Nhạc Việt bị đạo: Huề cả làng

21/05/2013 - 15:33

PNO - PN - Không phải cho đến khi ca khúc Chỉ có thể là tình yêu và Cơn mưa dĩ vãng nằm trong album phát hành vào năm 2007 của ca sĩ Mỹ Tâm được phát hiện là bị ca sĩ Campuchia “đạo”, vấn đề nhạc Việt bị ăn cắp mới “phát lộ”. Tuy...

Từ trước đến nay, người có động thái kiên quyết nhất với vấn đề này là nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Khi ca khúc Vầng trăng khóc của anh xuất hiện tại Trung Quốc với phiên bản tiếng Trung có tên Biển ánh trăng, anh nhờ Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) làm việc nhưng không thành công, nên đã tự điều tra, nhờ người biết tiếng Hoa dịch thông tin và biết phiên bản đó do nhóm Bảy Tháng Bảy của Công ty Lạc Hoa (đặt tại Thượng Hải) thực hiện. Không chỉ ở Trung Quốc, Vầng trăng khóc còn có cả phiên bản Thái Lan, Campuchia, Lào và do ca sĩ nổi tiếng của nước bạn thể hiện. Dù vậy, cuối cùng vụ này cũng chỉ dừng ở mục đích chứng minh Vầng trăng khóc bị “đạo” chứ không phải ngược lại như một số hoài nghi của dư luận lúc đó. “Lý do là Công ước Bern dành một số chế độ ưu đãi, miễn trừ về chia sẻ tác quyền cho các nước đang phát triển, nên không thể xử lý được”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết. Thực tế, theo luật sư Lê Quang Vy (Văn phòng luật Việt Long Thăng), chế độ ưu đãi dành cho các nước đang phát triển chỉ nằm ở mức khung giá bồi thường, không phải ở trách nhiệm thực thi một khi đã áp dụng các luật lệ và công ước quốc tế. Dĩ nhiên, tình hình càng không dễ nếu đó là quốc gia vẫn còn lỏng lẻo về luật bản quyền.

Nhac Viet bi dao: Hue ca lang

Clip ca sĩ Campuchia đạo ca khúc Cơn mưa dĩ vãng của Mỹ Tâm

Nhac Viet bi dao: Hue ca lang

Hiện tại, nếu thử làm một thống kê, có thể thấy ca khúc Việt Nam bị “đạo” bởi ca sĩ nước lân cận cũng không ít, có thể kể Mưa băng giá của Khánh Trung, Ngàn lần khắc tên em của Nguyễn Hồng Thuận, Kiếp đỏ đen của Duy Mạnh, Cầu vồng khuyết và Lời nguyền của Minh Khang, Tại sao của Quang Huy, Chàng trai tháng Mười hai của Thủy Tiên, Get on the floor của nhóm 365… Trong đó, nhiều ca khúc không chỉ bị “đạo” ở một nước hay chỉ “đạo” giai điệu mà còn bị cóp-pi cả tạo hình (Khánh Ngọc - Nhật Tinh Anh trong Vầng trăng khóc), bê nguyên xi cả vũ đạo (trong MV Get on the floor của 365)… Việc bị “đạo” này xảy ra nhiều nhất ở Campuchia, được lý giải vì nơi đây có các sòng bài, có sự hiện diện của nhiều người Việt nên việc phổ biến nhạc Việt cũng nhanh chóng hơn và việc “đạo” cũng thường xuyên hơn. Dẫu thế, hầu hết tác giả bị đạo nhạc đều không nghĩ đến việc đòi quyền lợi cho mình. “Không có thời gian, mà cũng không biết là có đòi được không, số tiền đòi được có đủ với chi phí bỏ ra trong quá trình đi đòi không, nên thôi, kệ họ”, nhạc sĩ Minh Khang cho biết.

Điều đáng nói là cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức nào, cơ quan nào có thể giúp các tác giả lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của mình trong những trường hợp này.

Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI