Nhầm vảy phấn trắng với bệnh lang ben: lành chữa thành què

17/03/2017 - 16:53

PNO - Tại Phòng khám da của Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhiều phụ huynh tự mua thuốc điều trị cho trẻ vì nhầm vảy phấn trắng với bệnh lang ben.

Tại Phòng khám da của Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhiều phụ huynh tự mua thuốc điều trị cho trẻ vì nhầm vảy phấn trắng với bệnh lang ben. Bản thân bệnh vốn lành tính nhưng do sử dụng thuốc không đúng trong thời gian dài lại gây ra những tác hại khôn lường.

Nham vay phan trang  voi benh lang ben:  lanh chua thanh que
 

Nghe lời hàng xóm

Mỗi ngày, ThS-BS Nguyễn Đình Huấn - chuyên khoa Da liễu nhi, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM gặp trên 20 ca bị vảy phấn trắng. Do có triệu chứng là những dát giảm sắc tố trên da nên đa số phụ huynh lầm tưởng là bệnh lang ben, tự ý điều trị cho con trong thời gian dài, mãi tới khi bệnh không thuyên giảm mà vùng da có dấu hiệu bất thường mới đưa con đi khám.

Một trong những trường hợp người nhà nhầm lẫn, tự điều trị dẫn tới ảnh hưởng nặng nề là bé gái T.P.T., ba tuổi, ngụ tại Q.8, TP.HCM. Khoảng ba tháng nay, thấy mặt con xuất hiện những đốm trắng, mẹ bé nghĩ con gái bị lang ben. Nghe lời hàng xóm chỉ dẫn, bà tự ra tiệm thuốc tây hỏi mua tuýp thuốc bảy màu (tên gọi theo lối dân gian của loại thuốc bôi da dạng kem, phối hợp kháng viêm, kháng sinh và kháng nấm).

Cứ thế, mỗi ngày mẹ đều đặn bôi thuốc cho bé hai lần, liên tục trong ba tháng. Tuy nhiên, các đốm trắng trên mặt bé T. chẳng những không giảm mà da bé mỏng đi, thấy rõ cả những mạch máu. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán đây không phải lang ben mà là vảy phấn trắng, lúc này gia đình mới vỡ lẽ.

“Nhẽ ra bệnh không nghiêm trọng, nhưng chính hành động tự ý bôi thuốc của người nhà đã làm da bé bị ảnh hưởng. Sử dụng thuốc có chất kháng viêm trong thời gian dài gây biến chứng teo mỏng da. Từ giờ trở đi da bệnh nhi sẽ rất yếu, dễ bị viêm nhiễm trước những tác động từ môi trường bên ngoài”, BS Huấn nói.

Ngoài trường hợp của bé T., một bệnh nhi khác tên là N.H.N., hai tuổi, ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM cũng là nạn nhân của việc điều trị vảy phấn trắng không đúng cách. Mẹ bé N. kể, đầu tiên bé chỉ bị vài đốm rải rác trên mặt, càng về sau những đốm này lan rộng ra lưng. Thay vì đưa con đi khám, bà mẹ lại ra tiệm thuốc tây xin… tư vấn.

“Mấy cô bán thuốc nghe miêu tả, bảo con em bị lang ben. Sau đó họ đưa em thuốc kháng nấm về bôi cho bé”, mẹ bệnh nhi N. chia sẻ. Kết quả, sau khi bôi thuốc kháng nấm miệt mài hai tháng, mấy đốm trắng vẫn nguyên trạng. Lúc đem bé tới bệnh viện khám, bác sĩ cho biết vì tự ý bôi thuốc lung tung nên thảm vi khuẩn có lợi trên da của bé N. bị mất cân bằng, da bệnh nhi ngoài vảy phấn trắng còn bị viêm đỏ. 


Tự điều trị làm bệnh phức tạp
Theo BS Huấn, vảy phấn trắng hay gặp nhiều ở trẻ em (trẻ nhũ nhi và nhóm dưới ba tuổi). Triệu chứng của vảy phấn trắng như chính tên gọi, gồm những dát giảm sắc tố kích thước khác nhau, hình tròn, bầu dục, có ít vảy mịn, hay xuất hiện trên mặt, có thể lan rộng ra tay, lưng nên dễ bị lầm là lang ben.

Nguyên nhân gây ra vảy phấn trắng phần nhiều do da bị giảm sắc tố sau viêm. Cũng có khi vảy phấn trắng là một triệu chứng đơn độc, hoặc triệu chứng phụ của bệnh chàm thể tạng (viêm da cơ địa) ở trẻ nhỏ. Vảy phấn trắng gặp nhiều hơn ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức hoặc những người có cơ địa dị ứng.
Bản thân bệnh là lành tính, tuy nhiên, chính sự nhầm lẫn, tự ý điều trị của gia đình bệnh nhi khiến tình trạng thêm phức tạp.

Da trẻ nhỏ rất mong manh, bôi thuốc kháng viêm chứa corticoid trong thời gian dài sẽ gây các biến chứng như kích ứng, làm da teo mỏng, rạn nứt. Từ đó trẻ dễ bị viêm da tiếp xúc và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Đối với bệnh lý này, để yên vẫn có thể tự khỏi. Để phân biệt bệnh vảy phấn trắng với các bệnh lý về da khác, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa nhi da liễu. Nếu đúng là vảy phấn trắng, thông thường có thể bác sĩ sẽ cho bôi kem dưỡng ẩm chuyên biệt, sau một thời gian bệnh sẽ tự hồi phục.

Còn nếu vảy phấn trắng trên da bé được phát hiện là một trong những dấu hiệu phụ của bệnh chàm thể tạng (viêm da cơ địa), bệnh nhi sẽ phải điều trị song song cả vảy phấn trắng và bệnh chàm thể tạng. Những trẻ bị vảy phấn trắng nên tránh tiếp xúc với ánh nắng gay gắt để hạn chế da bị kích ứng dưới tác động của ánh nắng mặt trời.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI