Đây không phải lần đầu tiên tôi nghe thạc sĩ - bác sĩ Lê Đình Phương, hiện đang công tác tại một bệnh viện tư, nói như vậy về cái nghề đã gắn bó với ông hơn 30 năm.
Hiếm hoi lắm ông mới có buổi chiều thảnh thơi như hôm nay. Chúng tôi ngồi cùng nhau ở một quán tại Q.7, nghe từng làn gió thổi vào từ rạch Đĩa trước mặt. Nhiều người biết đến ông là bác sĩ nghiên cứu và giảng dạy về trầm cảm. Tôi còn biết ông điều trị trầm cảm cho cả bác sĩ.
Quen với những cái chết
“Thử hỏi, có nghề nào mà phải chứng kiến cái chết nhiều như bác sĩ không? Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên những ngày làm việc ở khoa Hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy trong điều kiện trang thiết bị thiếu thốn vào những năm 1990. Những ca trực nặng nề với nhiều bệnh nhân qua đời, đôi khi khiến tôi không kịp bàng hoàng vì hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Hết ca trực, dắt xe ra khỏi bệnh viện mới thấy lòng thảng thốt vì mình còn được sống... Từ xưa đến giờ, ngành y Việt Nam vẫn chưa từng có hệ thống hỗ trợ tâm lý cho những chấn thương tâm lý do nghề nghiệp của nhân viên y tế”.
Tôi thoáng thấy ông nhíu mày. Gió vẫn thổi từng hồi mơn man, mà nét mặt ông vẫn chưa giãn ra. Ông kể: “Có những cái chết mà nhiều năm sau tôi vẫn bị ám ảnh. Một cô gái 20 tuổi xinh xắn, bị sốt cảm cúm thông thường. Việc điều trị quá đơn giản là uống thuốc giảm sốt, giảm đau, thêm một chút vitamin. Vậy mà đến chiều, cô gái ra đi do xuất huyết não. Còn gì khó khăn hơn việc phải cắt máy thở, chấm dứt hồi sức cho cô gái đang xuân thì, tương lai lẽ ra còn rất dài. Đã hơn 20 năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ cái cảm giác bàng hoàng ấy”.
Câu chuyện của ông khiến tôi liên tưởng đến trường hợp bệnh nhân trẻ bị viêm tụy cấp tử vong ở Bệnh viện Chợ Rẫy cuối năm 2018. Người nhà đã có những lời lẽ khá nặng nề với nhóm bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân. “Tôi hiểu cảm giác đau đớn của người nhà trước cái chết của cậu bé mới 19 tuổi. Nhưng tôi cũng tin rằng, các đồng nghiệp của tôi đã rất khẩn trương, trách nhiệm, không bỏ lỡ nỗ lực nào khi cấp cứu ca bệnh này. Sẽ không tòa án y khoa nào có thể buộc tội hay lên án quy trình cấp cứu chuẩn mực và nhanh chóng ấy, nhưng cộng đồng mạng thì không tiếc gạch đá ném vào các bác sĩ...”.
“Nhưng cũng không thể nói là không có nhũng nhiễu bên cạnh tình trạng quá tải bệnh viện. Tôi cũng như mọi người, rất sợ cái dửng dưng của các nhân viên y tế”, tôi nói.
“Hãy thông cảm cho bác sĩ, mỗi ngày phải tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân và thân nhân, đến cơm còn không ăn nổi thì sao có thể mỉm cười. Chúng ta nên hiểu rằng, một nền y khoa nhân bản phải được xây dựng trên nền tảng sự thấu cảm và tôn trọng nhau từ cả hai phía là bệnh nhân và thầy thuốc. Nếu đã có những quy chế “dạy” thầy thuốc phải chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi bệnh nhân, thì cũng nên cần hướng dẫn thái độ ứng xử đúng mực từ phía bệnh nhân, thân nhân. Vì sẽ không bao giờ có một nền y khoa nhân bản nào được hình thành từ thái độ hoài nghi và thù nghịch”.
Ông trải lòng: “Người bạn tôi là giáo sư danh tiếng về thận kể rằng, cô ấy phải phụ trách 25 bệnh nhân. Hai mươi lăm con người đó và ít nhất ngần ấy người nuôi bệnh chỉ có khoảng trống bằng bốn chiếc chiếu để xoay xở, ăn ngủ. Nhưng họ vào bệnh viện trị bệnh, rồi về nhà. Trong khi đó, người thầy thuốc phải trầm luân trong khung cảnh đó ít nhất tám giờ mỗi ngày, trong ít nhất 30 năm làm việc. Thần kinh nào chịu nổi?”.
Báo động hội chứng kiệt sức
Tuổi trẻ của tôi đã trôi qua giữa bốn bức tường gạch men trắng toát của phòng hồi sức. Nơi đó, xanh xao ánh đèn neon. Nơi đó, chỉ có tiếng phì phò của máy thở, tiếng rên rỉ thều thào của bệnh nhân tôi. Nơi đó, cái chết nhiều hơn sự sống. Nơi người ta đã học được một điều từ khi còn rất trẻ: rằng đời người chỉ là một chớp mắt giữa thiên thu!
Thầy thuốc - nghề nhiều áp lực cần sự cảm thông của mọi người
|
|
Nơi chốn hiện tại, chỗ tôi ngồi khám bệnh mỗi ngày, có một khung cửa kính. Qua khung cửa đó, bao nhiêu mây trời đã thoảng lướt qua? Bao mưa rào nắng hạ đã đổ bóng qua khung cửa này, tôi cũng chẳng nhớ. Bao nhiêu mặt người đã bước qua khung cửa phòng tôi, đau đớn, rầu rĩ, kêu than, hoan hỉ, hy vọng, sụp đổ… tôi cũng không đếm được. Chỉ biết đó là cuộc đời đa diện với biết bao buồn vui của con người, đã trôi qua cánh cửa phòng này, theo cách thức mà nghề nghiệp nặng nhọc và kỷ luật đòi hỏi. Như cuộc sống của một thầy thuốc ở mọi thời.
Tôi từng ấn tượng về bác sĩ Lê Đình Phương với những dòng tự sự đầy cảm xúc như thế trong cuốn sách Người bệnh cuối ngày của ông. Lê Đình Phương khá đa tài - một bác sĩ viết văn, chơi piano và nhiếp ảnh. Ông nói, bác sĩ phải có đam mê khác ngoài chiếc áo blouse, nếu không sẽ dễ trầm cảm. Chính những chuyến rong ruổi trên chiếc mô tô phân khối lớn yêu thích, với chiếc máy ảnh Nikon hay âm nhạc chính là những thứ cứu rỗi tâm hồn ông.
Theo ông, y khoa là một trong những nghề có tỷ lệ bị trầm cảm và tự tử cao nhất ở Mỹ. Mỗi năm, nước Mỹ mất gần 400 bác sĩ do tự sát, một con số khủng khiếp. Điều đáng nói, hầu hết bác sĩ này không có biểu hiện bất thường trước khi tìm đến cái chết. Thời gian quyết định tự tử rất nhanh, chỉ từ 3-5 phút. Sau những nghiên cứu về 1.800 trường hợp bác sĩ tự tử, người ta đã có chiến dịch Save our doctor (cứu lấy bác sĩ của chúng ta), tìm nhiều biện pháp giải tỏa stress cho nhân viên y tế, trong đó có biện pháp là hội thú cưng đưa chó con vào chơi với các bác sĩ hằng tuần...
Đã có những báo động về hội chứng kiệt sức (burn-out) trong giới bác sĩ Việt Nam. Có thể thấy, mỗi ca bệnh luôn là thách thức lớn về chuyên môn đối với bác sĩ. Thêm vào đó là tình trạng quá tải bệnh nhân, rất dễ khiến bác sĩ rơi vào trạng thái căng thẳng, kiệt sức.
Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, hội chứng burn-out là tình trạng suy kiệt của cơ thể sau quá trình căng thẳng kéo dài hay còn gọi là stress mạn tính, đến một ngày người bệnh bỗng cảm thấy mình kiệt sức, trống rỗng, không còn cảm hứng với công việc lẫn cuộc sống. Tinh thần xuống dốc không phanh khiến bệnh nhân không muốn ăn uống, vui chơi, mất dần các mối quan hệ xã hội dẫn đến rối loạn toàn bộ hệ thống trong cơ thể như hệ miễn dịch, nội tiết bị suy yếu, kiệt quệ… và nhiều chứng bệnh có cơ hội phát tác, khả năng gây đột tử cao như bệnh tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não…
Tuy nhiên, bác sĩ Lê Đình Phương cho biết, chỉ có 10% người bị burn-out được điều trị tử tế, gần 90% người tự điều trị hoặc sa đà vào các thói quen xấu để tự giải tỏa như: hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy. Bệnh này trong giới bác sĩ lại càng ít được điều trị vì các định kiến xã hội. “Tôi đang nỗ lực để xóa đi định kiến này. Trầm cảm là bệnh và bệnh thì cần được điều trị. Nhân viên y tế càng cần được điều trị sớm vì bác sĩ trầm cảm sẽ làm giảm chất lượng điều trị bệnh nhân, gây tai biến nhiều hơn”.
Ngoài ra, bác sĩ Lê Đình Phương cũng đang xây dựng chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên ngành y ở một số trường đại học. Vì theo ông, sinh viên ngành y chịu nhiều áp lực bài vở. “Kiến thức ngành y thay đổi chóng mặt. Từ thập niên 70, người ta ước tính kiến thức y học sẽ tăng gấp đôi sau 50 năm. Với sự bùng nổ thông tin, thời gian này thu ngắn lại chỉ trong 72 ngày”. Sinh viên y khoa phải dốc toàn tâm lực cho việc học, sáng đi bệnh viện, chiều lên giảng đường, tối lại quay về trực đêm. Vậy mà ra trường, tân khoa bác sĩ thấy ngay rằng, mình chỉ mới đứng trước ngưỡng cửa của y khoa. Bác sĩ trẻ tiếp tục miệt mài trau dồi…
Thế mới biết, y nghiệp là con đường vất vả, đòi hỏi sự bài bản, trau dồi không ngừng. Còn bệnh nhân thay vì đặt niềm tin vào các lang băm hay “bác sĩ” Google thì hãy dành niềm tin yêu và cảm thông đặc biệt đối với những người mặc áo blouse. Bởi khi đã bước vào nghề này, vinh nhục có đủ. Nhưng chính những tình cảm chân thành rất mực của những người bạn - bệnh nhân là điều duy nhất làm cho nghề này bớt nhọc nhằn. Và làm cho y nghiệp trở thành một vinh dự, vượt lên mọi hào quang sáo rỗng...
Xuân Lộc