Số đông khán giả biết đến nhạc sĩ Trương Quý Hải với Hà Nội, mùa vắng những cơn mưa, Khoảnh khắc... nhưng Thư về với mẹ hay Về đây đồng đội ơi mới là ca khúc mà với ông, là cảm xúc được nhớ nhất.
“Thư về với mẹ, thấm máu đào bạn con vừa hy sinh”
Gương mặt có phần “cũ kỹ”, bụi bặm đúng chất lính tráng, nhạc sĩ Trương Quý Hải trầm tư nhớ về những ngày đã làm thay đổi nhân sinh quan của một chàng trai đất Hà Thành. Xuất phát từ chí tang bồng của tuổi trẻ, ông chọn thi vào Đại học Mỏ - Địa chất để có cơ hội sống và học tập trên đất Thái Nguyên, “thoát ly khỏi Hà Nội”. Nhưng năm đó (1982) trường lại chuyển về huyện Từ Liêm, gần nhà quá nên ông xin bảo lưu kết quả, chọn con đường quân ngũ.
|
Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát cho đồng đội - những người đã ngã xuống trong chiến tranh biên giới Việt - Trung. (Ảnh: Văn Duẩn) |
Ông lên đóng quân ở Lào Cai, bấy giờ vết tích chiến tranh từ năm 1979 vẫn còn hằn đậm ở nơi này. Khi Trung Quốc tiếp tục âm mưu “vẽ lại đường biên giới”, đơn vị ông được lệnh hành quân từ Lào Cai sang Hà Giang. Chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, có trận chỉ trong một đêm đã mất đi 600 đồng đội, 1.000 chiến sĩ bị thương. Mất mát ấy để lại trong ông những day dứt, buốt xót suốt mấy chục năm qua.
Những quầng đen trên đôi mắt ông càng hằn rõ, như muốn thu gói lại tất cả hồi ức đã trở đi trở lại. Ông nhớ như in trước khi vào trận đánh, những chiếc bút được phát đến tay chiến sĩ để các anh ghi tên tuổi, quê quán của mình lên áo; để lỡ không thoát khỏi mũi đạn thì người sống còn có dấu hiệu mà nhận. Nhưng các anh đã không ghi tên mình mà chuyền bút cho nhau để viết lên ngực áo lời tuyên thệ: “Quyết tử cho Tổ quốc”.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải nhận nhiệm vụ hỗ trợ chăm sóc thương binh. Ông bảo: “Ký ức thảm khốc về cuộc chiến trong tôi không phải ở việc giao tranh với giặc, mà tất cả đều là những hình ảnh về đồng đội. Anh Ninh ở đơn vị tôi bị thương mà vẫn tiếp tục chiến đấu. Đến lần bị thương thứ hai, anh em muốn đưa anh về nhưng anh quyết liệt trụ lại. Lần bị thương thứ tư thì anh Ninh hy sinh, tay ôm chặt súng còn nguyên dòng chữ trên báng “sống bám đá đánh giặc, chết hoá đá bất tử”. Có những đồng đội bị thương chằng chịt trên người, phải cưa tay chân mà nghiến răng chịu đau chứ không hề kêu rên”.
|
Những chiếc dép tìm được khi quy tập hài cốt liệt sĩ tại Hà Giang hôm nay. (Ảnh: Hoàng Anh) |
Giọng ông nghẹn lại: “Khi chúng tôi hành quân từ Lào Cai sang, thấy hai bên đường, bà con đứng ra vẫy chào và ném lên ôtô cho chúng tôi rất nhiều đồ ăn, ai cũng bảo “đi về nhé!”.
Nhưng mặt trận Vị Xuyên khi ấy quá khốc liệt, tuổi mới 21-22, ông đã phải chứng kiến những chàng trai trẻ măng như mình ngã xuống, nhiệm vụ của ông khi đó còn là công tác tử sĩ, chôn cất anh em. Một lần, ông tìm thông tin trên người đồng đội đã ngã xuống nhưng chẳng có gì ngoài một tờ giấy vốn là vỏ bao thuốc lá Sa Pa, màu mực xanh thấm nhoè cùng máu đỏ. Ba chữ “Mẹ kính yêu!” vừa đập vào mắt, ông đã thấy như có luồng điện chạy dọc sống lưng, rồi bất giác nhớ đến người mẹ của mình.
Đêm ấy, không giấy bút, không đàn, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã thay đồng đội “viết” tiếp lá thư còn dở dang. Thư về với mẹ– sáng tác đầu tay của ông cũng chính là trách nhiệm hoàn tất những dòng thư gửi đến bậc sinh thành thay cho người đồng đội vừa ngã xuống: “…Thư về với mẹ, còn đượm nồng khói đất chiến hào. Thư về với mẹ, thấm máu đào bạn con vừa hy sinh. Thư về với mẹ, lời nguyện thề vì đất nước trong lòng. Thư về với mẹ, non sông sạch bóng thù, con sẽ về mẹ ơi!...”.
Lời hội quân trên cao điểm 468
Khi ra quân, ông quay về học trường Đại học Mỏ - Địa chất, nhưng chính những ân tình, những tháng năm sống còn cùng đồng đội đã “đẩy” ông đến với âm nhạc. Bởi những ký ức, những ân tình đồng đội vẫn luôn khiến ông day dứt khôn nguôi. Và bởi ở Hà Giang, còn hàng nghìn anh em của ông đã nằm lại đó suốt mấy chục năm và chẳng thể đưa về - đạn pháo đã giết các anh quá nhiều lần khiến việc tìm hài cốt là không thể!
Chiến tranh biên giới kết thúc, các đơn vị giải thể, những cựu binh không còn đơn vị để về, cuộc sống thường ngày, cùng những tháng năm “lặng lẽ của cuộc chiến” từng khiến ông và những người lính còn sống tránh nói về quá khứ bi hùng ấy. Nhưng những day dứt thì chẳng có cách nào né tránh, nên những người lính biên giới như ông đã tự đi tìm nhau, kể cho nhau những kỷ niệm chiến đấu năm nào. Chỉ khi ấy, cái day dứt, cái cảm giác mắc nợ đồng đội mình đã ngã xuống mới ít nhiều vơi đi.
|
Những di vật tìm được trong quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ tại Hà Giang hôm nay (Ảnh: Hoàng Anh) |
Những người còn sống năm nào cũng hành hương về lại chiến trường Hà Giang để thăm lại đồng đội vẫn nằm sâu trong lòng đất mẹ, người sống kể với người chết về gia đình, công việc của mình hôm nay... Khi chẳng biết phải thắp nhang ở những đâu mới gặp mặt được hết anh em, các ông đã nảy ra ý dựng đài tưởng niệm trên cao điểm 468 để làm nơi an trú cho đồng đội.
Lại thêm một lần day dứt khi nhạc sĩ Trương Quý Hải không thể có mặt khi làm lễ 100 ngày đài hương – 100 ngày cho anh linh đồng đội. Trong day dứt ấy, từ sâu tâm trí ông đã vang lên những ca từ đầu tiên của bài hát Về đây đồng đội ơi: “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận”. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in cái đêm ca khúc ấy ra đời, khi câu mở đầu ấy kết thúc, còn đang loay hoay chưa biết câu tiếp theo thế nào thì bỗng dưng trong đầu ông như có người đang khe khẽ hát những câu nối tiếp. Ông bảo đó không phải là sáng tác của mình, mà là những lời hội quân đồng đội mình gửi về từ bên kia thế giới.
Lần đầu tiên, khi nhạc sĩ Trương Quý Hải ôm đàn trước cao điểm 468 và hát: “Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào. Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình. Quân dân nồng ấm nghĩa tình. Hãy về đồng đội ơi! Người lính chiến mãi đôi mươi. Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hoà. Biên cương hình bóng quê nhà…”; khi lời hội quân vừa dứt, Vị Xuyên đã đổ mưa trắng trời.
Chiến tranh qua đi, những người lính ngã xuống có thể đã mỉm cười trong lòng đất mẹ, cỏ xanh, nhưng ám ảnh, day dứt của người sống sót trở về thì giỗ trận năm nào cũng trào lên cùng nước mắt. Nhạc sĩ Trương Quý Hải tâm sự, nếu ngày đó ông không vào quân đội, không tham chiến thì chính ông cũng không biết mình sẽ ra sao; liệu có trở thành nhạc sĩ, hay trở thành Trương Quý Hải ngày hôm nay hay không. Ông bảo, hy sinh của đồng đội mình không chỉ cho ông có được cuộc sống hoà bình, mà hơn tất cả, ông đã chọn được lẽ sống để không phải hổ thẹn với xương máu của những người nằm xuống.
Uông Thượng