằng cô đồng ý để chú ra đi, với điều kiện chú phải tháo nhẫn ra đưa cho cô. Cô tháo chiếc nhẫn trên tay mình và cho cả hai chiếc nhẫn vào đống lửa đang cháy. Chú nhìn cô không chớp mắt, sau đó chú đi một mạch đến tối mới về.

Chú về đến lúc nhà đã lên đèn, khi bếp lửa vẫn còn ấm lớp than củi. Chú cho tay vào mớ bụi than còn ấm nóng mò mẫm tìm hai chiếc nhẫn, mặc cho cô cố ngăn lại. Chúng chưa đến nỗi nào nhưng cũng đã méo mó, xỉn màu, còn bàn tay chú thì bị bỏng đỏ lựng. Chú đem lau chùi sạch sẽ rồi xin cô cho chú đeo lại. Chú nói, không có chiếc nhẫn, chú thấy tay mình trống lạnh và tâm hồn cũng lạnh theo…

Chính lúc đó chú ngồi nhớ lại những gì cô đã cho chú và nhận ra chữ “thương” mà chú tưởng không còn với cô hóa ra vẫn đầy, vẫn vẹn nguyên. Còn cái “tình cảm” với người đàn bà kia, chỉ là chút gió mùa hè. Cô cười hiền hòa: Chuyện đó xảy ra hồi cô chú mới ngoài 30 tuổi, từ đó đến giờ cuộc sống rất hạnh phúc.

Như rượu cất lâu năm… dù bình đã cũ, rượu có vơi đi nhưng hương vẫn nồng, vị vẫn đượm… đó chính là những chiếc nhẫn cưới mòn lẵn bởi thời gian. Đôi khi kỷ niệm đã vàng hoe, thì chiếc nhẫn như một chiếc lá xanh còn sót lại, nhắc nhớ cho người ta về một thứ trường tồn: đó chính là trách nhiệm và lời hứa thủy chung của ngày đầu. Chiếc nhẫn không “vô tri” như những thứ trang sức khác, tôi tin như vậy.

HẢI THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI