Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai: 'Tình yêu Tổ quốc không bao giờ có tuổi'

08/03/2015 - 06:19

PNO - PN - Với người sáng tác, cô đơn là tài sản đặc biệt, thứ tài sản vừa kích thích vừa thăng hoa trong sáng tạo.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương 981) tại thềm lục địa Việt Nam, dường như ngày nào nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cũng gọi điện thoại cho tôi. Khi ấy, được phát trên sóng phát thanh, được dàn dựng và biểu diễn trên một số kênh của đài Truyền hình Việt Nam; có ngày đài truyền hình phát sóng đến mấy lần. Mỗi khi nghe giọng nói, tôi cảm nhận niềm xúc động tràn dâng nơi chị.

Cách đây gần ba năm, đúng một tuần sau mười ngày tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ thành phố kết thúc chuyến công tác Trường Sa trở về, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai gọi điện. Tôi bất ngờ khi nghe chị cho biết là vừa hoàn chỉnh bài hát Khúc ca bài thơ sơn hà, phổ nhạc từ lời Bài thơ thần khắc trên vách đá của tôi vừa được in trên báo Tuổi Trẻ.

Càng bất ngờ hơn khi nghe chị nói: “Em giữ máy nghe chị hát nha…”, tôi chỉ kịp nói: “Chị tắt điện thoại, để em gọi lại”. Chị hát đi hát lại khúc hát. Trầm hùng. Thiết tha. Có đoạn chị hát trong niềm xúc động, nghẹn ngào: “…Câu thơ được kết bằng xương bằng máu, bằng hồn thiêng sông núi. Câu thơ cắm mốc chủ quyền… Đó là tiếng hát từ trái tim. Là tình yêu thẳm sâu đối với từng milimet thịt da Tổ quốc.

Tình yêu mãnh liệt nơi nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, có lẽ được nuôi dưỡng bởi tình yêu từ cha mẹ, tình thương anh chị em ruột thịt và bà con họ hàng, từ tình cảm thôn xóm làng quê. Từ hơn nửa thế kỷ, chị đã trải qua biết bao được mất từ cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, là một trong số những nghệ sĩ sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam (niên khóa 1961-1965) đã “bấm bụng” gửi con thơ lại miền Bắc, sẵn sàng đi B. Bởi, “Ai cũng thấu suốt từ tim óc hành động vì miền Nam là nhiệm vụ thiêng liêng, cần phải dốc sức” như trong Hồi ký Lật từng mảnh ghép (NXB Hội Nhà văn, 2014) chị viết.

Nhưng rồi mãi đến chín năm sau, năm 1974, Trương Tuyết Mai mới có mặt trong đoàn văn nghệ sĩ chi viện miền Nam, đem lời thơ, điệu múa, khúc ca, vở diễn phục vụ dân quân khu 4, khu 5 và chiến sĩ Trường Sơn trong chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Nhac si Truong Tuyet Mai: 'Tinh yeu To quoc khong bao gio co tuoi'
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai (phải) và nhà văn Bích Ngân
trong buổi giao lưu của văn nghệ sĩ hướng về biển đảo - Ảnh: Nhạc sĩ Quỳnh Lệ

Và, có lẽ cũng nhờ hành trình dọc dài đất nước trong lửa đạn chiến tranh mà “gia tài” âm nhạc của chị về người lính, về dân tộc, về Tổ quốc, về tình yêu... phong phú hơn, giàu có hơn. Chương trình Nửa thế kỷ âm nhạc Trương Tuyết Mai (được tổ chức tại Nhà hát Bến Thành vào đêm 19/4/2014) đã minh chứng sự phong phú. Song, chị đã phải đánh đổi và chịu nhiều thiệt thòi, mất mát: xa con, xa chồng… để rồi, sau này và cho mãi tới hôm nay, chị phải lặng lẽ song hành với sự cô đơn.

Người nghệ sĩ nơi Trương Tuyết Mai liên tục xoay trở và xê dịch. Nhiều lúc chị như thoát khỏi giới hạn của giai điệu, của thanh âm để đến với thơ, bộc bạch nỗi niềm, kiếm tìm tri âm… rồi quay lại với nhạc, cái nghiệp mà chị đam mê, theo đuổi trọn đời bằng thứ cảm xúc da diết hơn, đắm say hơn và tươi mới hơn.

Những câu thơ, những bài thơ được ra đời từ cảm xúc lúc kìm nén, khi vỡ òa của người đàn bà biết chưng cất nỗi cô đơn, mong muốn được cho và khát khao được nhận. Điều này không chỉ thể hiện rõ ở nhạc mà còn ở thơ Trương Tuyết Mai (chị đã có bốn tập thơ đến với người đọc: Một nửa cho anh, Lá vỡ, Nghe trăng, Gọi thầm), đặc biệt là ở cả trong những khúc hát mà chị phổ nhạc từ thơ của nhiều tác giả. Nhiều bài hát được công chúng yêu thích và có lẽ sẽ còn lại lâu dài cùng thời gian bởi được cộng hưởng và hòa quyện giữa cảm xúc của nhạc sĩ và cảm xúc nhà thơ.

Để có được những khúc ca có sức sống lâu bền với cảm hứng sáng tác từ những bài thơ, câu thơ hay ý thơ, trong hồi ký, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai viết, chị luôn nhớ đến thầy Lê Yên, người thầy đầu tiên chỉ dạy chị nghệ thuật phổ nhạc từ thơ. Chị viết: “Tôi luôn nhớ đến lời khuyên của thầy là: lời thơ và âm nhạc phải được phát triển, bổ sung cho nhau. Không để âm nhạc bị lời thơ chi phối”.

Sau Khúc ca bài thơ sơn hà, Trương Tuyết Mai sáng tác tiếp ca khúc Thơ mẹ từ đất liền, Thư tình lính nhà giàn (thơ Nguyễn Thị Thanh Long). Chị cũng đang dành nhiều thời gian và tâm trí sáng tác những bài hát về Biển Đông, về người dân bám biển, về người lính bảo vệ biển đảo.

Cách đây hơn một tuần, tôi gặp lại chị. Nhìn chị, nghe chị nói, tôi có cảm giác dường như chị đang “hồi xuân”. Chị tâm sự: “Tuy tôi đã bảy mươi tuổi rồi, nhưng tình yêu Tổ quốc, tình yêu dân tộc thì không bao giờ có tuổi. Quỹ thời gian phía trước không còn nhiều, nên tôi không cho phép mình dừng lại hay ngơi nghỉ”.

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai như đang trẻ lại trong niềm vui được tiếp tục góp phần cho cộng đồng, cho dân tộc bằng những khúc ca bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

BÍCH NGÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI