Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh ngày 19/8/1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Thân sinh là ông Nguyễn Hàm Ninh, thích âm nhạc và thơ phú, sở trường đờn kìm, tranh và cò, sành hát Bội. Anh chị em của Nhạc sư Vĩnh Bảo đều chơi đờn cổ nhạc, nhưng không sống bằng nghề nhạc.
Riêng phần nhạc sư, do cụ thân sinh thường tổ chức Đờn ca Tài tử tại nhà với nhiều nhạc sư nỗi tiếng đương thời, nên nhạc sư Vĩnh Bảo được tiếp cận cổ nhạc miền Nam từ rất sớm. Lên 5 tuổi, nhạc sư tiếp xúc với cây đàn đoản. Ở tuổi 12, nhạc sư đã có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ cổ nhạc miền Nam.
Văn nghệ sĩ TPHCM giao lưu với nhạc sư Vĩnh Bảo tại Đồng Tháp năm 2019
Từ cái vốn cổ nhạc đó, nhạc sư đã rời quê hương để bắt đầu quãng đường 90 năm tìm tòi, học hỏi và cống hiến cho cổ nhạc. Ở tuổi 20, cái tên Vĩnh Bảo đã đứng ngang với các nhạc sư nổi tiếng lúc bấy giờ. Năm 1938, cô Ba Thiệt (chị cô Năm Cần Thơ) ca Vọng cổ nhịp 16 thu đĩa Béka với tiếng đờn của của các nhạc sư Vĩnh Bảo, Ba Cân và Năm Nghĩa. Đây là một sự kiện quan trọng vì đĩa này có thể được xem là một trong những đĩa nhạc đầu tiên đánh dấu sự ra đời và bắt đầu thịnh hành của Vọng cổ nhịp 16. Xin nhắc lại rằng, trước kia Vọng cổ nhịp 16 rất đắc dụng ở các sân chơi Đờn ca Tài tử.
Nhạc sư luôn nghiên cứu tìm cái mới để nối dài thêm dòng chảy cổ nhạc. Nhận thấy khi chơi cổ nhạc miền Nam, cây đàn tranh 16 dây truyền thống có những bất tiện, nhạc sư đã mạnh dạn tìm cách cải tiến. Từ năm 1955, nhạc sư bắt đầu tự tay đóng và cho ra đời những cây đàn tranh 17, 19 và 21 dây. So với đàn tranh 16 dây truyền thống, đàn tranh của nhạc sư có nhiều tiện lợi hơn khi chơi cổ nhạc lẫn tân nhạc, âm vực rộng hơn, độ trầm bổng rõ hơn, âm vang hơn…
Sự thành công đã được khẳng định khi mà cho tới hiện tại, đàn tranh các loại 17, 19, 21 dây được sử dụng rộng rãi, có rất nhiều người chơi nhạc trong và ngoài nước thích sở hữu đàn tranh do nhạc sư đóng. Thành công đó không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu nghiêm túc và có tính khoa học, từ việc chọn gỗ đóng đàn đến việc giảm bớt độ cong của mặt đàn…
Khi tuổi trên 90 không còn có thể cầm búa, cưa để trực tiếp đóng đàn, nhạc sư hướng dẫn cho con trai đóng đàn, và khâu quan trọng cuối cùng do nhạc sư làm rất tỉ mỉ: chính tay nhạc sư kiểm tra tiếng đờn, nếu còn gì chưa vừa ý một chút thôi thì nhạc sư cũng kêu con trai sửa lại ngay. Đàn tranh Vĩnh Bảo đã tạo được nét riêng và chỗ đứng riêng, đến mức mà GS. Tô Vũ khi làm sách về nhạc truyền thống Việt Nam đã gọi thẳng là “Tranh Vĩnh Bảo”.
Bức ảnh nhạc sư Vĩnh Bảo hòa tấu cùng GS.TS Trần Văn Khê năm 1972 được trưng bày tại khu lưu niệm.
Trong cách đàn, nhạc sư có lối nhấn nhá rất riêng để tạo cái hồn cho bản đờn. Nhạc sư có lối rao hơi Xuân và hơi Ai độc nhất vô nhị, đến mức mà khi nhạc sư đã ở tuổi 100 vẫn có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng tìm đến thọ giáo cách rao của nhạc sư. Cách sắp chữ đờn của nhạc sư cũng rất sang, cách nhấn nhá thể hiện rất rõ tâm tư của người chơi đàn, tức rất có hồn. Nhạc sư tâm sự rằng, khi ông đờn bản gì đó thì những hình ảnh tương thích mà ông từng trải qua trong đời cứ hiện lên như một thước phim.
Bởi vậy mà mỗi chữ nhạc là một tiếng lòng, đến mức mà khi lần đầu nghe nhạc sư đờn thì nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân - cựu đào chánh Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, nàng Trưng Nhị lừng danh thuở nào - đã thốt lên: “Không phải thầy nhấn dây đờn mà thầy đang nhấn vào trái tim người nghe”. Lúc sanh tiền, GS.Trần Văn Khê - người bạn chí thân của nhạc sư cũng đã nhiều lần không giấu được sự thích thú khi nghe nhạc sư đờn và hết lời ca ngợi tiếng đờn của nhạc sư.
Nhạc sư không thoát li với tiền nhân, mà ngược lại, nhạc sư luôn chọn lọc và chăm chút gìn giữ từng li từng tí hồn cốt của cổ nhạc Nam Bộ do tiền nhân truyền lại, từ bản đờn đến cách tạo cái hồn cho đúng với từng bài bản. Theo dòng thời gian, nhạc tài tử Nam Bộ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nhiều dòng nhạc khác, vì thế ở đầu thế kỉ 21, nhạc sư chính là người sở hữu và giữ gìn cái hồn phách thuở ban đầu của nhạc tài tử.
Nhạc sư còn giữ hồn dân tộc bằng cách sáng tạo ra cách kí âm riêng cho ngũ cung cổ nhạc, để không phải quá lệ thuộc vào cách kí âm của nhạc Tây. Nhạc sư thường nói: “Mình tự hào có 4000 năm lịch sử, không lẽ mình không có nổi cách ghi mấy nốt nhạc của mình”. Lối kí âm đó đã được nhạc sư sử dụng dạy nhạc một cách có hiệu quả từ khi còn dạy ở nhạc viện cho đến cuối đời.
Trong cách dạy nhạc, nhạc sư luôn trân trọng cách dạy đúng cái hồn của cổ nhạc Nam Bộ: dạy theo lối Tâm truyền. Và chỉ có cách dạy đó thì người học mới thấm được cái hồn của cổ nhạc và sau khi thấm thì mới có thể tạo ra được nét đờn riêng. Sự nghiệp giảng dạy cổ nhạc của nhạc sư rất đồ sộ.
Nhạc sư thuộc thế hệ sáng lập của Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (Nhạc viện TPHCM), là bạn chí thân của người sáng lập Nhạc viện là ông Nguyễn Phụng. Nhạc sư có khoảng 10 năm dạy nhạc tại đây với rất nhiều học trò, và đến hiện tại vẫn còn người là học trò của nhạc sư ở buổi đầu thành lập Nhạc viện tiếp tục theo nghiệp dạy đàn tranh.
Các tài liệu dạy nhạc được nhạc sư Vĩnh Bảo lưu giữ khoa học và cẩn thận.
Đầu những năm 1970, nhạc sư được mời sang Mỹ dạy nhạc Việt Nam cùng với GS.Trần Văn Khê và nhạc sư Phạm Duy tại Đại học Southern Illinois. Bên cạnh việc dạy nhạc, ba vị tôn sư khi ấy còn có nhiều hoạt động khác để quảng bá âm nhạc Việt Nam trên đất Mỹ. Sau đó, nhạc sư sang Paris (Pháp) và cùng với GS.Trần Văn Khê đờn thu âm cổ nhạc miền Nam cho Đài Phát thanh Pháp (Radio France) và UNESCO. Đây là sự kiện dường như duy nhất cho đến hiện tại khi mà hai vị nhạc sư của cổ nhạc miền Nam cùng đến đờn thu ngay trụ sở UNESCO ở Paris. Nhạc sư cũng được mời đến nói chuyện đóng đàn tranh ở Trung tâm Âm thanh Nhạc học tại Paris theo lời mời của giáo sư âm thanh nhạc học trứ danh của Pháp- Emile Leipp.
Việc nghiên cứu và giảng dạy của nhạc sư không bao giờ ngừng nghỉ. Ở tuổi trên 80, nhạc sư vẫn nhận lời giảng dạy cổ nhạc cho các lớp có con em người Pháp sống ở Sài Gòn. Ở tuổi trên 100, nhạc sư vẫn mở hiệu đàn tại Cao Lãnh để tiếp tục góp phần quảng bá cổ nhạc và đàn tranh. Ở tuổi trên 100 mà nhạc sư lúc nào cũng bàn chuyện làm sao đóng được cây đàn cho tốt cho hay, nhấn nhá thế nào cho có hồn, vẫn dạy đàn trực tiếp tại tư gia hoặc qua Internet.
Nhạc sư Vĩnh Bảo biểu diễn đờn kìm và đờn tranh:
Rất nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc và văn hóa vẫn tìm đến với nhạc sư. Ngay cả khi nhạc sư đã về sống ở Cao Lãnh, nhiều nhà nghiên cứu hoặc nhạc sĩ cổ nhạc vẫn tranh thủ mọi cơ hội đến tận tư gia nhạc sư để nghiên cứu về cổ nhạc hoặc cả nghiên cứu về chính bản thân nhạc sư.
Nhạc sư Vĩnh Bảo không chỉ đờn với những tay đờn đã thành danh, mà còn không ngại đờn cả với thế hệ cháu chắt lên 10 tuổi, và khi hòa đờn thì nhạc sư không hề tỏ ra coi thường mà rất tập trung vừa đờn vừa nương vừa thưởng thức cách đờn của hậu bối. Học trò của nhạc sư không chỉ là dân trong nghề, mà có rất nhiều người thuộc ngành nghề khác, bởi vậy tầm ảnh hưởng của nhạc sư cho hậu thế sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ của nghề đờn ca.
Chơi đờn gần 100 năm, đóng đờn nổi tiếng 70 năm, nghiên cứu và dạy đờn cả cuộc đời, nhạc sư đã tạo được dấu ấn Vĩnh Bảo: cách đóng đờn riêng, ngón đờn riêng, cách chơi đờn ca đặc sắc theo tinh thần tài tử xưa (Đờn và Ca là tri âm tri kỉ). Nhạc sư đã nhận nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế: Giải Phan Châu Trinh, giải Đào Tấn, Huân chương văn học nghệ thuật Pháp… Nhạc sư có công rất lớn trong hồ sơ Đờn ca Tài tử trình UNESCO.
Hiện tại, Vọng cổ nhịp 32 ngự trị trên sân khấu Cải lương và Đờn ca Tài tử. Vọng cổ nhịp 32 xuất phát từ Dạ cổ Hoài Lang, mà Dạ cổ Hoài lang của ông Sáu Lầu (Bạc Liêu) ra đời năm 1919, sau đó được phát triển lần lượt từ nhịp đôi thành nhịp 4, 8, 16 và nhịp 32 thịnh hành nhất ngày nay.
Nguyễn Vĩnh Bảo là một nhạc sĩ cổ nhạc chứng kiến đầy đủ các bước thăng trầm của Vọng cổ, là nhân chứng duy nhất cho sự phát triển của bản Vọng cổ còn sống ở đầu thế kỉ 21. Cải Lương thì ra đời khoảng năm 1918. Như vậy, Nguyễn Vĩnh Bảo cũng đã chứng kiến đầy đủ các bước phát triển của Cải lương và là nhân chứng thế hệ đầu của Cải lương duy nhất còn sống ở đầu thế kỉ 21. Nguyễn Vĩnh Bảo là nhạc sĩ cổ nhạc có tuổi nghề cao nhất trong làng Đờn ca Tài tử miền Nam.
Nguyễn Vĩnh Bảo vừa là nhạc sĩ, vừa là nghệ nhân đóng đàn, vừa là diễn giả âm nhạc, vừa là nhà nghiên cứu âm thanh nhạc học, vừa là thầy giáo dạy nhạc bằng nhiều thứ tiếng, vừa là người làm thơ bằng nhiều ngôn ngữ, vừa là nhạc sư thế hệ tiền phong còn sống duy nhất ở đầu thế kỉ 21… Như vậy, nhạc sư Vĩnh Bảo là trường hợp duy nhất của làng Đờn ca Tài tử - Cải lương miền Nam.
Tác giả và nhạc sư Vĩnh Bảo.
Bôn ba tứ xứ qua bao nỗi thăng trầm, thế mà khi nói chuyện với nhạc sư vẫn thường nghe Nhạc sư nhắc về kỉ niệm ấu thơ với Cao Lãnh, kể chuyện về Cao Lãnh, nhớ vanh vách từng góc phố con đường của Cao Lãnh những năm 1920-1930, kể tường tận những buổi đờn ca tài tử mà cụ thân sinh của nhạc sư tổ chức khi nhạc sư còn nhỏ, nhắc về các buổi được gặp nhạc sư Nguyễn Tùng Bá đến nhà đờn…
Nhạc sư thường nói với mọi người: “Đi đâu và làm gì thì tui cũng không bao giờ dám quên tui là người Cao Lãnh”, hay như: “Vĩnh Bảo thì người ta sẽ có thể quên, chớ Đồng Tháp thì người ta không thể quên được”. Khi nhạc sư quyết định về sống những ngày cuối đời tại Cao Lãnh, tôi có hỏi lý do, thì Nhạc sư nói: “Có nhiều lý do nhưng trong đó có lý do là muốn góp phần bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử tại quê nhà Cao Lãnh và thật sự muốn cuối đời được gởi thân ở quê hương”.
Nhạc sư là tuýp người ra sức đóng góp cho cổ nhạc mà không bao giờ để ý để thống kê và kể công trạng. Khi tôi nhắc thì nhạc sư cười và trả lời: “Việc chung, trách nhiệm chung”. Nhạc sư hay nói với tôi: “Tui không sợ học trò quên tui, mà chỉ sợ nó đờn không mùi”.
Rồi lúc nằm trên giường bệnh trong những ngày cuối cùng, khi tôi đến thăm, nhạc sư đang lúc tỉnh lúc mê, ấy thế mà vừa gặp mặt thì nhạc sư lại nói chuyện cổ nhạc. Từ TPHCM, tôi gọi video thăm nhạc sư, khi nghe tiếng tôi, nhạc sư mở mắt và nói ngay bằng giọng yếu ớt: “Bài tui viết về nhạc bằng tiếng Pháp đã gởi cho Phước chưa?
Ở tuổi ngoài 100 nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn luôn hào hứng hòa đờn khi có người tới thăm.
Vậy đó, khi nói về nhạc thì nhạc sư có năng lượng ngay. Hồi nhạc sư còn sống ở TPHCM, rất nhiều lần chúng tôi đến tổ chức đờn ca tại nhà nhạc sư. Và lúc nào cũng vậy, nhạc sư đờn liên tục gần 2 tiếng đồng hồ cho mọi người ca, mọi người sợ nhạc sư mệt nên đề nghị ngưng, thì nhạc sư bảo mọi người ngồi lại và đờn ca tiếp. Nhưng khi mọi người về hết, Nhạc sư mới bắt đầu cảm thấy mệt. Cô Thu Anh (ái nữ của Nhạc sư) vừa cười vừa kể: “Khi hết đờn ca là cụ nằm thở ngay. Mà nếu có đờn ca thì cụ ngồi dậy ngay”.
Sau ngót 90 năm bôn ba truyền bá cổ nhạc, Nhạc sư đã được trở về sống giữa quê hương và nay nhạc sư thật sự được “gởi thân ở quê hương”. Nhạc sư về với tổ nghiệp, nhưng di sản tiếng đờn, cách chơi đờn và kĩ thuật đóng đờn của nhạc sư sẽ còn đó để tiếp tục góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy cổ nhạc miền Nam. Nhà lưu niệm Nguyễn Vĩnh Bảo trong khuôn viên bảo tàng Đồng Tháp sẽ là một địa chỉ đỏ để các thế hệ yêu cổ nhạc và các nhà nghiên cứu cổ nhạc tìm đến đắm mình trong cổ nhạc miền Nam.
Tiến sĩ Lê Hồng Phước
(Giảng viên Trường ĐHKHXH&NV- Đại học Quốc gia TPHCM)