Nhạc sĩ Trọng Bằng và nhạc sĩ Phú Ân qua đời

21/11/2022 - 17:17

PNO - NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng mất vào sáng 21/11. Nhạc sĩ Phú Ân qua đời trước đó 2 ngày, vào ngày 19/11.

NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng qua đời sáng 21/11
NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng qua đời vào sáng 21/11

NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng qua đời tại nhà riêng vào sáng 21/11, hưởng thọ 91 tuổi. Thông tin chi tiết về tang lễ của cố nhạc sĩ sẽ được Hội Nhạc sĩ Việt Nam thông báo trong thời gian sớm nhất. 

NSND Trọng Bằng sinh năm 1931 tại Cao Bằng nhưng quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc khi còn là học sinh trung học. Ông từng là đội trưởng Đội Ca nhạc Đoàn văn công nhân dân Trung ương, tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. 

Ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bằng đỏ tại Nhạc viện Tchaikovsky Matxcơva (Liên Xô cũ), vào năm 1963. Sau đó, ông về làm giảng viên tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông cũng đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam. Sau đó, ông được tiến cử làm phó giám đốc của nhà hát kiêm chỉ đạo nghệ thuật (1975). 

Ông làm phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội kiêm giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, từ 1978 đến năm 1984. Sau đó, ông là giám đốc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), đến năm 1996.

Về chuyên môn âm nhạc, ông là nhạc trưởng đầu tiên điều khiển các buổi hòa nhạc chuyên nghiệp tại TPHCM, sau ngày đất nước giải phóng. Năm 1985, trong đợt diễn ra sự kiện Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô, ông từng chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng Matxcơva và Tasken. Năm 1995, ông chỉ huy dàn nhạc Electone ở Tokyo, Nhật Bản... Ông từng chỉ huy dàn nhạc để biểu diễn cùng các nghệ sĩ danh tiếng đến từ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Úc, Mỹ, Nhật Bản... 

Khi tuổi già, ông vẫn gắn bó với âm nhạc
Ở tuổi già, nhạc sĩ Trọng Bằng vẫn gắn bó với âm nhạc

Ông là tác giả nhiều ca khúc cách mạng, nêu cao tinh thần yêu quê hương, đất nước: Ta hát về Sài GònTình quê hương, Nhịp máy khoan, Quê hương vang lên tiếng hát tự hàoNhững dũng sĩ Núi Thành, Vang mãi bản tình ca... Ông cũng có nhiều tác phẩm khí nhạc nổi tiếng như: Chào mừng (1986), Người về đem tới ngày vui (1990), Chào thiên niên kỷ mới (2000), Mùa xuân trên quê hương đổi mới (2002), Trường ca Tây Bắc (2004). Trong đó, có nhiều tác phẩm được biểu diễn tại nước ngoài, với sự chỉ huy của các nhạc trưởng đến từ Nhật Bản, Anh, Đan Mạch, Na Uy, Thái Lan, Singapore.

Ông đã được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Hôm 19/11, nhạc sĩ Phú Ân cũng rời cõi tạm do tuổi già sức yếu, thọ 82 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà tang lễ thành phố, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 25/11. Lễ truy điệu diễn ra lúc 8g cùng ngày. Cố nhạc sĩ được an táng tại công viên tưởng niệm Thiên Đức, Phú Thọ.

Nhạc sĩ Phú Ân
Nhạc sĩ Phú Ân

Nhạc sĩ Phú Ân sinh năm 1940, là anh trai nhạc sĩ Phú Quang. Ông theo học khóa đầu tiên của Trường Quốc gia Âm nhạc Việt Nam (sau này là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Từ năm 1959, ông công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, chơi kèn tuba.

Ông là tác giả của nhiều ca khúc như: Bài ca Hồ Chí MinhEm là sông Thương, Dòng sông bên lở bên bồi, Muôn thuở ta tìm em, Vầng trăng lặng lẽ, Em gái Đồng Đăng

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI