Nhân bản nhưng… buồn

21/12/2013 - 18:49

PNO - PN - Lâu nay, những người cả nghĩ, đặc biệt là khách nước ngoài, se lòng khi nhìn thấy tận mắt những người phụ nữ làm việc nặng. Họ kéo khay cá hơn nửa tạ trong vựa, lái xe tải nặng trong mỏ than, điều khiển máy trộn bê tông...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhan ban nhung… buon

Công việc mưu sinh hàng ngày của một số PN Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) là chẻ đá và vác đá. Ảnh: Nguyễn Thiện (Nguồn: Facebook Thien Nguyen). 

Ở nông thôn, những người mẹ, người chị “ba đảm đang” ngày xưa vẫn tiếp tục “nhiều đảm đang” ngày nay. Vác đất đắp đê, làm thủy lợi, vào rừng lấy củi và tha về trên đôi vai gầy những gánh củi nặng hàng năm sáu chục ký lô... Du khách khen ngợi phụ nữ Việt Nam có đức hy sinh, cần cù chịu khó, dịu dàng rất mực và nhiều nữ tính, nhưng có người rơi nước mắt: “Ít thấy nơi nào mà phụ nữ phải làm công việc nặng nhọc quá mức và không phù hợp với phái yếu như ở đây!”.

Đó là những giọt nước mắt chân thành và lo âu rất thực tế về sức khỏe, tuổi thọ của hơn một nửa dân số, đến an toàn sinh đẻ của phụ nữ và nòi giống người Việt trong tương lai. Người là hoa của đất. Phụ nữ là hoa của người đời. Từ nhiều thế kỷ trước, phụ nữ tuy chưa giành được nữ quyền, bình đẳng trong chính trị, lương bổng, tình dục và hôn nhân v.v... nhưng vẫn được chiều chuộng, nâng niu ở nhiều xã hội phương Tây, phương Đông theo mỹ tục tôn thờ phái đẹp.

67 năm trước, nghị quyết 120 về lao động, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) của LHQ đã cảnh báo và khuyến nghị không để phụ nữ làm việc nặng không thích hợp với giới tính. Năm 1986, nước ta cũng đã từng quy định cấm phụ nữ làm một số nghề độc hại hay quá nặng nhọc. Những ý định tốt đẹp ấy tiếc thay lại chưa được thực thi hiệu quả cho đến hôm nay.

Vấn đề nhức nhối, dở dang ấy đang sống lại, được sự quan tâm của đông đảo người lao động và sử dụng lao động, nhất là giới nữ. Gần ba mươi triệu lao động phụ nữ nước ta đang đối mặt với một văn bản luật có hiệu lực từ ngày 15/12/2013 quy định phụ nữ không được làm 77 công việc nặng. Luật ra không sai, phù hợp với tiến bộ xã hội trong thế giới hòa nhập hiện đại. Nhưng…

Làm sao thực hiện được khi hàng triệu người nông dân rời nông thôn ra thành phố kiếm sống, không học vấn, không nghề nghiệp và họ phải chấp nhận làm bất kỳ việc gì để có thể bám trụ ở thành phố đặng kiếm sống cho bản thân và con cái học hành ở quê? Những việc nhẹ, dễ làm, lương khá không đến phần họ, có thể họ nhận được tình thương nhưng không nhận được bữa cơm hàng ngày.

Làm sao thực hiện được khi có không ít người đàn ông Việt Nam lười nhác, đổ hết việc nặng cho vợ con, hễ có dịp là nhậu nhẹt, ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Ý thức tôn trọng phụ nữ vẫn còn là thứ xa xỉ phẩm với nhiều đàn ông nước ta, kể cả trong giới có học.

Làm sao thực hiện được khi tỷ lệ lao động chân tay còn cao, mặt bằng lương lại quá thấp ở thành thị lẫn nông thôn, đa số đàn ông chủ gia đình nuôi bản thân không xong nói gì vợ con? Người phụ nữ, với bản năng làm mẹ đã phải lao vào làm bất kỳ việc gì có thể làm được, cùng chồng nuôi con cái, không ít trường hợp còn phải nuôi cả ông chồng vô tích sự.

Lại thêm một văn bản pháp luật khó thực thi vì rất dễ tiên đoán nó sẽ vấp phải sự chống đối bằng nhiều cách, mà cách phổ biến nhất ở nước ta là cả chính quyền và người dân đều đành “làm ngơ”, một tiền lệ không hay cho việc xây dựng xã hội pháp trị.

Văn bản, kể cả luật nước dù có thiện ý, dù đúng đắn đến đâu cũng không thắng nổi cuộc sống xanh như cây đời, không ngăn được người phụ nữ chân yếu tay mềm “lấy hình hài trả nợ áo cơm”. Sửa luật đã thông qua là việc khó, nhưng có cách gì bỏ được chữ “cấm” làm buồn lòng người để thay vào hai từ “khuyến nghị” được không?

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI