Nhạc trưởng Maxim Fedotov: Người Việt rất sáng tạo

05/04/2013 - 04:38

PNO - PNO - Sau buổi tập cùng dàn nhạc Hanoi Ensemble & Friends tại Nhà hát Hòa Bình, nhạc trưởng Fedotov khẳng định tính sáng tạo của người Việt.

Trước buổi công diễn Những giai điệu vượt thời gian, đã có nhiều lo ngại về tính bất ứng của cấu trúc khán phòng nơi đây (vốn dành cho nhạc trẻ) với chất liệu nhạc cổ điển. Ưu tư đó cũng phần nào bộc lộ trên nét mặt của NSND Maxim Fedotov khi ông đến tập dợt cùng dàn nhạc tại Nhà hát Hòa Bình tối trong một không gian khá loãng cùng hệ thống đèn màu nhấp nháy liên tục.

Nghệ sĩ Maxim Fedotov là nghệ sĩ violin đầu tiên biểu diễn trên hai cây đàn trứ danh của Paganini: Guarneri del Gesù và Jean-Baptiste Vuillaume tại St. Petersburg năm 2003.

Song song với sự nghiệp độc tấu violin, ông còn là chỉ huy trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Nga từ năm 2003 - 2005, giám đốc nghệ thuật kiêm nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Thủ đô Mátxcơva từ năm 2006 - 2010. Từ năm 1987, ông giảng dạy với học hàm giáo sư tại Nhạc viện Tchaikovsky, Trưởng Khoa Violin và Viola tại Viện Âm nhạc Gnhexin từ năm 2003 - 2008.

Ông là thành viên ban giám khảo của nhiều cuộc thi violin uy tín quốc tế. Năm 2003, ông cùng vợ đoạt giải thưởng danh dự của Chính phủ Nga.

Song chỉ ít lâu sau, nỗi lo lắng của vị nhạc trưởng - violinist đến từ xứ sở bạch dương đã được giải tỏa. Không gian phía sau vị trí các nhạc công được bố trí mới một hệ thống cách âm y hệt Nhà hát TP.HCM, đèn màu được điều chỉnh độ sáng phù hợp để không làm lóa mắt nghệ sĩ biểu diễn, một đội ngũ kỹ thuật viên từ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch (HBSO) được mời sang để cân chỉnh và bảo quản nhạc cụ. Chỉ duy nhất có chiếc đàn dương cầm Steinway & Sons mà HBSO đang sở hữu mới đáp ứng được yêu cầu khắt khe về âm thanh của Maxim Fedotov.

Đội hình nghệ sĩ Nga - Việt đã mau chóng hòa nhập bối cảnh mới để tập luyện ăn ý cùng nhau. Nhân dịp này, Phụ Nữ Online đã có buổi chuyện trò cùng ông.

* Việc biểu diễn trên một sâu khấu ít hợp chuẩn hơn Nhà hát TP.HCM có gây trở ngại gì cho ông?

Nhạc trưởng Maxim Fedotov: Âm nhạc cổ điển là âm nhạc của tương lai, được sản sinh bởi những nhạc sĩ mà tài năng của họ đi vượt không gian và thời gian. Nếu thời của Bach hay Vivaldi mà có những sân khấu hợp chuẩn hay nhạc cụ cải tiến như bây giờ thì chắc các ông ấy đã trở thành người bình thường rồi. Thế kỷ XVI, tại châu Âu, người ta phải dùng loại đàn clavicin (một dạng piano cổ) rất nhỏ và có nhiều khiếm khuyết về âm thanh; mãi đến thế kỷ XVIII, đàn clavicin mới được cải tiến thành piano như hiện nay.

Nhac truong Maxim Fedotov: Nguoi Viet rat sang tao

Tôi nói như thế để bạn có thể hình dung được rằng, hoàn cảnh bất ứng sẽ đem lại cho con người những sáng tạo tuyệt vời, giúp họ bộc lộ những tố chất thiên bẩm. Một đất nước sáng tạo mạnh mẽ và nhiệt huyết như Việt Nam thì hoàn toàn có thể chấp nhận sự thử nghiệm mang tính tích cực này. Tại sao không?

* Đây là lần thứ mấy ông đến Việt Nam? Sự thay đổi nào ông nhìn thấy được ở đất nước chúng tôi cũng như với âm nhạc cổ điển và nghệ sĩ thính phòng Việt Nam?

- Tôi và vợ đến Việt Nam từ năm 2001 và đã yêu đất nước hình chữ S này từ lúc đó. So với chục năm về trước, Việt Nam đã và đang có sự phát triển như vũ bão, đường phố ngày càng khang trang, hiện đại hơn, ngày càng có nhiều phòng hòa nhạc mới hơn, nhiều kiến trúc đẹp hơn. Cái quan trọng nhất là tôi nhìn thấy được sự phát triển của các đồng nghiệp Việt Nam. Tôi đã từng học chung với nhiều học sinh Việt Nam tại Nhạc viện Tchaikovsky, tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ đó. Bây giờ tôi vui khi nhìn thấy họ vẫn tiếp tục phát triển sự nghiệp tại Việt Nam và nắm giữ những vai trò chủ chốt của giới âm nhạc cổ điển trong nước.

Nhac truong Maxim Fedotov: Nguoi Viet rat sang tao

Lời tốt đẹp nhất tôi muốn dành để nói về Bùi Công Duy. Anh là một người có khả năng tuyệt vời về đàn violin, tôi xác tín điều này vì khi Duy đoạt giải Nhất tại cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc Tchaiskovky 1997 thì tôi là người chấm thi. Ngày nay, Duy đã quy tụ được một nhóm các nghệ sĩ chơi nhạc thính phòng có kỹ thuật tốt, phát triển âm nhạc không chỉ bằng cách biểu diễn mà còn thông qua hình thức tổ chức. Như Những giai điệu vượt thời gian, Duy với vai trò là một giám đốc nghệ thuật đã mời tôi tham gia chương trình này.

* Việc ông vừa là một soloist violin vừa là nhạc trưởng có phải là trường hợp cá biệt trong giới nhạc cổ điển không?

- Điều này rất hay xảy ra. Cũng có ý kiến cho rằng nếu người chơi nhạc cụ mà chuyển sang chỉ huy thì đồng nghĩa với việc họ sẽ ít có cơ hội trui rèn và biểu diễn bằng nhạc cụ. Nhưng với tôi thì không, tôi không bao giờ từ bỏ cây đàn violin, tôi vẫn chơi nó rất nhiều, biểu diễn rất thường xuyên cùng vợ tôi (nghệ sĩ piano Galina Petrova). Vai trò chỉ huy là một đối trọng với violin, nó tạo cho tôi sự cân bằng và giúp tôi mở rộng kiến thức cũng như hướng phát triển âm nhạc. Đó là hai mảnh ghép của nhau trong cùng một ngành nghề. Tôi lấy làm hạnh phúc khi được biểu diễn trên cả hai vai trò tại đất nước các bạn.

Nhac truong Maxim Fedotov: Nguoi Viet rat sang tao
Phu nhân của nhạc trưởng Fedotov - nghệ sĩ Galina Petrova

* Ở Việt Nam, các nghệ sĩ chơi nhạc giao hưởng thường gặp khó khăn vì thu nhập với nghề rất khiêm tốn, nhiều nghệ sĩ phải thành lập nhóm riêng đi biểu diễn tại các sự kiện, hội nghị khách hàng… để trang trải cuộc sống. Bên Nga thì thế nào?

- Nhìn chung các nghệ sĩ nhạc cổ điển ở Nga sống được. Hiện nay Mátxcơva có hơn 20 dàn nhạc giao hưởng lớn đang hoạt động, phần đông đều được chính phủ cấp một khoản lương đặc biệt, sự hỗ trợ đó giúp các dàn nhạc giữ được đẳng cấp cũng như được đảm bảo tài chính để duy trì và phát triển. Cách đây 10 - 15 năm từng có lúc đời sống các nghệ sĩ nhạc giao hưởng bị xuống dốc, nhưng bây giờ đã dần đi lên. Mỗi ngày, mỗi nơi trên đất nước chúng tôi đều có rất nhiều chương trình nhạc cổ điển diễn ra. Khán giả yêu nhạc cổ điển ngày càng đông. Trường dạy âm nhạc cổ điển cũng gia tăng, hầu như cứ mỗi quận, phường của Nga đều có một trường như vậy.

* Xin cảm ơn ông!

HOÀNG YẾN (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI