*Nực cười ngân hàng điểm
Trường trung học Số 1 tại TP Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô - Trung Quốc là trường đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng việc cho vay điểm, trả lãi điểm số. Học sinh Trung Quốc muôn vàn khổ sở, giờ lại tiếp tục gánh thêm áp lực mới, đó là áp lực nợ điểm.
Theo quy định từ ngân hàng điểm, học sinh có quyền vay điểm các môn ngữ văn, sinh học, hóa học, lịch sử. Đây là những môn bị cho là môn phụ vì cách giáo dục lệch lạc, không cho học sinh điều kiện đào sâu tìm hiểu đa dạng các môn học.
|
Học sinh Trung Quốc vùi đầu trong sách vở vì chạy đua con điểm - Ảnh: Guardian |
Các em bị dồn ép quá sức vào những môn chính, không còn thời gian đầu tư cho môn phụ nên phải “bơi”, dẫn đến tình trang học đối phó, điểm rất thấp. Hiện có 13 học sinh đăng ký tham gia chương trình này. Đã vay nợ thì phải trả. Nợ điểm trả bằng điểm.
Các em khi bị ghi nợ sẽ phải nỗ lực thể hiện trên lớp rất nhiều thông qua phát biểu, thực hành hoặc tỏ thái độ chuyên cần, năng nổ tham gia… vệ sinh lớp nhằm lấy những điểm cộng được ví như “lãi suất”.
Nếu không trả nợ đúng hạn, các em sẽ có tên trong “danh sách đen”, tiếp tục rơi vào một bờ vực mới của áp lực điểm số và gánh nặng nợ nần.
Ngân hàng điểm số còn lưu ý rằng nếu giáo viên đồng ý, một học sinh có thể gánh nợ cho bạn của mình nếu bạn không có khả năng “chi trả”. Điều này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần nỗ lực của mỗi bản thân vì đã đặt điểm số ở vị trí quá cao.
Mục đích của nhà trường nhằm tạo cơ hội thứ hai cho học sinh có điểm số thấp thay đổi tình trạng, muốn giảm tải căng thẳng học tập nhưng kế hoạch trên đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Bà Huang Kan, Giám đốc trường trung học Số 1 tại TP Nam Kinh cho biết, chương trình vay điểm sẽ tạo động lực, khuyến khích học sinh có thái độ trách nhiệm hơn với bản thân.
Tuy nhiên, một người dùng trên Weibo chia sẻ: “Ngân hàng điểm số như con dao hai lưỡi. Bạn nghĩ nó giải quyết áp lực về điểm số nhưng nó khiến bạn càng bị trói buộc hơn vào những còn điểm một khi bạn lỡ mắc nợ”.
Một số ý kiến khác cho rằng dù ý nghĩa ban đầu của ngân hàng điểm số hay như thế nào thì nó cũng không giúp giải quyết vấn đề từ gốc rễ, bởi thực tế xã hội quá coi trọng điểm số và thành tích.
|
Phụ huynh sốt ruột chờ con trong kỳ thi Gaokao - Ảnh: Guardian |
Học sinh từ bậc tiểu học đã bị nhồi sọ khái niệm về kỳ thi đại học. Các em bắt đầu làm quen với áp lực điểm số và tin rằng điểm số nói lên tất cả về mình.
Áp lực điểm số khủng khiếp đến mức 97/100 điểm vẫn có thể bị lọt khỏi một kỳ thi đầu vào ở một số trường như bài báo mà Straits Times vừa công bố. Nhiều người bình luận rằng điểm số ở Trung Quốc ngày càng lạm phát.
*Tự tử vì áp lực điểm số
Điểm cao không còn là hiện tượng đặc biệt mà điểm cao nhất mới có hi vọng chắc chắn đậu. Một khảo sát ở Trung Quốc chỉ ra, 93% số vụ học sinh tự tử là vì không chịu nổi áp lực thi cử.
Năm ngoái, một trường trung học ở Hà Bắc phải xây toàn bộ rào chắn ở các khu hành lang sau khi có hai học sinh nhảy lầu tự tử trước kỳ thi đại học (gaokao).
Ở Trung Quốc cách đây không lâu từng có trường hợp học sinh Xiaohuan (10 tuổi) treo cổ chết tức tưởi sau khi bị cô giáo phạt đứng giữa lớp vì em bị điểm kém. Nếu không vì nỗi ám ảnh những con điểm, Xiaohuan đã không hoang mang đến mức tự kết liễu mạng sống.
Hay một trường hợp đau lòng khác cũng xảy ra với bé trai 10 tuổi. Em tự lao mình ra giữa dòng xe đông đúc và bị tông chết ngay tức khắc, sau khi nhận lấy trận la mắng của mẹ vì chuyện điểm số.
Rất nhiều lời kêu gọi từ các nhà chuyên môn giáo dục lẫn dư luận về việc xã hội và bản thân phụ huynh, học sinh hãy nới lỏng quan điểm về con điểm, hãy ngừng trao cho nó vị trí quá quan trọng.
Trong kỳ thi Gaokao ở Trung Quốc năm ngoái, hình ảnh được lan truyền trên mạng nhiều nhất chụp một người đàn ông lái xe hơi đắt tiền đến đậu ngày trước cổng trường đại học Peking.
Người này cùng các nhân viên của mình giương cao những tấm biển ráp lại thành dòng chữ: “Học để vào đại học không đồng nghĩa với việc học kỹ năng sống. Con trai tôi là tiến sĩ trường đời”.
Hình ảnh thoạt đầu gây tiếng cười nhưng với nhiều người, đó là bài thuốc đắng. Áp lực điểm số đã biến chuyện học hành cuối cùng thành trò cười, thành nỗi ám ảnh mà bất cứ ai cũng có thể bóp méo.
|
Chiếc xe đậu trước trường đại học Peking đã gây nên hiện tượng trong kỳ thi Gaokao năm 2016 - Ảnh: weibo |
*Nhân cách công dân cũng quy ra... điểm
Tất cả quy về điểm số, kể cả nhân cách một con người. Điểm số không còn gói gọn trong thành tích học tập, bởi Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện thí điểm một kế hoạch đầy tham vọng, chưa từng có trên thế giới. Đó là áp vào mỗi công dân một điểm số, tạm gọi là điểm tín nhiệm dựa trên các hành vi của họ. Từ đó khích lệ hay trừng phạt họ một công dân.
Trung Quốc có vài chục địa phương đang thực hiện thí điểm hệ thống “tín nhiệm xã hội” (social credit). Những nơi này đang bắt đầu lập hồ sơ số hóa (digital records) về hành vi của công dân, từ đó áp cho họ một điểm số nhất định.
Chính phủ Trung Quốc dự kiến triển khai hệ thống này trên khắp cả nước vào năm 2020. Hệ thống này tập trung vào độ tín nhiệm trong bốn lĩnh vực: hoạt động hành chính, hoạt động thương mại, hành vi xã hội và hệ thống tư pháp.
Điểm tín nhiệm của một người ở mức thấp sẽ khiến người đó bị cản trở trong việc tiếp cận các dịch vụ hàng ngày, thậm chí ảnh hưởng đến quá trình làm việc.
Nhiều ý kiến cho rằng đặt ra điểm số thì sẽ có gian lận và nhiễu nhương điểm số và hình thức này đang đẩy người dân đối mặt với cuộc đua điểm số. Như thế, cuộc đời của người dân Trung Quốc sẽ mãi quay cuồng trong vòng đua con điểm và xem đấy mới là thước đo giá trị của bản thân.
Trong khi đó, chuyên gia công ty an ninh mạng FireEye ông William Glass cho biết, rồi sẽ có thêm cuộc đua chạy điểm số cá nhân vì ông cho rằng, bất cứ thứ gì cũng có thể bị làm giả ở Trung Quốc nếu chỉ lao vào “cân đo đong đếm” mọi giá trị.
Thiên Như (Theo Guardian, Telegraph, Straits Times, NPR)