Thị trường nhạc sôi động, nghi vấn đạo nhái "được mùa"
Làng nhạc Việt đang có những bước chuyển mình khá rõ trong thời gian gần đây. Sau cơn sốt của nhạc thị trường, khán giả đang được tiếp cận nhiều hơn với những cái tôi âm nhạc mang đậm màu sắc cá nhân. Giai điệu, ca từ lẫn cách tư duy của những cây bút trẻ trở nên sôi động, thú vị và đầy màu sắc hơn bao giờ hết. Nhưng niềm vui, sự hân hoan chưa kịp trọn vẹn thì không ít những tác phẩm ấy lại bị tố đạo nhạc, mượn không xin phép với những lời chỉ trích vô cùng nặng nề.
Xuất hiện tại Sing my song tập 3 với ca khúc I’m sorry, Nguyễn Minh Cường tạo ấn tượng với những ca từ nhẹ nhàng, da diết cùng những thanh âm có chiều sâu trong bản phối. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ phát sóng, ca khúc này bị một loạt khán giả tố “đạo” nhạc sáng tác Fool của nhóm Winner.
|
Nguyễn Minh Cường và vợ trên sân khấu Sing my song 2018 |
Trước đó, thí sinh Vũ Bình Minh ở tập 2 cũng bị tố “đạo” nhạc của Tiên Cookie. Trong phần điệp khúc của ca khúc Hạnh phúc của bạn là gì? do Vũ Bình Minh sáng tác có giai điệu hoàn toàn trùng khớp với ca khúc Chiếc bụng đói của Tiên Cookie, từng gây hiệu ứng rất tốt tại Giọng hát Việt nhí 2017.
Thậm chí, ngay phần mở màn của Sing my song 2018, thí sinh Nguyễn Hoàng Ly đã bị khán giả chỉ ra những tương đồng đến khó lý giải trong ca khúc Chưa bao giờ như bây giờ của cô với I love you, I hate you của Gnash, một nhạc phẩm được yêu thích hàng đầu trong năm 2017.
|
Vũ Bình Minh, một thí sinh khác bị nghi "đạo" nhạc tại Sing my song 2018 |
Video clip phần trình bày của Vũ Bình Minh trong chương trình Bài hát hay nhất 2018:
Video clip ca khúc Chiếc bụng đói của Tiên Cookie do bé Thanh Ngân trình bày:
Những sự “trùng hợp” này không gói gọn trong phạm vi Sing my song mà với cả làng nhạc Việt.
Phúc Bồ, một màu sắc âm nhạc khá thú vị của làng nhạc Việt cũng từng dính lùm xùm “đạo” nhạc vào đầu năm nay. Tại chung kết Sao đại chiến 1 vào tối 26/1, tiết mục của Phúc Bồ, Hà Lê bị tố đạo ca khúc Body của Winner.
Sự việc chưa kịp lắng xuống, chỉ 1 tuần sau đó, Phúc Bồ tiếp tục bị chỉ trích khi xào nấu của người thành của ta. Tiết mục Binh đoàn hổ của Phúc Bồ và Hà Lê được cho là sao chép Okey Dokey do bộ đôi Zico - Mino thể hiện trong chương trình rap Show Me The Money mùa 4. Không những phần hoà âm mà ngay cả cách trình diễn cũng bị khán giả la ó khi copy quá trắng trợn. Sự việc này không chỉ đánh động truyền thông trong nước mà ngay cả báo chí Hàn Quốc cũng vào cuộc đưa tin.
|
2 tiết mục liên tiếp của Phúc Bồ, Hà Lê tại Sao đại chiến bị tố "đạo" nhạc |
Cũng cùng khoảng thời gian này, Tronie Ngô (một thành viên tách ra từ 365) cũng vướng ồn ào với câu chuyện tương tự. Ca khúc Anh thích thả thính của Tronie Ngô ngay khi ra mắt đã bị tố “đạo” nhạc từ Love me love me, một ca khúc của nhóm nhạc Hàn Quốc Winner.
Từ trước đó, chuyện những cây bút trẻ bị tố “đạo” nhạc đã trở nên phổ biến trong làng nhạc Việt.
Khi người lớn cô đơn, Xuân swing, 2 sáng tác của Phạm Hồng Phước cũng bị chỉ ra sự tương đồng khó lý giải với Sayonara no natsu - Tạm biệt mùa hè của ca sĩ người Nhật Aoi Teshima, Not fair của ca sĩ người Anh - Lily Allen. Ánh nắng của anh, một bản hit của Đức Phúc, do Khắc Hưng sáng tác cũng bị chỉ ra giống với ca khúc I của nghệ sĩ piano Hàn Quốc Yiruma. Và hàng loạt ca khúc, sản phẩm âm nhạc khác của nghệ sĩ Việt từ Tóc Tiên, Erik, Min… vướng lùm xùm ngay sau khi ra mắt. Thị trường nhạc sôi động thì nghi vấn đạo nhái cũng tỉ lệ thuận theo.
Trước nghi vấn đạo nhạc, Phúc Bồ thừa nhận chịu ảnh hưởng từ nhạc Hàn Quốc vì thời gian qua nghe quá nhiều. Dẫu vậy, anh vẫn khẳng định bài hát đã được triển khai theo cách riêng mà không phải là sản phẩm copy. Phúc Bồ còn cho rằng khán giả đã quá cảm tính khi đánh giá về câu chuyện này. Sơn Tùng cũng từng thừa nhận bản thân chịu ảnh hưởng của K-pop. Min, Erik, Đức Phúc… cũng là những cái tên đi theo xu hướng thường thấy của các nghệ sĩ Hàn, từ phong cách đến âm nhạc.
|
Đức Phúc hát Ánh nắng của anh trong một gameshow |
Người sáng tác bị ảnh hưởng hay khán giả quá cảm tính?
Lý giải về những ồn ào vừa qua, nhạc sĩ Hoài Sa cho rằng khi các bạn trẻ nghe nhạc Âu - Mỹ hay nhạc Hàn, sẽ cảm thấy thích, và ghi nhớ giai điệu đó trong đầu. Quá trình sáng tác, chúng lại bật lên, họ không kiểm tra lại. Việc thiếu kiến thức nền và kinh nghiệm khiến các tác giả trẻ không thoát khỏi được giai điệu gốc để biến chúng thành của riêng, mang dấu ấn cá nhân.
“Những ca khúc bê nguyên xi hoà âm của nước ngoài thì chắc chắn đó là đạo nhạc. Nhưng có những ca khúc chỉ sử dụng chất liệu và có yếu tố làm mới thì đó nên gọi là sự học hỏi”, nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ.
Nền âm nhạc của Việt Nam đã đi sau Âu, Mỹ hay Hàn Quốc rất nhiều nên việc học hỏi tinh hoa từ các thị trường này là hiển nhiên. Nhạc sĩ Dương Cầm nhận định những tác giả trẻ đang gặp một vấn đề, đó là sự vội vã, chạy theo thời cuộc nên gần như âm nhạc bị Tây hoá, Hàn Quốc hoá: “Người sáng tác không còn kiểm soát được bản thân vì những ảnh hưởng từ bên ngoài. Nghe nhạc thì ai cũng nghe nhưng biến tấu ra sao, làm sao cho văn minh là do tự thân mỗi người. Chính vì thế, trong câu chuyện này, đầu tiên đó là trách nhiệm của người sáng tác”.
|
Nhạc sĩ Hoài Sa |
Nhạc sĩ Hoài Sa chỉ ra một khía cạnh khác. Ngày trước, các nhạc sĩ sáng tác chưa có sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ nhiều nên hầu như rất khó để tìm được những ca khúc tương đồng về giai điệu. Hiện tại, các cây bút được hỗ trợ rất nhiều từ phần mềm làm nhạc. Thậm chí, phần beat nhạc được bán và ai cũng có thể mua một cách hợp pháp để hỗ trợ việc sáng tác, nên đôi khi các sáng tác lại có phần tương đồng do mua beat giống nhau.
|
Nhạc sĩ Dương Cầm cho rằng những cây bút trẻ sáng tác nhạc chịu ảnh hưởng nhiều từ K-pop và Âu - Mỹ dẫn đến những sáng tác bị tố đạo nhạc |
Ca khúc Người lạ ơi của Châu Đăng Khoa, Karik có phần nhạc giống với What If (Robin Wesley) và Anh vẫn nhớ (Nah); Người ta và anh của Lê Thiện Hiếu giống với Till the morning comes của nhóm The Marauders… nguyên nhân đều xuất phát từ việc các tác giả của Việt Nam mua beat nhạc có sẵn từ các nhà sản xuất nước ngoài, dựa vào đó để sáng tác. Với trường hợp này, đánh giá các nhạc sĩ trẻ “đạo” nhạc thì hơi vội vàng.
Hiện tại, người trẻ dù có cảm nhận về cuộc sống, thế giới xung quanh nhưng mọi thứ chỉ gói gọn trên mạng xã hội, máy tính, vốn ngôn từ vì thế cũng trở nên hạn chế.
Nhạc sĩ trẻ Khắc Hưng cho rằng sự tương đồng giữa nhạc Việt và những ca khúc Âu - Mỹ hay Hàn Quốc phần lớn là vô tình bởi không ai muốn sản phẩm khi ra đời lại mang mác giống người này, đạo người kia. Việc đưa ra nhận định người viết hay thị trường nhạc Việt chịu sự ảnh hưởng hưởng của Hàn Quốc, Mỹ, Anh để cho ra những sản phẩm na ná, anh không đồng tình.
“Tôi có một niềm tin rằng, khi đã có định hướng làm nghề nghiêm túc, chẳng ai muốn sản phẩm mình ra đời lại bị quy buộc đạo nhái của một ai đó. Có chăng, đó là sự vô tình. Nhưng cũng từ đây, các bạn nên thận trọng hơn”, Hoài Sa nhấn mạnh quan điểm của Khắc Hưng.
|
Người lạ ơi, ca khúc "gây bão" trong làng nhạc Việt thời gian qua cũng dính nghi vấn đạo nhạc. Tuy nhiên, sự hoài nghi này nhanh chóng được xoá bỏ khi tác giả cho biết phần beat nhạc được mua lại. |
Nhưng liệu có sự khắt khe của khán giả Việt khi nhìn đâu cũng thấy người ta hơn mình? Nhạc sĩ Dương Cầm phủ nhận. “Tôi cho rằng khán giả Việt Nam vẫn còn rất dễ tính. Nếu họ nghiêm khắc hơn thì chắc chắn tình trạng nhạc đạo, nhái sẽ trở nên ít đi”, Dương Cầm nói.
Hoài Sa, Dương Khắc Linh cũng cho rằng sau hàng loạt vụ đạo nhạc trắng trợn, khán giả ngày càng khắt khe hơn là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nếu chỉ vì một vài trường hợp đã bị dán mác đồ dỏm mà nghi ngờ cả những trường hợp bán đồ thật thì... hơi oan.
“Bây giờ, người trẻ sáng tác, dù hay đến mức nào vẫn sẽ bị soi mói. Vì thế, phần nào khi chịu áp lực lớn như thế họ ngại sáng tác. Khán giả có quyền lên tiếng nhưng trên tinh thần đóng góp để phát triển thì hay hơn”, Hoài Sa chia sẻ. Sự vội vàng trong đánh giá của khán giả về việc nhạc Việt “đạo”, nhái đôi khi vô tình khiến tâm lý người sáng tác bị tổn thương nặng nề.
Hơn nữa, ngày nay các nghệ sĩ có fan, có người hâm mộ, cũng không thể loại trừ khả năng họ tác động dư luận, làm xấu hình ảnh của nhau, Hoài Sa nhận định.
Theo Dương Khắc Linh, ở nước ngoài, người nhạc sĩ có cơ chế rất hay, được làm như một thói quen. Khi một bài hát mới ra đời, họ sẽ gửi cho nhiều người cùng nghe hoặc cho nhóm hợp tác để thẩm định. Nếu giống với bất kỳ ca khúc nào đã tồn tại, tác giả sẽ tìm cách chỉnh sửa cho hợp lý. Còn người sáng tác trẻ ở thị trường nhạc Việt hiện nay, có thể do áp lực các cuộc thi, trào lưu mà hơi vội vàng, không có động thái này khiến sản phẩm rơi vào vòng vây dư luận, dù có thể họ chỉ vô tình chứ không cố ý.
|
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh |
Âm nhạc là sản phẩm định tính, thuộc về cảm xúc nên rất khó để định đoán. Vì thế, tai người nghe đôi khi không chuẩn xác. Tốt nhất để kết thúc những ồn ào, tranh cãi, cần đến những phân tích chuyên môn, các cơ quan chức năng vào cuộc để đưa ra kết luận cuối cùng. Dẫu vậy, việc làm này chưa thực sự phổ biến ở thị trường nhạc Việt. Thay vào đó, các bên cứ tranh cãi không hồi kết, đến khi sự việc có thời gian đủ dài để lắng xuống.
Thuỵ Khuê