Đang nghiêm túc tính chuyện hôn nhân nên lướt ngang nhà “phây” của một cô bạn, tôi dừng lại ngay, xem cô kể chuyện nước Mỹ: tháng 3/2019, cộng đồng mạng bất bình với một cô gái, về chuyện cô từ chối chiếc nhẫn đính hôn second-hand.
Thái độ của cô khiến người bạn trai phải cân nhắc chuyện chia tay, vì chiếc nhẫn cũ mà anh dùng để cầu hôn cô chính là chiếc nhẫn gia bảo - chuyền tay từ bao đời dâu trong gia đình anh. Anh nghĩ cô sẽ vinh dự khi đeo nó trên tay, nào ngờ... Khi biết chuyện, cô gái bối rối, cầu cứu mọi người giúp hàn gắn, nhưng xem ra hy vọng tái hợp không nhiều.
|
Ảnh minh họa |
Trước đó, cư dân mạng một phen dậy sóng vì status của một phụ nữ giấu tên, nội dung sỉ nhục vị hôn phu “keo kiệt” - cầu hôn cô với chiếc nhẫn gắn viên kim cương “bé như hột é”. Theo lời cô, bạn trai cô có thu nhập rất cao, nhưng lại chọn chiếc nhẫn quá rẻ, cô không hài lòng chút nào và lẽ ra, họ nên cùng nhau đi mua nhẫn, để cô có thể chọn chiếc nhẫn ưng ý. Trái với mong muốn được thông cảm của cô gái, khoảng 75% bạn đọc phản đối, bảo cô quá thực dụng; 15% không ý kiến, chỉ đọc cho vui và 10% đồng tình với cô.
Câu chuyện ở Mỹ lại khá lôi cuốn các bà, các cô người Việt. Tôi cũng đang chuẩn bị mua nhẫn đính hôn, nên ráng đọc hết từng cái “còm” dưới câu chuyện chiếc nhẫn. Thật là mát dạ khi có ý kiến: “Đàn ông thu nhập cao mà lại mua nhẫn đính hôn rẻ tiền. Có thể anh ta đang thử bạn đó. Nếu đúng là phép thử thì bạn không qua ải rồi”. Comment (bình luận) này nhận được hơn 30 likes, chứng tỏ trong mắt người đời, đàn ông luôn phóng khoáng.
“Không có nhẫn đính hôn gắn kim cương, tôi và chồng vẫn sống với nhau 48 năm. Có vẻ các cô gái sợ bạn bè chê cười và xem hôn nhân như cái gì đó để khoe mẽ hơn là sự kết nối yêu thương - cam kết đồng cam cộng khổ giữa hai người”. Nhiều trái tim thả vào cái "còm" dễ thương này.
Một bà mẹ chồng phát biểu: “Khi cưới dâu, tôi nói với hai đứa con: nhẫn hay tờ hôn thú để hợp pháp mối quan hệ của các con. Nhẫn có thể tháo ra khi các con mập lên. Tình yêu của các con không thể chứng minh hay thể hiện qua cặp nhẫn, các con nhé”. Mẹ tôi không nói dài như thế, bà chỉ bảo: “Đeo nhẫn để người khác biết bây đã lập gia đình, không có ý dòm ngó”.
|
Ảnh minh họa |
Đọc tiếp 20 cái "còm" nữa, lòng càng nhẹ nhõm. Phần lớn các cô gái chưa chồng cho rằng, tình yêu mới đáng kể, nhẫn cỏ cũng có giá. Không nên cố, cứ theo khả năng, khi nào giàu, anh ấy mua nhẫn xịn tặng vợ cũng được. Các cô ra sức chứng minh cái nhẫn không tạo nên hạnh phúc, có cô còn dẫn nhân vật nổi tiếng “như bà Melinda Gates, vợ tỷ phú Bill Gates, có bao giờ đòi chồng tặng nhẫn kim cương cả triệu đô la đâu, dù Bill dư sức tặng vợ. Họ chỉ vui vẻ cùng nhau làm từ thiện, cả mấy chục tỷ đô la”.
Có cô còn chứng kiến nhiều bà vợ “nước mắt lã chã trên nhẫn hột vịt, còn mấy bà vợ đeo nhẫn hột é thì hay cười tít mắt”. Có 5 cô khẳng định: mua nhẫn kim cương hột to, mắc công giữ; đeo trên tay chẳng khác gì chọc bọn cướp để ý, rước họa vào thân.
Tuy nhiên, thứ khiến tôi chú ý đặc biệt là tâm sự: “Nhẫn bé như hột é hay to như hột vịt không quan trọng, quan trọng là sống với nhau có vui không. Ngay cả khi anh ấy không mua nhẫn, em cũng không phiền. Em chỉ thích đi cùng anh ấy trong những chuyến du lịch khắp thế giới và làm công tác xã hội nữa”. Dưới cái "còm" này là hàng loạt thể hiện đồng ý. Đây mới thật sự thách thức khả năng làm chồng của đàn ông, khó hơn gấp ngàn lần mua cái nhẫn xịn. Làm cho một phụ nữ, vui vẻ, hạnh phúc suốt đời ư? Có anh chồng nào dám mạnh miệng đảm bảo không? Toát mồ hôi!
Nhưng đọc đến đây thì tôi lại hoang mang cho mình. Nên mua nhẫn cỡ nào đây? Có cần phải dồn tiền mua cho vợ sắp cưới chiếc nhẫn đắt tiền, để nàng phải xuýt xoa, hãnh diện khoe với bạn bè, hay dành tiền đưa nàng đi du lịch, mua sắm, làm từ thiện…?
Rồi, một câu chuyện khác, cũng ở nước Mỹ, khiến tôi nhận ra “nhẫn to, rắc rối to”. Những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ kiện tụng quanh chiếc nhẫn đính hôn có trị giá lớn, từ 19.000 - 250.000 USD. Một số bang của Mỹ quy định, nhẫn cưới là quà tặng có điều kiện, phụ nữ phải trả nếu hủy hôn. Còn bạn trai hủy hôn thì ấm ức, tiếc của. Ở xứ ta, luật không quy định phải trả nhẫn khi từ hôn, hủy hôn, ly hôn mà để hai bên tự thỏa thuận. Chẳng biết có cô nào nhận nhẫn đắt tiền rồi trả lại khi chia tay?
Theo các chuyên viên tâm lý, thay vì mua nhẫn đính hôn đắt tiền, hãy tính toán hợp lý thu chi trong tiệc cưới, rồi dành dụm cho cuộc sống sau này. Không ai dám chắc kích cỡ và giá tiền nhẫn đính hôn sẽ bảo đảm cho hạnh phúc, nên đừng bận tâm quá về nó. Hãy để tình yêu quyết định hôn nhân của bạn. Còn tôi, tôi quyết định hỏi ý cô bạn sẽ chung nhà với mình, cho chắc ăn, xem nàng muốn thế nào, rồi tính tiếp, vì tôi vẫn hoang mang.