Nhân bản vô tính động vật có nguy cơ tuyệt chủng từ tế bào đông lạnh cách đây 30 năm

22/02/2021 - 09:06

PNO - Chồn chân đen, một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, đã được nhân bản thành công từ tế bào bảo quản đông lạnh của cá thể chồn đã chết cách đây 3 thập niên.

Các nhà khoa học Mỹ đã thành công trong việc nhân bản vô tính một loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đó là con chồn hương chân đen được nhân bản từ gen của một cá thể chồn đã chết cách đây hơn 30 năm.

Elizabeth Ann, con chồn cái chân đen được nhân bản vô tính lúc tròn 48 ngày tuổi - Ảnh:
Elizabeth Ann, con chồn cái chân đen được nhân bản vô tính lúc tròn 48 ngày tuổi - Ảnh: NYT

Cá thể chồn cái đặc biệt này có tên là Elizabeth Ann, “tái sinh” vào ngày 10/12/2020 và chính thức được các nhà khoa học công bố ra thế giới vào hôm 18/2. 

“Cô bé” chồn Elizabeth Ann trông thật dễ thương như một cuộn len mềm mại và hoàn toàn hoang dã như tổ tiên của nó, khác hẳn với người mẹ nuôi mang thai mình từ phôi nhân bản là một con chồn hương cái được nuôi nhốt tại Công ty di truyền vật nuôi ViaGen Pets & Equine.

Chồn mẹ cùng những con chồn con mới sinh, trong đó có con chồn nhân bản vô tính Elizabeth Ann - Ảnh: USFWS National Black-footed Ferret Conservation Center
Chồn mẹ cùng những con chồn con mới sinh, trong đó có con chồn nhân bản vô tính Elizabeth Ann - Ảnh: USFWS 

Hiện Elizabeth Ann đang được chăm sóc tại Trung tâm chăm sóc chồn hương chân đen có trụ sở ở Fort Collins, Colorado. Nó là bản sao di truyền của một con chồn hương tên là Willa đã chết từ năm 1988 và được giữ trong môi trường lạnh của tủ đông từ những ngày đầu khi công nghệ DNA chỉ vừa mới được phát triển.

Cô bé Elizabeth Ann được tái sinh từ gen của một con chồn cái đã chết cách đây hơn 30 năm - Ảnh: NYT
"Cô bé" Elizabeth Ann được tái sinh từ gen của một con chồn cái đã chết cách đây hơn 30 năm - Ảnh: NYT

Chồn hương chân đen có thể dễ nhận biết bởi phần quanh mắt của chúng có màu đen sẫm trông giống như mặt nạ của những kẻ cướp. Loài chồn này chuyên sống về đêm và săn đuổi những con sóc chó để làm thức ăn. Chúng dần bị tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên từ năm 1987 do mất môi trường sống và bị con người xua đuổi, đầu độc.

Những con chồn chân đen trong tự nhiên - Ảnh: Kimberly Fraser/USFWS
Những con chồn chân đen trong tự nhiên - Ảnh: Kimberly Fraser/USFWS

Thành công trong việc nhân bản con chồn cái Elizabeth Ann lần này là kết quả của một quá trình nghiên cứu kéo dài 7 năm, nhiều lúc tưởng như “vô vọng”. 

Vì vậy, các nhà khoa học xem đây là bước tiến quan trọng trong việc nhân bản gen giúp giải quyết các rào cản di truyền ở một số sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Clip: USFWS

 Nguyễn Thuận (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI