Nhân chứng trẻ thơ: Nỗi ám ảnh khôn cùng!

05/11/2013 - 08:20

PNO - PN - Sống trong gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực, chứng kiến người thân phạm tội ác, ra trước tòa làm nhân chứng cho tội ác của người thân… là những vết cắt hằn sâu trong tâm hồn trẻ thơ, đeo bám và hành hạ trẻ, có khi...

Nhan chung tre tho: Noi am anh khon cung!

Bé Hoài (trái) làm chứng trong phiên xét xử ông ngoại

LÀM CHỨNG XỬ NGƯỜI THÂN

Phiên xét xử lưu động vụ án Đỗ Văn Banh với tội danh giết người và hiếp dâm trẻ em tại sân bóng của xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương chuẩn bị bắt đầu, chúng tôi nghe nhốn nháo: “Kia kìa, cháu ngoại thằng chả kìa! Nó bằng tuổi con nhỏ bị giết…”. Đó là bé Hoài (*), mới vừa tròn bảy tuổi. Em đứng cúi gằm mặt, tay bấu chặt lấy cha ruột. Hoài không dám nhìn ai, vẻ mặt xanh xám, run rẩy trước mọi ánh mắt đổ dồn về mình.

Vụ án đặc biệt bởi tính nghiêm trọng và vô cùng tàn nhẫn của nó, vì một người đàn ông 53 tuổi đã hiếp dâm và giết luôn nạn nhân là Ngọc, một cô bé chỉ mới bảy tuổi. Lại càng đặc biệt hơn bởi người làm chứng ở tòa là một cô bé bằng tuổi nạn nhân, chính là cháu ngoại của Banh. Trong khi Banh thản nhiên kể một cách rành mạch, chi tiết về hành vi phạm tội của mình thì cháu ngoại của y, bé Hoài, bạn nạn nhân Ngọc, đứng thất thần ở hàng ghế dành cho người làm chứng. Mỗi lời khai của Hoài đều khiến những người dự khán phải ồ lên phẫn uất, bởi qua đó thấy rõ ràng âm mưu đen tối của ông ngoại Hoài trong kế hoạch xâm hại Ngọc, từ việc dụ cho cháu Ngọc tiền mua bánh kẹo, kêu Hoài dẫn Ngọc qua nhà chơi, rồi sai Hoài đi mua thuốc lá… để có thể thực hiện ý đồ.

Mẹ của bé Hoài cho biết, từ ngày xảy ra chuyện với Ngọc, Hoài cũng hoảng loạn theo. Bên cạnh nỗi đau bị mất bạn, còn một việc khiến bé Hoài kinh hoàng, khiếp sợ là phải đến cho cơ quan công an lấy lời khai, ra tòa làm chứng cho tội ác tày trời của ông ngoại mình.

Hoài không phải là cô bé duy nhất làm nhân chứng cho những vụ án hoặc những phiên tòa xét xử người thân. Đã có biết bao đứa trẻ giống như em, phải làm chứng cho việc người thân gây tội ác, thậm chí cả cảnh cha giết mẹ, mẹ giết cha. Những con số ấy không giảm đi mà ngày càng nhiều hơn. Chỉ trong chín tháng năm 2013, điểm tin thời sự trên mặt báo đã có đến hơn 20 vụ vợ/chồng ra tay giết chồng/vợ ngay trước mặt các con.

“Con hận ba lắm, con ghét ba lắm!” - là câu nói chung của nhiều đứa trẻ sống trong gia đình bạo lực. Chứng kiến cảnh cha thường xuyên nhậu nhẹt, cá độ, đá gà, còn về đe dọa mẹ suốt hai ba năm trời đủ khiến cô bé Vũ Thị Thơ, 14 tuổi (Dĩ An, Bình Dương) khủng hoảng. Nhưng nếu chỉ có thế, em đã không nuôi lòng thù hận với cha ruột của mình. Trong cơn cuồng ghen, đêm 21/8/2012, Vũ Văn Trọng, cha của Thơ đã dùng dao đâm chết vợ trước mặt hai đứa con. Thơ nói: “Cả đời con cũng không tha thứ cho ba!”. Một năm trôi qua, Thơ về sống trong sự chăm sóc của gia đình bên ngoại, nhưng em vẫn bị những giấc mơ kinh hoàng ám ảnh.

Chúng tôi tìm về xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để gặp lại Nguyễn Văn Giang, cậu bé chứng kiến cảnh cha chém mẹ và bức mẹ uống thuốc trừ sâu tự tử năm 2004. Theo lời chị Lê Thị Phúc, dì ruột của Giang: “Chị tôi có bốn đứa con, trong đó Giang lớn nhất. Anh rể tôi làm nghề đi biển, một hai tháng mới về nhà một lần, nhưng mỗi lần về anh lại nhậu nhẹt bê tha. Chị khuyên ngăn, anh lấy roi quất chị tôi từ đầu đến chân. Giang khóc bênh mẹ thì bị cha đánh luôn”.

Nhan chung tre tho: Noi am anh khon cung!

TỔN THƯƠNG NẶNG NỀ

Một điều quá rõ ràng là bất cứ đứa trẻ nào khi bất đắc dĩ làm nhân chứng cũng bị những vết cắt hằn sâu trong tâm trí, ám ảnh các em suốt cả cuộc đời, gây cho các em những tổn thương, làm rối loạn hành vi và ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách.

Trở lại chuyện của Giang. Có lẽ do chứng kiến cảnh mẹ bị cha bạo hành thường xuyên nên từ một đứa trẻ linh lợi, hoạt bát, Giang bỗng sợ tiếp xúc với mọi người. Khi mẹ cháu bị cha ép uống thuốc độc, Giang bỏ học và trầm cảm luôn đến nay. Gặp chúng tôi, Giang trố mắt nhìn rồi liền chạy trốn vào nhà, mặc cho người dì gọi mãi, cậu vẫn không ra. Cách đây chín năm, khi chúng tôi đến thăm, Giang đứng bên bàn thờ mẹ, vừa thắp nhang vừa tỏ ra cương quyết: “Ba đi tù về, con sẽ đánh ba”… Giờ gặp lại Giang, em còn ngờ nghệch hơn cả cậu bé lên chín tuổi ngày xưa. Khi không kiểm soát được bản thân, Giang đập phá, quát mắng lung tung. Dì của Giang khóc: “Tôi cũng đưa cháu đi bệnh viện, nhưng bác sĩ nói phải điều trị lâu ngày mới khỏi, vì không có điều kiện, tôi đành để Giang như vậy”.

Câu chuyện đau lòng nói trên khiến chúng tôi nhớ đến vụ ngộ sát ở xã An Phú, huyện Củ Chi năm 2007. Cũng hơn 10 năm dìm nhau trong bạo hành gia đình, đêm 27/8/2007, đôi vợ chồng bán thịt heo ở ấp An Bình đã mang dao ra dọa nhau, nào ngờ người vợ lao ngay vào mũi dao của chồng, chết trước mặt ba đứa con thơ. Bà Lê Thị Huệ - Chủ tịch Hội LHPN xã An Phú, huyện Củ Chi nói: “Sau khi mẹ mất, các cháu bị ly tán, đứa ở với nội, đứa về bên ngoại. Cha bỏ đi lấy vợ khác, chẳng quan tâm gì đến con”. Trong ba đứa bé thơ dại ngày ấy, Quang - cậu con trai lớn đã lập gia đình, nhưng không một ngày yên ấm. Không hiểu có phải vì ám ảnh bạo lực, bị ức chế vì luôn bị cha mắng chửi, đe dọa mà giờ Quang lại là người gây bạo lực với gia đình nhỏ của mình. Mới đây, cô vợ của Quang sợ hãi, bế con trốn khỏi An Phú…”.

Còn Hoài, sau phiên xét xử ông ngoại mình đã không dám tới trường vì sợ bạn bè trêu ghẹo, lối xóm chỉ trỏ. Thơ và em gái sau khi chứng kiến cha giết mẹ cũng hoảng loạn, bỏ học suốt một thời gian dài.

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng: “Khi bị (buộc hoặc ngẫu nhiên) phải làm nhân chứng cho hành vi tội ác của người thân, đồng nghĩa với việc một đứa trẻ bị bạo hành”.

Nhan chung tre tho: Noi am anh khon cung!

Bị chồng và gia đình chồng đánh đập, bỏ đói, quá bức bách, chị Nguyễn Thị Khanh (SN 1981 - Đồng Nai) phải điều trị tâm thần tại BV Nguyễn Tri Phương. Bé Kiều Thu, con gái chị Khanh chứng kiến cảnh bạo hành cũng có chứng rối loạn sợ hãi (ảnh chụp tháng 10/2012)

CẦN NHỮNG BIỆN PHÁP BẢO VỆ

Luật sư Lê Quang Y (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) khẳng định: “Theo luật, những đứa trẻ dưới 16 tuổi không được đến dự những phiên tòa giết người, hiếp dâm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với thực tế khi trẻ là bị hại, là nhân chứng (theo khoản 4, điều 55, Bộ luật Tố tụng hình sự). Cho nên nhiều đơn vị khi xét xử muốn được “đầu xuôi, đuôi lọt” đã bỏ qua quy định”.

Theo LS Y, trong trường hợp của bé Hoài, lẽ ra TAND tỉnh Bình Dương không cần phải đưa em ra làm nhân chứng ngay phiên xét xử lưu động, bởi toàn bộ lời khai của Hoài chắc chắn phải có trong hồ sơ, nó đủ giá trị pháp lý khi lời khai đó được thực hiện trước người giám hộ hợp pháp của em. Việc đưa Hoài hay những nhân chứng trẻ thơ ra trước tòa để buộc các em lặp lại những điều đã khai, đã nói trước cơ quan điều tra là việc làm không cần thiết, thậm chí vi phạm luật.

Tuy nhiên, lại có khi không phải do tòa mà chính nhiều bậc cha mẹ, ông bà đã đưa con, cháu của mình theo trong những phiên tòa. Ngày 26/9/2013, vợ chồng ông Nguyễn Thành Tâm đã đưa cháu nội là Nguyễn Hoàng Thiên Bảo, sinh năm 2009 từ Bình Dương ra tận TAND huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận để làm chứng tại tòa dù tòa không yêu cầu.

Bảo là người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ngày 27 Tết 2013 khiến cha mẹ cháu chết tại chỗ, còn cháu bị cưa cụt một chân. Ngay tại tòa, Bảo khóc thét khi biết cha mẹ mình đã qua đời (trước đó ông bà nội giấu Bảo, nói rằng “cha mẹ cháu đi làm ăn xa”). Ông Tâm đau xót kể: “Lẽ ra chúng tôi không cần mang cháu ra làm nhân chứng, nhưng vợ tôi lại muốn cho tên tài xế nhìn lại cháu Bảo để biết anh ta đã gây nên thảm họa thế nào nên cuối cùng đã dắt cháu theo. Suốt tuần sau đó, chúng tôi phải tìm mọi cách để xoa dịu, giúp Bảo ổn định tinh thần…”.

Luật sư Nguyễn Thị Duyên - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng cần phân công điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên. Cơ quan tiến hành tố tụng cần dựa trên độ tuổi, tâm lý, sức khỏe, mức độ phát triển của các em và yêu cầu điều tra để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần phải lấy lời khai. Khi lấy lời khai, người tiến hành tố tụng phải có thái độ nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của các em, cần làm cho các em giảm bớt cảm giác căng thẳng, sợ hãi.

Trong quá trình tham gia tố tụng, nếu xảy ra việc các em bị tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng, người giám hộ của các em có thể kiện ra tòa án yêu cầu được bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ theo điều 619 Bộ luật Dân sự”.

Nhưng dõi theo biết bao phiên tòa, đôi khi vì người lớn cứ chăm chăm đến sự thắng-thua, được-mất khác mà quên những mất mát, đau khổ mà đứa trẻ-nhân chứng ấy phải hứng chịu!

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn lưu ý: với trường hợp trẻ em phải làm nhân chứng cho những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, ngoài việc đảm bảo trẻ luôn có người giám hộ bên cạnh phải có cả chuyên gia tâm lý để lập tức an ủi tinh thần cho trẻ. Hiện nay luật chưa quy định điều này, vì vậy mỗi người thân của trẻ phải lưu ý đến trẻ sau mỗi lần bị “phỏng vấn”, nếu thấy những biểu hiện như lầm lì, ít nói, thiếu hoạt bát, sợ hãi, tránh tiếp xúc… cần lập tức đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý, thậm chí là bác sĩ tâm thần.

 NGHI ANH

(*) Các nạn nhân trong bài đã được thay đổi tên.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI