Nhạc sĩ Vũ Thành An: 'Hơn 90% ca khúc của tôi bị hát sai lời'

27/06/2019 - 19:00

PNO - Ca sĩ hát nhạc xưa sai lời, thậm chí tự “phái sinh”, tùy tiện cải biến nhạc và lời, bất chấp quyền tác giả. Người nghe hưởng ứng, tung hô, cho đó là “làm mới”.

Trong khi đó, những chương trình về lịch sử âm nhạc nói riêng và các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nói chung lại đang thiếu vắng trên sóng truyền hình.

Nhac si Vu Thanh An: 'Hon 90% ca khuc  cua toi bi hat sai loi'

Nhạc sĩ Vũ Thành An cho biết: “Mỗi khi nghe một ca sĩ hát bài của mình, tôi rất hồi hộp và buồn đến nỗi không muốn nghe nữa. Nếu bạn vào trang www.vuthanhan.com - nơi tôi đăng nhạc và lời ca khúc, rồi nghe các bài phổ biến trên mạng hiện nay, sẽ thấy rất ít bài đúng với nguyên bản. Có tới hơn 90% ca khúc của tôi bị hát sai lời”.

Ông dẫn ca khúc Một lần nào cho tôi gặp lại em, chữ “em” đã bị đổi thành “anh” để rồi sau đó mâu thuẫn với “Mái tóc mây bay giờ còn không/ Tiếng nói thơ ngây giờ còn không/ Anh có vui không/ Hai má còn hồng”. “Anh” mà “hai má còn hồng”. Thế mà ca sĩ vẫn hát được.

Trong bài Lời tình buồn (thơ Chu Trầm Nguyên Minh) có bốn đoạn, hầu như ai hát cũng sai, mất hẳn một đoạn: “Anh đi rồi còn ai đưa đón/ Áo em bay khuất mất thiên đường/ Tuổi hai mươi vòng tay níu gọi/ Ngôn ngữ nào anh nói yêu thương”. Có những bản, lời trên bị đưa xuống dưới, lời dưới đưa lên trên.

Thậm chí, với Bài không tên 50, nhạc sĩ cho biết: “Tôi có viết gì liên quan đến “thuyền” đâu”. Thay vì hát: “Thì thôi xin gửi sóng/ Đưa tình về cuối sông/ Đưa tình về với mộng/ Đưa tình về cõi không”, có vị hát: “Đưa thuyền về với mộng”. Không có ý nghĩa gì hết. Ngoài ra, theo nhạc sĩ, ca sĩ hát sai một vài lời trong sáng tác của ông là hiện tượng phổ biến. Buồn nhất là có những chương trình “chuyên trị” nhạc Vũ Thành An mà ca sĩ cũng hát sai.

Nhạc sĩ Y Vũ cũng nhiều lần thất vọng khi ca khúc của mình bị “tam sao thất bản”. Nhạc sĩ của Tôi đưa em sang sông tự lý giải, có lẽ do các ca sĩ chưa… để tâm nên quên, kết quả là “chế” ra những chữ, những câu khác với bản gốc. Ông cho rằng, lỗi này có thể tha thứ được. Nhưng cố tình sửa lời, “bẻ chữ” trước khi hát thì cần phê phán. Việc hát sai lời, “bẻ ngôn từ” gây nên nhầm lẫn lớn cho khán giả, thậm chí làm sai lệch ý của tác giả khi viết ca khúc.

Đáng nói là không chỉ ca sĩ trẻ, những ca sĩ thành danh, diva… cũng hát sai. Một số ca sĩ cho rằng, những ca khúc nhạc xưa ra đời cách đây đã lâu, nhiều nhạc sĩ đã qua đời, việc tiếp cận bản gốc rất khó, hát sai là đương nhiên. Nhạc sĩ Y Vũ phản bác: “Một nghệ sĩ văn minh và có lòng thì nên tìm hiểu, sưu tra, chứ không thể dễ dãi”.

Là con trai của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, cũng là tác giả có nhiều ca khúc bị biến dạng theo thời gian, nhạc sĩ Nguyễn Quang thẳng thừng: “Ca sĩ phải xây dựng văn hóa tôn trọng nhạc sĩ”. Muốn vậy, ca sĩ phải hát đúng lời, phải nhắc tên nhạc sĩ trước khi hát tác phẩm của họ. Đó cũng là lý do anh nhận làm tổng đạo diễn chương trình Âm nhạc Việt Nam những chặng đường - chương trình truyền hình đầu tiên, duy nhất, phát sóng lúc 16g25 từ thứ Hai tới thứ Tư trên VTV3 và phát lại lúc 18g trên VTV4, về lịch sử nhạc Việt Nam.

Nhac si Vu Thanh An: 'Hon 90% ca khuc  cua toi bi hat sai loi'
Tập 1 của Âm nhạc Việt Nam những chặng đường nói về Một kiếp hoa - bài hát đầu tiên của tân nhạc Việt Nam

Dựa vào tư liệu từ Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam… cùng nhiều nguồn tư liệu, hình ảnh, đĩa nhạc từ người dân, các nhà sưu tầm… Âm nhạc Việt Nam những chặng đường hiện đã đi được gần 40 tập, nhận được nhiều sự chú ý của giới yêu nhạc. Ở đó, khán thính giả phần nào hiểu được nền tân nhạc Việt Nam từ khi hình thành vào năm 1938, với các tác giả Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Thương, Đặng Thế Phong… cho đến Đoàn Chuẩn, Y Vân, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng… rồi nhạc boléro, nhạc trẻ thập niên 1960, 1970… cũng lần lượt được nhắc đến.

Chương trình truyền hình đi xuyên qua các giai đoạn của âm nhạc Việt, kỳ công gom nhặt tư liệu, hiện vật để cung cấp nhiều thông tin thú vị đến khán giả như thế, thật lạ, lại do một đơn vị tư nhân làm. Khi được hỏi liệu chương trình này sẽ đi bao lâu, và có thể phát hằng năm không, bà Chu Thị Hồng Anh, đại diện công ty Chu Thị - đơn vị sản xuất chương trình, cho biết: “Sẽ làm cho tới khi hết tiền thì dừng”.

Vẫn biết, trong bối cảnh mới, việc liên kết sản xuất chương trình là điều tất yếu. Nhưng VTV - trong vai trò và vị thế đầu tàu của ngành truyền hình, hoàn toàn có thể tự sản xuất những chương trình dạng vậy, không chỉ trong âm nhạc, lại đang “phó mặc” cho các đơn vị liên kết; trong khi các game show ca nhạc, hài nhảm thì lại thả nổi, khiến khán giả chán nản.

Lâu nay, ta vẫn than phiền về việc Việt Nam đang thiếu một thế hệ công chúng có trình độ. Khi những kiến thức về lịch sử văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu… qua loa, giáo điều, khô cứng trong chương trình giáo dục phổ thông, một chương trình như Âm nhạc Việt Nam những chặng đường rất đáng quý trong việc giáo dục nghệ thuật cho công chúng. Tiếc là những chương trình dạng này quá ít ỏi. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI