Nhạc thiếu nhi: Khó cả cung lẫn cầu

28/12/2018 - 15:39

PNO - Mỗi ca khúc thiếu nhi được Hội Âm nhạc TP.HCM hỗ trợ 15 triệu đồng để sáng tác nhưng khi tác phẩm ra đời, việc tiếp cận được với khán giả nhí vẫn gặp khó.

“Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hội Âm nhạc TP.HCM chủ trương đẩy mạnh sáng tác ca khúc thiếu nhi và tuổi hồng. Từ đó, hằng năm, Hội đều có kinh phí hỗ trợ đầu tư sáng tác (15 triệu/ca khúc) và trao thưởng rất cao (20 triệu/giải A) để khích lệ nhạc sĩ sáng tác. Mỗi năm, Hội xét hỗ trợ và đặt hàng sáng tác khoảng 30 ca khúc”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM - chia sẻ tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng âm nhạc năm 2018 vào sáng 28/12.       

Nhac thieu nhi: Kho ca cung lan cau
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng âm nhạc năm 2018. 

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh khẳng định thời gian qua, âm nhạc dành cho thiếu nhi không thiếu nhưng so với mặt bằng chung vẫn có những tồn tại nhất định về việc phát hành – tiếp cận người nghe.

“Những năm gần đây, việc sáng tác nhạc thiếu nhi đã bám sát đời sống của các em từ chủ đề năm học, môi trường đến bạn bè, gia đình... nhưng khi sáng tác xong, việc phổ biến vẫn gặp khó. Chúng tôi có thể phát hành trên YouTube nhưng bố mẹ phải chủ động mở cho các con nghe. Còn không, tôi thấy phổ biến ngay tại trường học, nhà thiếu nhi hoặc lý tưởng là trên các đài vào khung giờ phù hợp mới có hiệu quả”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh nói.

Cũng theo nam nhạc sĩ, vào đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên Hội chủ động kết hợp với các nhà thiếu nhi trên địa bàn thành phố để cùng tổ chức Hội thảo Âm nhạc thiếu nhi trong đời sống âm nhạc. Tại đây, đại diện nhà thiếu nhi quan tâm đến việc cần có các ca khúc mới để phục vụ các hoạt động thường niên của đơn vị. Hội Âm nhạc TP.HCM cũng kết hợp giới thiệu nhiều ca khúc sẵn có. Trong thời gian qua, Hội đã phát hành 4 CD nhạc thiếu nhi và 4 CD tuổi hồng.

Nhac thieu nhi: Kho ca cung lan cau
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (bìa trái) là người nặng lòng với việc sáng tác ca khúc thiếu nhi.

Trước câu hỏi về việc các sáng tác nhạc thiếu nhi thiếu sự đầu tư, gắng gượng trong việc lồng ghép thông điệp, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh khẳng định: “Những năm gần đây, các sáng tác của nhạc sĩ đã bắt kịp xu hướng. Ví dụ giai điệu cần sôi động, mạnh mẽ hơn thì các ca khúc đều làm được chuyện này, kèm theo lời lẽ đẹp – yếu tố cần phải có đối với nhạc thiếu nhi. Tuy nhiên, quan trọng là việc hoà âm phối khí vì các em học sinh cấp 2 thường chỉ nghe dance, EDM nhưng sẽ gây khó cho nhạc sĩ ở điểm này. Nếu sáng tác nhạc bình thường thì cần 5 – 7 triệu để làm nhạc, nhưng phối khí các giai điệu mới thì cần con số gấp đôi”.

Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Hội Âm nhạc TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động trọng điểm, trong đó có việc đẩy mạnh sáng tác ca khúc thiếu nhi và tuổi hồng. Với hoạt động của Hội hiện tại, rất khó để thay đổi được tình hình cung cầu đều thiếu của nhạc thiếu nhi. Để cải thiện, cần có nhiều đơn vị, tổ chức góp sức sáng tác và phổ biến mới mong nhạc thiếu nhi có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Danh sách các cá nhân đoạt giải A tại Giải thưởng Âm nhạc năm 2018

1. Nguyễn Thị Mỹ Liêm – Tác phẩm: Lịch sử Âm nhạc Việt Nam, hạng mục Công trình sách.

2. Trần Đinh Lăng – Tác phẩm: Đêm giấu lửa, hạng mục Khí nhạc. 

3. Phạm Minh Tuấn – Tác phẩm: Tiếng gọi từ lòng đất, hạng mục: Ca khúc Romance.

4. Võ Thiên Lan – Tác phẩm: Nhớ mẹ, hạng mục: Ca khúc Romance. 

5. Phạm Hoàng Long – Tác phẩm: Ký ức đêm trắng đồng Vĩnh Lộc, hạng mục: Ca khúc Romance. 

6. Trương Quang Lục – Tác phẩm: Tuổi thơ bên dòng sông Caty, hạng mục: Ca khúc Thiếu nhi – Tuổi hồng. 

7. Đinh Hoàng Vũ – Tác phẩm: Linh thiêng Trống Đồng, hạng mục: Ca khúc Thiếu nhi – Tuổi hồng. 

8. Văn Thành Nho – Tác phẩm: Biển hát lời mẹ Âu Cơ, hạng mục: Ca khúc Thiếu nhi – Tuổi hồng.

Tin, ảnh: Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI