Việc ê-kíp nhóm Locoboiz quay MV tại một lớp học ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam rồi đốt sách của học sinh và những phát ngôn của họ sau đó khiến cộng đồng phẫn nộ về văn hóa ứng xử của một bộ phận người trẻ lẫn những người mang danh làm nghệ thuật.
Những người có mặt trong MV đều còn trẻ, tự xưng là những rapper. Do buổi quay MV là ngày nghỉ, nên sau đó, học sinh của lớp học nói trên mới phát hiện lớp học của mình bừa bộn và bị mất rất nhiều tập sách, chuyên đề quan trọng, mà không hiểu lý do. Chỉ đến khi MV được phát hành, nhiều người mới ngờ rằng, đồ dùng học tập của mình đã thành tro trong cái thùng sắt cháy phừng phừng trong MV ca nhạc.
Trước phản ứng từ các học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam, phía ê-kíp thực hiện MV lại có những phản hồi khá tiêu cực và mâu thuẫn. Một thành viên trong nhóm rapper đã lên mạng nói lời xin lỗi. Nhưng lời xin lỗi ấy lại bị xem là đầy khiêu khích và bỡn cợt trước sự giận dữ của các học sinh. Anh này gọi hành động đốt sách cũng như “đốt vàng mã” và bao biện rằng “chỉ muốn giúp các bạn (các học sinh - PV) giảm bớt áp lực học tập” (?!).
|
Nhiều học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng sách vở của mình đã bị đốt trong thùng, như đạo cụ cho MV |
Phản hồi lại nhận xét có phần hơi gay gắt - “nghệ sĩ mà nhân cách xập xệ”, rapper sinh năm 1999 đáp trả: “Nhân cách xập xệ không sao hết, bọn tao vẫn ngầu” và giơ ngón tay thối cùng lời chửi tục tĩu bằng tiếng Anh. Sau đó, anh chàng còn tự hào khoe khoang về “thành tích” đốt sách khi còn đi học, “trấn an” các bạn trẻ rằng, “hồi cấp III, mình cũng hay đem sách vở đi hóa vàng nên chill (bình tĩnh) đi các bạn”. Một thành viên khác thuộc nhóm rapper nói trên còn đăng status khiêu khích cả những ai bức xúc về sự việc.
Chưa xét chuyện liệu ê-kíp này có thực sự đã đốt sách của học sinh để phục vụ cho mục đích quay MV hay không, chỉ riêng cách họ phản ứng với những bình luận của cộng đồng đã hết sức phản cảm. Sau khi nhận quá nhiều chỉ trích, ngày 10/3, nhóm rapper trên đã phải lên tiếng xin lỗi, qua kênh YouTube, nhưng vẫn bằng thái độ thiếu chân thành. Dù anh có bao biện rằng, do nóng nảy nên mới có những dòng trạng thái thiếu suy nghĩ trên, nhưng cách một “nghệ sĩ” trẻ ứng xử với lỗi sai của mình đã phản ánh tầm vóc tư duy cũng như nền tảng văn hóa trong anh.
Đây không phải lần đầu những hiện tượng như trên diễn ra, cả ở những người nổi tiếng lẫn người bình thường quanh ta. Ngày qua ngày, nhiều người vẫn lên mạng xã hội thể hiện cái tôi cá nhân, không bao giờ chịu nhận sai, thậm chí còn cho rằng, những cái sai của mình rất hay ho, rất ngầu (?!). Có lẽ, họ cần định nghĩa lại khái niệm “ngầu” - đó là sự thể hiện cá tính, thông qua những nỗ lực khẳng định khả năng của bản thân, đạt thành tựu, hay chỉ là dùng những câu chuyện thị phi để “lấy le”.
Bằng cách khoác lên mình cái mã bắt mắt, đắt tiền, mang những cái danh thật kêu là có thể cho phép mình đi ngược lại các tiêu chuẩn cơ bản mà mỗi con người văn minh cần phải có? Họ xem người khác luôn dưới “đẳng cấp” của mình, xem mình như trung tâm vũ trụ và cho mình quyền tự do chửi mắng hay nói chuyện một cách bất cần, không quan tâm đến người khác, bất chấp các chuẩn mực xã hội.
|
|
Rõ ràng, với một bộ phận giới trẻ hiện nay, quan niệm về cái “ngầu”, cái “chất”, cái “đỉnh” đang dần bị bóp méo để tự khen những hành vi của bản thân, xem đó là “thời thượng”. Giới trẻ vẫn thường được khuyên hãy nuôi dưỡng đam mê, trui rèn ý chí và đừng để bị người khác lung lạc, đừng để ý quá nhiều đến những điều người khác nói, mà hãy sống thật đúng con người của bản thân. Thế nhưng, không thể diễn giải câu nói mang tính động viên những người trẻ thực sự nỗ lực vì đam mê thành thái độ sẵn sàng đạp lên dư luận, sẵn sàng làm mọi chuyện ngông cuồng, để chứng tỏ cái tôi mà lắm lúc chỉ là một chiếc vỏ rỗng tuếch.
Gần đây, cùng với sự phát triển của mạng và các kênh truyền thông phi chính thống, dòng nhạc underground đang ngày càng thịnh hành trong giới trẻ. Tính phóng khoáng, tự do trong âm nhạc, ngôn từ; đam mê được đi thật xa, thể hiện mình trong âm nhạc lẫn cuộc đời của rất nhiều nghệ sĩ đã được nhìn thấy, sau thời gian dài bị xem nhẹ và đã nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người. Thế nhưng, những tai tiếng về giới underground buộc công chúng phải nghĩ lại, đôi lúc nghĩ oan về những nghệ sĩ chân chính và dòng âm nhạc này.
Underground, vì tính chất đặc trưng của nó, thường khá thoải mái và dễ được xuê xoa cho qua, trong những sự việc nho nhỏ. Tính cách của các nghệ sĩ theo dòng nhạc này cũng có những chất riêng. Nhưng bất kể nói thế nào, dù ẩn mình trong bóng tối underground hay chuẩn bị cho tương lai bước ra ánh sáng, dù chỉ làm MV chơi cho vui hay để kinh doanh thì trên tất cả, các nghệ sĩ phải đối mặt với mình để ý thức rõ mình đang làm nghệ thuật và cần giữ cho nghệ thuật sự tôn nghiêm nhất định. Đó cũng chính là cách để tự tôn, để được người khác tôn trọng chứ không phải chửi nhau và tự tuyên bố mình “ngầu”.
Khánh Vân