Nhạc xưa không cũ

28/04/2013 - 17:56

PNO - PNO - Những bản nhạc xưa, phần lớn trong số đó đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, vẫn cứ tiếp tục vang lên khắp các sân khấu, hàng đêm, như một minh chứng cho những giá trị vững bền.

Nhac xua khong cu
Giọng ca không tuổi Elvis Phương thu hút mọi sự chú ý của khán giả khi thể hiện tác phẩm Chiếc lá cuối cùng

Cơn mưa kéo dài từ chiều đến tối 27/4 dường như không đủ sức xua đi cái nóng của Sài Gòn vào hạ. Cơn mưa ấy cũng không đủ sức ngăn cản bước chân khách mộ điệu tìm đến Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Cung văn hoá Lao Động tham dự các chương trình Tình khúc vượt thời gian, Có những niềm riêng, Những giai điệu khó quên. Các chương trình ấy, show để phục vụ truyền hình, có show thương mại, có show từ thiện gây quỹ giúp công nhân nghèo nhưng đều có một điểm chung: những bản nhạc xưa và lượng khách chật cứng khán phòng.

Nhac xua khong cu

Đã từng có nhiều ý kiến cho rằng đến một lúc nào đó, con người sẽ nghe nhạc theo thói quen, không sẵn sàng tiếp nhận cái mới nên thay vì nghe những sáng tác mới mang hơi thở đương đại thì rất nhiều người lại chọn nghe những khúc nhạc xưa. Quan điểm không phải không có lý, nhưng không hẳn là chân lý bởi những chỉ những gì chất lượng, giá trị mới có thể tồn tại xuyên thời gian và vẫn được người người yêu thích. Hàng chục năm về trước, cũng đã có rất nhiều tác phẩm ra đời và phần lớn trong số đó đã bị thời gian và khán giả đào thải để còn lại đến hôm nay là những tinh hoa được chắt lọc, kiểm chứng.

Sẽ không hề là việc làm khó khăn nếu ai đó muốn nhặt trong kho nhạc xưa - những tác phẩm còn lại đến hôm nay - hơi thở, xúc cảm, văn phong đầy tính thời đại, thậm chí hiện đại hơn cả những sáng tác được xem là mới hiện nay. Bằng cách đó, chúng được lưu giữ và truyền lại qua những con tim yêu nhạc nhiều thế hệ.

Nhac xua khong cu

Tối 27/4, khi những ngón tay của "hoàng tử guitar" Dương Kim Dũng lướt trên dây đàn thể hiện tấu khúc Hoài cảm của Cung Tiến ở Cung văn hoá Lao động thì cũng chính ca khúc ấy đã ngân lên trên môi ca sĩ Hương Giang ở Nhà hát Bến Thành. Một trăm năm sau, có lẽ người ta vẫn sẽ nói "Chờ nhau hoài cố nhân ơi", vẫn sẽ đau đáu "Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa". Năm mươi năm sau, có lẽ người ta vẫn sẽ lắng lòng khi nghe "Dáng xưa nay xa rồi, đường khuya mưa rơi rơi" như đã nghe Kasim Hoàng Vũ hát tối 27/4 hay như khi nghe Mỹ Lệ hát "Một mai khi xa nhau người cho tôi tạ lỗi".

Dòng nhạc ấy không tự khoác lên mình những mỹ từ sang trọng, không đòi phải được ai tôn vinh. Khán giả của nó cũng chẳng cần phải có một sân khấu rực rỡ, hoành tráng mà lắm khi chỉ là một tiếng hát, một cây đàn. Người ta gọi chúng là những tình khúc vượt thời gian. Như thế đã là quá đủ.

Bài, ảnh: PHẠM THÀNH NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI