"Thế trận" cân bằng giữa giới underground và ca sĩ chính thống
Tiếp bước thành công trong năm 2018, giới underground và dòng nhạc indie (âm nhạc độc lập) tiếp tục phát triển trong năm nay. Tuy nhiên, nếu như năm trước, mảng âm nhạc này từng có đến nửa năm lấn át giới ca sĩ chính thống thì năm 2019, hai bên gần như một chín một mười.
Năm nay, giới underground và dòng nhạc indie có nhiều sản phẩm nổi bật như: Hai triệu năm, Bài này chill phết, Lối nhỏ, Cảm ơn (Đen Vâu), Mùa hè của em (Thái Vũ)...
Trong danh sách tổng kết từ Google, trong 10 ca khúc được tìm kiếm nhiều nhất năm 2019, đa phần đều là những sản phẩm của giới undergorund và dòng nhạc indie như: Hồng nhan, Sóng gió, Bạc phận (Jack, K-ICM), Cô Thắm không về (Phát Hồ, JokeS Bii, Sinike, DinhLong), Simple love (Obito Seachains, Davis, Lena), Sai lầm của anh (Đình Dũng).
|
Đen Vâu trình diễn trong liveshow tại TP.HCM |
Theo thống kê của Spotify, Đen là nghệ sĩ Việt Nam được tìm nghe nhiều nhất trên ứng dụng này. Thái Vũ, giọng ca được mệnh danh “hoàng tử indie” cũng góp mặt trong danh sách trên.
Không chỉ tìm được sự ủng hộ của khán giả, họ còn nhận được nhiều lời đánh giá tích cực từ các tên tuổi chuyên môn trong nghề như: Lê Minh Sơn, Đức Trí… Thậm chí, nhạc sĩ Dương Thụ cũng không thể bỏ qua mảng màu vô cùng đặc biệt này. Ông từng chia sẻ: “Đây là những gương mặt đẹp!”; "Tôi mừng vì các bạn đã tách ra được những trào lưu, xu hướng mà chơi thứ nhạc để nghe ra là cái gì đó của riêng các bạn, cái gì đó là Việt Nam”.
|
Thái Vũ, một trong những gương mặt tiêu biểu của dòng nhạc indie được giới trẻ yêu thích nồng nhiệt trong thời gian qua. |
Giới ca sĩ chính thống cũng có nhiều sản phẩm nổi bật trong năm qua như: Hãy trao cho anh (Sơn Tùng), Đi đu đưa đi (Bích Phương), Truyền thái y (Ngô Kiến Huy), Đúng người đúng thời điểm (Thanh Hưng), Để Mị nói cho mà nghe, Tứ phủ (Hoàng Thùy Linh), Em đã thấy anh cùng người ấy, Em hơi mệt với bạn thân anh (Hương Giang), Đừng yêu nữa em mệt rồi (Min)…
Nhìn chung, mỗi sản phẩm đều mang một màu sắc khác nhau, tạo nên sự đa dạng chứ không đi theo lối mòn nào. Đặc biệt, phần hình ảnh MV luôn được đầu tư, trau chuốt kỹ lưỡng.
|
Hoàng Thùy Linh với tạo hình vui nhộn, bắt mắt trong MV Để Mị nói cho mà nghe. |
Giới cover lên ngôi
Đáng chú ý nhất trong năm nay là sự lên ngôi của những giọng ca cover như: Hương Ly, Minh Châu, Dương Eward, Thiên An… Họ liên tục có nhiều bản cover được chú ý trên YouTube và các trang nghe nhạc trực tuyến với hàng chục triệu lượt nghe, xem. Chính điều này giúp cho vị thế của họ thay đổi khi giới ca sĩ chính thống muốn bắt tay để giúp cho các sản phẩm trở nên hot hơn, lan toả mạnh hơn trên môi trường mạng.
Từ chuyện làm chơi, giới cover đã tiến tới việc “ăn thật”. Theo tiết lộ từ Hương Ly, mỗi bản cover do cô thực hiện có giá 20 triệu đồng, dựa trên đơn đặt hàng từ các ca sĩ.
Nhưng sự lên ngôi của cover cũng dẫn đến ồn ào. Theo tiết lộ của Hương Ly, phía Erik từng đề nghị cô cover lại ca khúc Có tất cả nhưng thiếu anh. Nhưng bản cover lại có lượt nghe, xem cao hơn bản gốc khiến người hâm mộ của Eik chỉ trích Hương Ly cướp công.
|
Hương Ly, một trong những cái tên nổi bật của giới cover. |
Hương Ly cũng bị Khắc Việt tố tự ý cover ca khúc Bước qua đời nhau mà không xin phép, không để tên tác giả. Nam ca sĩ còn cấm Hương Ly hát các ca khúc của mình.
Đến lượt Nguyễn Trần Trung Quân ra mắt MV Tự tâm và tạo nên cơn sốt, người hâm mộ của nam ca sĩ liên tục lên tiếng đề nghị cấm Hương Ly cover để bảo toàn thương hiệu.
Từ môi trường mạng bước ra sân khấu thật, những hiện tượng cover cũng gây thất vọng bởi giọng hát live yếu. Điển hình là màn trình diễn của Hương Ly vào tháng 10 vừa qua trong một quán bar khiến khán giả không khỏi hốt hoảng.
Ồn ào chuyện “ăn cắp”, “cầm nhầm”
Vấn đề tác quyền chưa bao giờ hết “nóng”. Thay vì tuân thủ theo luật ngay từ ban đầu, những đơn vị vi phạm chỉ giải quyết hậu quả sau khi bị đánh động.
Tháng 9/2019, Chi Pu bức xúc việc nhiều ca sĩ hát ca khúc Anh ơi ở lại trong những chương trình mang tính thương mại nhưng không xin phép trong khi cô là chủ sở hữu. Sau khi lên tiếng, những bên vi phạm đã thỏa thuận với phía Chi Pu để giải quyết.
Vào tháng 8/2018, ê-kíp sản xuất Ngôi nhà bươm bướm vướng vào lùm xùm trong việc xài chùa 3 ca khúc: Mãi mãi bên anh (Noo Phước Thịnh), Taxi, Đường cong (Thu Minh). Nhà sản xuất nhận sai. Phía Noo Phước Thịnh yêu cầu bồi thường 500 triệu đồng. Cuối tháng 9, nhà sản xuất đã bồi thường cho phía Thu Minh sau khi đạt được thoả thuận chung.
|
Chi Pu bức xúc vì nhiều bên tự ý sử dụng ca khúc của cô nhưng không xin phép |
Đầu năm 2019, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa cũng bị tố “xài chùa” lời thơ của tác giả Linh Linh để viết ca khúc Tình nhân ơi, Người lạ ơi. Nam nhạc sĩ sau đó phải nhận lỗi và chịu trả chi phí tác quyền.
Sau một thời gian ngắn, hàng loạt bản cover Độ ta không độ nàng biến mất trên YouTube. Nguyên nhân xuất phát từ việc ca khúc này đã được một đơn vị tại Việt Nam mua bản quyền. Đơn vị này yêu cầu các ca sĩ cover phải trả phí bản quyền, cụ thể là đóng phí 5 triệu đồng/lần sao chép hay sử dụng và 33% doanh thu từ sản phẩm. Ca sĩ Phương Thanh lên tiếng chỉ trích đơn vị sở hữu bản quyền vì điều này. Tuy nhiên, nữ ca sĩ lại bị phản pháo vì không hiểu luật.
Cuối tháng 12 này, vụ kiện tác quyền giữa nhạc sĩ trẻ Trường Nhân và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ được xét xử tại Tòa án Nhân dân quận 10. Vào năm 2012, Đàm Vĩnh Hưng cho ra mắt album Góc khuất, trong đó có ca khúc Chút tình phai (ghi do Trương Tuấn Huy, tên thật là Nguyễn Anh Huy sáng tác).
Tác giả Trường Nhân phát hiện ca khúc này giống hệt sáng tác Chút tình của anh, nằm trong tuyển tập nhạc Vị ngọt, được Cục Bản quyền Tác giả Văn học - Nghệ thuật cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả vào ngày 30/6/2006.
Trương Tuấn Huy sau đó nhận mình đã sai, sáng tác trên là của Trường Nhân.
|
Đàm Vĩnh Hưng cũng vướng vào lùm xùm vi phạm bản quyền |
Đầu tháng 12/2019, Tòa án Nhân dân TPHCM thụ lý vụ án tranh chấp tác quyền lời bài hát Gánh mẹ. Theo đó, nhà thơ Trương Minh Nhật đưa ra chứng cứ anh sáng tác bài thơ Gánh mẹ vào năm 2014. Tháng 9/2019, anh phát hiện ca khúc Gánh mẹ của Quách Beem có phần lời giống hệt.
Cuộc đua trending YouTube
Chưa khi nào "top trending" lại trở thành từ khóa nghiệt ngã như trong năm nay. Trending YouTube (thứ hạng trên bảng xếp hạng YouTube) đang trở thành một trong những tiêu chí đánh giá sự thành, bại của một sản phẩm.
Ngoài việc làm nhạc hay, ca sĩ cũng phải chú trọng đầu tư MV để sản phẩm thỏa luôn phần nhìn nhằm nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của khán giả. Tuy nhiên, tiêu chí này chưa chắc phản ánh đúng chất lượng sản phẩm. Thậm chí, có những sản phẩm mà phần nhạc chỉ dừng ở mức tàm tạm nhưng nội dung MV lại "ăn tiền" như: Anh đang ở đâu đấy anh, Em hơi mệt với bạn thân anh...
|
Em hơi mệt với bạn thân anh, một MV nhanh chóng dẫn đầu bảng xếp hạng trên YouTube với câu chuyện hấp dẫn nhưng âm nhạc chỉ ở mức tàm tạm. |
Lọt top trending trở thành áp lực vô hình với các ca sĩ khi ra mắt MV. Để góp phần giải quyết nỗi lo này, cộng đồng người hâm mộ kêu gọi “cày view” cho thần tượng nhằm nhanh chóng lọt top hoặc bảo vệ thứ hạng. Vì thế, "top trending" trở thành thước đo nhưng không hề phản ánh chính xác về mức độ lan toả, sự đón nhận của khán giả đại chúng với sản phẩm.
Trung Sơn