Nhân công nước ngoài bị bóc lột tại 'thiên đường lao động' Úc

22/11/2017 - 12:30

PNO - Do sự thiếu hiểu biết pháp luật và rào cản ngôn ngữ, nhiều lao động nước ngoài tại Úc phải đối mặt với tình cảnh bị bóc lột, đối xử bất công, nhận đồng lương rẻ mạt và làm việc trong tình trạng nghèo nàn.

Giống như nhiều người Hàn Quốc trẻ tuổi, cô Cho Gabi Cho tìm đến Úc để có cơ hội học tiếng Anh, kiếm tiền với hi vọng thay đổi cuộc sống.

Cách đây hai năm, cô tìm được công việc, làm thợ cắt tóc ở khu Lidcombe tại thành phố Sydney. Gabi nhận mức lương khoảng 9 đô la Mỹ (hơn 200.000 đồng) cho mỗi giờ làm việc. Để được nhận vào làm, cô phải ứng trước khoản tiền 380 đô la (8,6 triệu đồng), và sẽ được hoàn trả lại nếu cô không bao giờ đi làm muộn hoặc vắng mặt.

Nhan cong nuoc ngoai bi boc lot tai 'thien duong lao dong' Uc
Cô Cho Gabi bị trả mức lương thấp hơn nhiều so với mức lương quy định tối thiểu tại Úc. Ảnh: The New York Times

Gabi cho hay, khi đó, cô không hay biết rằng tất cả những điều này đều bất hợp pháp.

Người phụ nữ Hàn Quốc cho rằng mình đang bị trả thiếu 30.000 đô la Mỹ so với mức lương xứng đáng được hưởng. Và thực tế, theo một cuộc khảo sát được công bố vào ngày 21/11/2017, cô chỉ là một trong hàng nghìn lao động người nước ngoài tạm thời ở Úc phải nhận mức lương quá rẻ mạt.

Quốc gia này là nơi sinh sống của đông đảo lao động nhập cư, nhiều người trong số đó là sinh viên du học hoặc những người du lịch bụi, thường không có nhiều hiểu biết về tình trạng lạm dụng lao động đang lan rộng tại đây.

Cô Cho Gabi cho biết: “Chủ salon cắt tóc lợi dụng tôi vì tôi không biết tiếng Anh, thiếu hiểu biết về luật pháp cũng như quyền lợi của người lao động. Tôi muốn mọi người biết điều đã xảy ra với mình, để không ai còn phải chịu cảnh giống như tôi nữa”.

Cuộc khảo sát diễn ra bối cảnh tình trạng lạm dụng lao động thời vụ tại Úc đang trở nên ngày một đáng báo động. Với nền kinh tế phát triển, thị trường việc làm phong phú, quốc gia này đang là điểm đến hấp dẫn với những người có mong muốn nhập cư cũng như người đơn thuần muốn kiếm tiền khi đi du lịch.

Một báo cáo đệ trình cho các nhà lập pháp năm ngoái đã mô tả lại mức lương thấp và giờ làm việc kéo dài đối với nhiều lao động nhập cư tạm thời. Báo chí truyền thông cũng nhấn mạnh về điều kiện làm việc của lao động nước ngoài tại các cửa hàng tiện ích và trang trại.

Báo cáo này đã  tạo nên một cuộc tranh luận lớn xoay quanh việc nên nhận bao nhiêu lao động ngoại quốc vào Úc và liệu có nên cho họ nhập cư vĩnh viễn. Trong đó, Thủ tướng Malcolm Turnbull và nhiều người bày tỏ e ngại rằng sự xuất hiện của nhân công nước ngoài đã khiến người Úc gặp khó khăn hơn khi tìm việc làm.

Cuộc khảo sát được công bố vào ngày 21/11 với tên gọi “Trộm tiền lương tại Úc” đưa ra kết quả dựa trên 900.000 người nước ngoài làm việc tại đây. Theo đó, khoảng một phần tư sinh viên quốc tế kiếm được ít hơn 12 đô la Úc  (khoảng 279.000 đồng) mỗi giờ, và một nửa số sinh viên này có mức lương 15 đô Úc (258.000 đồng).

Nhan cong nuoc ngoai bi boc lot tai 'thien duong lao dong' Uc
Những công việc tại nông trại, thu hoạch rau quả… thường bị trả công bèo bọt nhất. Ảnh: Reuters

Song tại quốc gia này, mức lương tối thiểu toàn quốc được quy định là 18,29 đô Úc/giờ (khoảng 315.000 đồng). Những người lao động phổ thông, không được hưởng quyền lợi nghỉ dưỡng hay nghỉ ốm, thì thường kiếm được nhiều tiền hơn.

Theo cuộc khảo sát, những việc bị trả công rẻ mạt nhất là thu hoạch rau và trái cây hay làm việc trong nông trại.

Bà Bassina Farbenblum, đồng tác giả của báo cáo và là giảng viên luật tại Đại học New South Wales ở Sydney, cho hay: “Chúng tôi biết rằng đây là vấn đề sâu rộng, phổ biến, và đối với nhiều lao động nhập cư, tình trạng vi phạm mức lương là hết sức nghiêm trọng”.

Không chỉ vậy, khảo sát còn chỉ ra rằng nhiều người trong số họ biết rằng mình đang bị trả lương thấp. Tuy nhiên bởi tình trạng visa, họ không mong sẽ nhận được mức lương tối thiểu hợp pháp.

Bà Laurie Berg, giảng viên luật tại Đại học Công nghệ Sydney, đồng tác giả báo cáo nói thêm: “Chúng ta có một thị trường lao động lớn với chi phí thấp, hoạt động ẩn dật. Các vấn đề được che giấu và chúng ta chưa hề giải quyết vấn đề đó”.

Dù được các tác giả thừa nhận có thể còn một số sai sót, nhưng các kết luận trong khảo sát này gần giống với một số kết quả báo cáo từ các quan chức chính phủ. Ông Mark Lee, phát ngôn viên của Fair Work Ombudsman, một tổ chức giám sát về công bằng lao động, chuyên điều tra các khiếu nại về nơi làm việc và thực thi luật lao động tại Úc, cho biết, thanh thiếu niên và những người có xuất xứ là dân di cư thường dễ bị bóc lột tại nơi làm việc.

Theo ông Lee, có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này, trong đó bao gồm “rào cản ngôn ngữ, thiếu hiểu biết về quyền lợi tại nơi làm việc, thiếu kiến thức về kĩ năng tìm kiếm nơi trợ giúp và lo ngại về tình trạng thị thực của mình”.

Như trường hợp của cô Cho Gabi, cô không hề ý thức được về quyền của mình cho đến khi chồng cô, anh Andy Rim chỉ ra một bài báo về một cửa hàng bánh sandwich ở Sydney bị Fair Work Ombudsman buộc tội trả lương thiếu hơn 100.000 đô la Mỹ cho nhân công Hàn Quốc trong những ngày tăng ca vào các kỳ nghỉ. Cô đã nộp đơn khiếu nại với văn phòng điều tra, nhưng họ từ chối bình luận về khiếu nại của cô.

Anh Andy Rim là người Hàn Quốc, đang làm việc như một giám sát kho hàng. Anh cho hay: “Đây là một vấn đề lớn ở Hàn Quốc. Họ đang gửi công dân nước mình sang các nước khác để làm việc trong tình trạng như nô lệ”.

Anh Rim chia sẻ, anh và vợ mình đã đến Úc thông qua một chương trình việc làm do chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ.

Những người lao động đến từ các nước châu Á đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều nhất trong các công việc có điều kiện lao động khắc nghiệt. Cuộc khảo sát cho thấy, nhân công từ các nơi như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam phải nhận mức lương thấp hơn so với các nước Bắc Mỹ, Ireland và Anh.

Anh Daniel Song, 28 tuổi, đã chuyển đến Úc vào tháng 4 năm nay với thị thực làm việc trong kỳ nghỉ (working holiday visa) từ một thị trấn nhỏ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Anh tin rằng Úc là một nơi lý tưởng để học tiếng Anh. Thêm nữa, theo những gì Song nghe người khác nói, mức lương tại đây cao hơn nhiều so với ở Trung Quốc.

Làm việc trong lĩnh vực xây dựng ở khu kinh doanh trung tâm thuộc thành phố Brisbane, anh được trả 15 đô la Úc mỗi giờ. Hơn một phần ba công nhân tại nơi anh làm việc là người Hoa với thị thực du lịch (tourist visa) hoặc thị thực làm việc trong kỳ nghỉ.

Anh cho biết: “Sự chênh lệch mức lương có vẻ không công bằng. Nhưng điều đó là có lý do, và tôi không cảm thấy mình có sự lựa chọn nào khác”.

Lan Phương (Theo The New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI