Tôi biết nhạc sĩ Trí Nguyễn từ năm 2014, khi album Consonnances (Hòa điệu) của anh được giới thiệu khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Thời điểm đó, nhiều tờ báo nhắc đến anh vì sau bao nhiêu năm sống ở Pháp, anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Còn điều tôi ấn tượng về Trí là cách nói chuyện đậm chất miền Nam, không cầu kỳ, kiểu cách và một khi đã là bạn thì nói rút ruột, chân thành. Thật mừng vì sau nhiều năm không gặp, với không ít biến động trong đời sống, Trí vẫn như vậy, thẳng thắn, chân thành. Cái sự thẳng của Trí bắt nguồn từ tình yêu quá đỗi mãnh liệt với đàn tranh. Có lẽ vậy nên ai không quen sẽ lấy làm khó chịu.
|
Nhạc sĩ Trí Nguyễn trong 1 buổi trình diễn |
Bởi Trí sinh ra trong 1 gia đình quý tộc xưa, tôi không quá ngạc nhiên khi anh tinh thông “cầm kỳ thi họa”. Tranh Trí vẽ cũng tao nhã như tiếng đàn của anh. Cờ và thi ca thì tôi chưa có dịp thưởng thức nhưng có lẽ tinh lực của Trí giờ đây đều dành hết cho đàn tranh.
Là nghệ sĩ hiếm hoi lĩnh hội được những kỹ thuật biểu diễn của cả piano và đàn tranh nhưng Trí chưa bao giờ có ý định "bắt" đàn tranh phải "gồng mình" theo nhạc cổ điển hay những nhạc phẩm chuyển soạn. Nhiều năm nay, anh vẫn chọn lối ký âm theo kiểu cổ. Cây đàn tranh gắn bó với anh như một người bạn tâm giao. Trí nói, khi giãi bày tâm tư với 16 dây đàn (còn gọi là đàn thập lục) thì dù có tha hương ly xứ, anh vẫn luôn tìm được sự đồng cảm và thấu hiểu.
Tháng Tám năm nay, Trí Nguyễn kết hợp cùng Naxos - một trong những hãng đĩa hàng đầu thế giới dành cho nhạc cổ điển - và World Music, phát hành toàn cầu album Duos Alone (Song tấu - Đơn độc). Duos Alone đánh dấu lần đầu nhạc sĩ “đơn độc” trong album mới khi chơi cùng lúc cả đàn tranh và piano, nhờ vào những kỹ thuật hiện đại. Album này cũng vừa được đề cử giải Grammy.
|
Cây đàn tranh gắn bó với Trí Nguyễn như một người bạn tâm giao |
Một phần nhạc trong album trên được Trí viết trong suốt giai đoạn dịch bùng phát trên toàn cầu. Phần còn lại được anh viết dành tặng má sau khi bà qua đời vào năm 2022. Anh tâm sự: “Tôi có diễm phúc được về thăm má 2 tuần trước khi má mất. Thời điểm đỉnh dịch, phong tỏa toàn cầu và không chỉ phong tỏa 1 lần, tôi ở trong nhà suốt 2 tháng. Điều làm tôi lo âu, buồn rầu nhất là không về Việt Nam thăm má được. Tôi cứ lo, lỡ má có chuyện gì thì làm sao về được. Đó cũng là thời gian tôi có những ý tưởng hay cho các sáng tác của mình. Sau khi má mất, tôi sáng tác thêm 5 bài để gửi gắm thương yêu, buồn vui dành tặng má. Việc phát hành album vào tháng Tám năm nay là niềm an ủi lớn cho tôi. Tôi hy vọng những tình cảm gói ghém trong album sẽ góp phần lan tỏa và xoa dịu những trái tim từng mất mát”.
|
Nhiều năm nay, nhạc sĩ Trí Nguyễn đặt ra cho bản thân sứ mệnh giới thiệu đàn tranh Việt ra thế giới |
Nhiều người Việt quên mất cách chơi đàn tranh Việt Nam
Phóng viên: Tiêu đề “Song tấu - Đơn độc” nghe như một ẩn ý. Trên hành trình mang âm nhạc dân tộc Việt Nam đến gần hơn với người nghe toàn cầu, có lúc nào anh cảm thấy đơn độc?
Nhạc sĩ Trí Nguyễn: Nhiều lần như vậy lắm chứ. Nhất là khi tôi chứng kiến các nghệ sĩ hiện nay đang dần “giết” chết những cái thâm thúy, tinh tế, ý nhị và tuyệt diệu của âm nhạc dân tộc mình, cụ thể là với đàn tranh. Có những lúc tôi thấy mình quá nhỏ bé và nỗ lực của mình chẳng để làm gì. Nhưng rồi, nghĩ đến quê hương, nhớ đến các đồng nghiệp quốc tế đã luôn cổ vũ và khuyến khích mình, nghĩ đến khán giả từ 159 quốc gia trên thế giới (theo thống kê của Spotify) đang nghe nhạc của mình, buồn tủi đó được an ủi, xoa dịu phần nào. Chỉ cần có người nghe, tôi sẽ không ngừng phấn đấu cho âm nhạc dân tộc Việt Nam, cho cây đàn tranh và tôi sẽ theo đuổi khát vọng này cho đến khi nằm xuống.
|
Lớp học chuyên sâu về âm nhạc tại Ý |
* Những cái thâm thúy, tuyệt diệu trong đàn tranh mất đi là do đâu?
- Các bạn chơi đàn tranh bây giờ bắt chước cách chơi của người Trung Quốc. Họ thậm chí còn không học đàn tranh Việt mà học theo cách chơi Guzheng - đàn tranh Trung Quốc. Cần thừa nhận, đàn tranh Việt Nam có xuất xứ từ cây Guzheng này khi du nhập vào Việt Nam từ thời Nhà Trần. Tuy nhiên, sau hơn 1.000 năm, Việt Nam đã có những trường phái âm nhạc riêng, cách nhấn nhá, luyến láy đàn tranh riêng, cách lên dây riêng, hoàn toàn của người Việt. Nếu so sánh cách chơi các loại đàn trong “gia đình” đàn tranh như Guzheng (Trung Quốc), Koto (Nhật Bản), Yatga (Mông Cổ), Gayageum (Hàn Quốc) thì cách nhấn nhá và kỹ thuật tay trái của cây đàn tranh Việt Nam là điêu luyện, khó và uyển chuyển nhất.
* Có thể hiểu là đàn tranh Trung Quốc đang che mờ đàn tranh Việt Nam?
- Tôi cho rằng không phải nhạc cụ hay âm nhạc Trung Quốc che mờ âm nhạc dân tộc Việt Nam mà chính người Việt Nam đang quên đi âm nhạc của nước mình, của dân tộc mình. Năm trước, trong chuyến đi Cần Thơ, tôi may mắn được gặp các thầy đàn xưa. Các thầy cũng bùi ngùi và trăn trở khi chứng kiến kỹ thuật chơi đàn tranh Việt Nam đang dần bị mai một. Tôi hy vọng vẫn còn nhiều thầy đàn chơi đàn tranh xưa mà tôi chưa có diễm phúc được biết.
* Anh nghĩ như thế nào trước các mô hình thể nghiệm âm nhạc dân tộc hiện nay?
- Từ những gì nghe được, tôi cho rằng có khá nhiều thể nghiệm không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Lý do vì tây - ta lẫn lộn, nhiều bản phối xài nhạc điện tử quá nhiều mà cách soạn nhạc thì không chỉnh tề. Muốn khai thác nhạc dân tộc, trước hết phải biết sâu sắc nhạc dân tộc, am hiểu các loại nhạc khác và bớt xài nhạc điện tử. Nhạc điện tử có sắc thái âm thanh riêng, nghĩa là những âm thanh mà các nhạc cụ mộc không có. Do đó, nó thích hợp dùng cho những dòng nhạc đặc trưng, phù hợp với biểu trưng âm thanh đó. Còn nếu lấy nhạc điện tử để “bắt chước” một nhạc cụ nào đó thì không còn giá trị.
Có thể so sánh như sau: nhạc cụ thiệt là vàng 24K còn nhạc điện tử - bắt chước nhạc cụ - là vàng mạ. Quan điểm của tôi trong âm nhạc chính là hòa hợp nhưng không nên hòa tan. Nếu thế hệ tiếp theo không có cách nào lan tỏa và chỉnh đốn cách chơi hiện tại, những ngón đàn thuần túy Việt Nam rồi sẽ rơi vào quên lãng.
* Đây có phải là lý do khiến anh luôn muốn giới thiệu đàn tranh Việt ra thế giới?
- Quả là như vậy. Thật buồn khi nhắc đến đàn tranh của các nước châu Á khác như Trung, Hàn hay Nhật…, người phương Tây thường dùng tên bản xứ để gọi. Trái lại, cây đàn tranh Việt Nam được gọi bằng cụm từ “Vietnamese Zither”. Thậm chí, khi tôi chơi đàn tranh Việt Nam, nhiều người thường nhầm lẫn với những loại đàn kia. Điều đó khiến tôi suy ngẫm nhiều. Cho nên, sẵn có nền tảng kiến thức âm nhạc phương Đông, tôi đặt cho mình sứ mệnh quảng bá cây đàn tranh Việt Nam theo cách của mình.
Kết hợp Đông - Tây, 2 dòng nhạc cụ là cách khả thi nhất. Trong album đầu tay, tôi đã yêu cầu các nhà sản xuất quốc tế ghi từ “Dan Tranh” để thế giới chú ý hơn và quen dần với 2 chữ này. Tôi hạnh phúc khi những nỗ lực không ngừng của mình giúp cây đàn tranh Việt Nam có thêm chút tiếng tăm và chỗ đứng trên thị trường âm nhạc thế giới.
Muốn vững bản sắc, cần vững kiến thức nền
* Anh thường trở về Việt Nam và đó là những chuyến đi dài ngày. Những chuyến đi đó và những lần trở về có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
- Những lần trở về luôn đầy hạnh phúc. Là những món ăn ngon hiện diện khắp nơi: ngoài lề đường, ở chợ hay xe đẩy… Là tiếng người, tiếng xe máy quen thuộc. Đôi khi, tôi thích đi lang thang đó đây quanh phố xá để được nghe thanh âm từ tiếng Việt thân thương chứ không hẳn quan tâm đến câu chuyện người ta đang nói. Cũng có những lúc, tôi bỡ ngỡ đôi chút vì phép lịch sự ở Việt Nam hơi khác so với châu Âu. Thế nhưng Việt Nam luôn thân thuộc, gần gũi và khiến tôi muốn trở về.
|
Cùng học trò trường quốc tế Canada |
* Không ít nghệ sĩ hay những nhân vật tài năng khác của Việt Nam từng thành danh đã chọn Việt Nam để trở về. Anh có dự định về hẳn Việt Nam sau nhiều năm bôn ba?
- Tôi đặt ra cho mình “nhiệm vụ” thiêng liêng là quảng bá một cách chỉnh tề âm nhạc dân tộc Việt Nam và cây đàn tranh Việt Nam ra thế giới. Có lẽ ông trời nhìn thấy được tôi đã mang hết khả năng và tâm huyết, tâm hồn vào chuyện mình làm nên phù hộ cho tôi được khán thính giả thế giới ưa chuộng, đồng nghiệp thương yêu và kính trọng.
Tuy nhiên, để làm tốt nhiệm vụ này, tôi cần những điều kiện tối ưu nhất. Các cộng sự phải là những người am hiểu cặn kẽ lĩnh vực của họ, từ kỹ sư âm thanh đến nhạc sĩ, người chụp ảnh, thiết kế, quay, dựng phim… Tiếc là hiện nay, nếu xét riêng về mặt kỹ thuật thì Việt Nam vẫn chưa có kỹ sư âm thanh nào đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là với nhạc cụ mộc.
Việt Nam hiện có nhiều phòng thu âm lớn, nhiều thiết bị tối tân, hoàn hảo không kém nước ngoài nhưng kỹ sư âm thanh ở các khâu thu âm, ráp nhạc, mixing và mastering (phối nhạc) còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Quan trọng hơn là họ không am hiểu sâu xa về nhạc. Về mặt nhạc công, không hiếm bạn có khiếu và tài năng nhưng các bạn cần có kiến thức nền tảng âm nhạc vững chắc hơn. Muốn biến tấu cái gì, trước tiên, cái cơ bản phải vững.
|
|
Trong album Winds of home (Làn gió quê nhà) ra mắt năm 2020, tôi dự định album đó hoàn toàn do người Việt mình chơi nhạc nên chọn 4 nhạc sĩ thu âm bên Việt Nam. 2 bạn khi thu, tôi về Việt Nam để “kiềm”. 2 bạn còn lại thu âm khi tôi trở lại Pháp. Kết quả là khi gửi file nhạc qua Pháp để ráp với phần đàn tranh tôi thu bên đó thì 2 bạn thu sau mất thêm 3 ngày chỉnh sửa lại. Trong quá trình ráp, tôi và kỹ sư âm thanh người Pháp thực sự đau đầu để làm sao có thể ăn khớp với nhau. Một ví dụ nhỏ, tuy mất lòng nhưng tôi muốn chia sẻ để những ai yêu nhạc và muốn theo con đường này cần nghiêm túc suy nghĩ.
* Theo anh, làm thế nào để các loại hình âm nhạc dân tộc, cụ thể là những loại nhạc sử dụng khí cụ truyền thống của Việt Nam trở nên phổ biến hơn trên thế giới?
- Phải có chất, phải hiểu âm nhạc, phải có tâm, phải có hồn và phải có cách. Tức là chơi thôi chưa đủ, cần biết cách quảng bá, chia sẻ cho người nghe quốc tế hiểu được mình làm gì, chơi gì, vì sao chơi như vậy. Còn với cách hiện nay, lâu lâu có vài phái đoàn kèn trống hoa hòe làm 1-2 buổi nhạc múa quạt múa chén, tôi e người ta nghe xong
sẽ quên.
Có chất và am hiểu âm nhạc ở đây chính là bản sắc phải vững. Muốn vậy, cần có kiến thức. Như tôi vừa chia sẻ, kiến thức nền tảng vô cùng quan trọng. Khi đã có cái nền thật vững, người chơi nhạc có thể thỏa sức biến tấu vì đã thông thạo, am hiểu cũng như làm chủ cuộc chơi. Giống như tại châu Âu, khi vào trường, người học phải học vững các trường phái cổ điển trước, sau đó muốn chọn jazz, pop hay nhạc đương đại… theo sở thích thì cứ chọn.
Muốn người nước ngoài nghe, hiểu và thích âm nhạc Việt Nam, trước hết, các nghệ sĩ chơi đàn, nhạc Việt phải hiểu được âm nhạc của mình, cắt nghĩa nó một cách tường tận. Bên cạnh đó, là hiểu âm nhạc của nước bạn. Có vậy, mới hòa điệu một cách tự do và thoải mái được.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Năm 2014, Consonnances (Hòa điệu) - album đầu tiên của nhạc sĩ Trí Nguyễn kết hợp giữa đàn tranh Việt Nam và tứ tấu đàn dây phương Tây - phát hành toàn cầu. Tiếng đàn phong nhã, man mác của Trí Nguyễn nhận được sự tán thưởng nhiệt tình từ người nghe và giới phê bình. Năm 2015, Consonnances giành được giải Vàng tại Global Music Awards (GMA - Giải thưởng Âm nhạc thế giới). Các sản phẩm âm nhạc tiếp theo của Trí Nguyễn như: A Journey Between Worlds (Du ngoạn nhân gian, 2016), Beyond Borders (Vượt qua mọi biên giới, 2017) và Winf of Home (Làn gió quê nhà, 2020) lần lượt kết hợp đàn tranh với các loại nhạc cụ khác. Mặc dù có tương tác với các nhạc cụ quốc tế nhưng Trí Nguyễn luôn dành cho đàn tranh vai trò lãnh xướng. Album Beyond Borders (Vượt qua mọi biên giới, 2017) đạt giải Vàng GMA vào năm 2017. Riêng tác phẩm Walking (Dạo bước) do anh và Graeme Drum - nhà sản xuất âm nhạc và chuyên gia bộ gõ người Canada sáng tác - đã giành chiến thắng ở hạng mục World Beat Song (Ca khúc có sự pha trộn/phối hợp âm nhạc dân gian và nhạc hiện đại), Independent Music Awards (Giải thưởng âm nhạc độc lập) 2020. |
Hoàng Linh Lan (thực hiện)
Ảnh do nhân vật cung cấp