Nhạc sĩ Trần Tiến: “Nhiều người “truy” tôi, lá diêu bông là lá gì?”

20/02/2022 - 19:30

PNO - Khi chia sẻ về ca khúc “Sao em nỡ vội lấy chồng”, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, đến nay, nhiều người vẫn “truy” ông về chi tiết lá diêu bông. Ông bảo: “Sống mà không mộng mơ thì làm sao vui?”.

Tại buổi giao lưu, ra mắt sách Hoàng Cầm về kinh bắc nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi sĩ Hoàng Cầm (1962 - 2022), nhạc sĩ Trần Tiến có nhiều chia sẻ bất ngờ, hóm hỉnh về ca khúc Sao em nỡ vội lấy chồng - ca khúc lấy hình ảnh lá diêu bông - chi tiết xuất hiện trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Hoàng Cầm.

Nhạc sĩ Trần Tiến tại buổi ra mắt sách Hoàng Cầm về kinh bắc.
Nhạc sĩ Trần Tiến tại buổi ra mắt sách Hoàng Cầm về kinh bắc

Nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, ông không rõ lý do vì sao thơ Hoàng Cầm được bạn bè, đồng nghiệp và nhiều người nổi tiếng yêu thích. "Có lẽ, họ thích vì thơ hay, bởi ngay với chính tôi, có nhiều bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm mà tôi cứ nhớ mãi, trong đó có bài Lá diêu bông", nhạc sĩ Trần Tiến nói. Sau này, ông có đưa vào ca khúc Sao em nỡ vội lấy chồng hình ảnh lá diêu bông. Dù không sử dụng thêm ý thơ nào khác, chỉ nhắc đến hình ảnh này, nhưng đây là chi tiết ấn tượng, khán giả sẽ nhận ra ngay nên Trần Tiến viết tên thi sĩ Hoàng Cầm vào phần lời nhạc, xem như có đóng góp.

Về sau, khi nhà thơ Hoàng Cầm biết được, ông không đồng tình vì cho rằng mình không đóng góp được gì nhiều. Theo tiết lộ của nhà thơ Hoàng Hưng tại buổi giao lưu, trong cuốn tự truyện mà chưa biết thời gian nào sẽ xuất bản của Hoàng Cầm, nhà thơ có dành 2 trang nói về nhạc sĩ Trần Tiến và ca khúc Sao em nỡ vội lấy chồng. Nhà thơ Hoàng Cầm vẫn cảm thấy áy náy, hay đúng hơn là thiệt thòi cho nhạc sĩ Trần Tiến.

Nhạc sĩ Trần Tiến, nhà thơ
Nhạc sĩ Trần Tiến, nhà thơ Hoàng Hưng và Bùi Lê Chi chia sẻ nhiều thông tin thú vị về dự án kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm

Ngoài chi tiết sử dụng hình ảnh lá diêu bông, bài Sao em nỡ vội lấy chồng được nhạc sĩ Trần Tiến viết trong đợt vận động sáng tác các ca khúc phục vụ tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình. Nhạc sĩ Trần Tiến thời điểm đó gặp nhiều khó khăn, ông có ý tứ, có giai điệu ban đầu nhưng chúng không trọn vẹn để bật ra thành ca khúc hoàn chỉnh.

"Trong một lần nhậu, bạn tôi ngân lên câu thơ: "Bướm vàng đậu trái mù u/Lấy chồng càng sớm, lời ru càng buồn". Tôi nghe và tỉnh cả người. Trên chuyến xe về nhà, giai điệu ca khúc và lời nhạc cứ ngân vang lên dần dần nhưng vẫn chưa hoàn thiện", nhạc sĩ chia sẻ.

Sau đó, ca khúc được phát triển thêm khi nhạc sĩ Trần Tiến nhớ về người phụ nữ mà chú ruột muốn ông kết hôn. Nhưng đến đây, ca khúc vẫn chưa thể hoàn thiện, nam nhạc sĩ nhớ lại cô cháu gái xấu số qua đời năm 16 tuổi của mình. Bướm vàng là hình ảnh ông liên tưởng về cô cháu gái xinh đẹp nhưng vắn số.

Nhóm Du Ca
Nhóm Du Ca thể hiện ca khúc Lá diêu bông do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc

Kể thêm về chi tiết lá diêu bông - hình ảnh không có thật - nhạc sĩ Trần Tiến cho biết nhiều người về sau cứ hễ gặp ông là thi nhau hỏi: "Lá diêu bông là lá gì?". Có nhiều liên tưởng và ví von hóm hỉnh nhưng nhạc sĩ Trần Tiến không khẳng định cũng không phủ nhận, ông để mọi người tự có câu trả lời riêng theo sự mộng mơ và cách sống của bản thân bởi nếu đời không mơ, đời nào có đáng sống.

Trong buổi chia sẻ, nhạc sĩ Trần Tiến nhiều lần ngừng lại để uống nước. Ông xin khán giả 2 điều, một là cho ông được đứng để chia sẻ, hai là có đôi lúc cho phép ông được ngừng nói để uống thuốc vì ông mắc ung thư giai đoạn 4, chốc lát phải tiếp nước vào cơ thể. 

Nhạc sĩ Trần Tiến mắc ung thư vòm họng. Sau khi phát hiện bệnh, ông hạn chế xuất hiện tại các sự kiện. Thời gian gần đây, nhạc sĩ Trần Tiến khỏe hơn, ông nhận lời mời xuất hiện tại một số chương trình, sự kiện. Nhạc sĩ hạn chế nói về bệnh tật trước truyền thông, ông luôn lạc quan và vẫn hát ca khi có thể.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI