Nhạc sĩ Tiến Luân: Tiễn biệt nhạc sĩ Tô Thanh Tùng

21/07/2017 - 06:54

PNO - Trước ngày mất hai tuần, anh gọi điện cho tôi, nói về kinh Phật, dù anh là người Công giáo. Thật lạ, anh xin số nhạc sĩ Trần Quang Lộc để hỏi thăm sức khỏe vì biết ông cũng bệnh giống như mình.

So với nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, tôi chỉ là đàn em thế hệ tiếp nối - kính tài anh mà đâu dám vói cao, nên những ngày tháng được gần gũi bên anh, làm việc cùng anh đã là một duyên may.

Tôi được biết anh khi còn là nhạc công trong ban nhạc Quốc Dũng (cũng là thầy của tôi). Mỗi khi sáng tác được bài mới, anh thường đến tìm chúng tôi nhờ hòa âm. Gặp anh, tôi chỉ dám “kính lão đắc thọ”; nhưng anh lại khác. Cái chất phác, xuề xòa kiểu người miền Tây Nam bộ của anh cho phép anh gần gũi với mọi người, kể cả với đám hậu bối như chúng tôi.

Nhac si Tien Luan: Tien biet  nhac si To Thanh Tung
 

Thập niên 1990, chị Bảo Yến đang rất nổi tiếng nên hầu hết các tác phẩm của Tô Thanh Tùng, qua phần hòa âm của Quốc Dũng và tiếng hát Bảo Yến đều rất thành công, như bài Tình cây và đất, Tiễn biệt… Tất nhiên, để có được thành công ấy vẫn là tài năng của anh, ẩn trong những ca từ mộc mạc, chân tình và kiểu phát triển khúc thức giản dị, gần gũi để hầu như ai cũng có thể hát theo được.

Với sự phóng khoáng và hào sảng của người miền Tây, anh chẳng bao giờ quan tâm chuyện tiền bạc, miễn sao tác phẩm hay, khiến anh ưng ý. Tôi còn nhớ lần anh muốn mời ca sĩ Nhật Trường thể hiện ca khúc của mình, nhiều người can vì mức cát-sê phải trả cho Nhật Trường khi ấy rất cao; anh gạt đi, bảo phải đúng Nhật Trường hát mới ra được cái chất anh muốn ở tác phẩm và phải Nhật Trường hát thì ca khúc mới mong đến được với công chúng tốt nhất.

Anh là vậy, tính nghệ thuật của tác phẩm và khả năng tiếp cận công chúng quan trọng hơn mọi thứ khác. Cũng vì sự phóng khoáng ấy mà mỗi khi thu âm xong một tác phẩm, anh thường mời cả nhóm nhạc công chúng tôi đi ăn như một cách cảm ơn chứ không chỉ trả tiền thuê nhạc công rồi thôi. Cũng nhờ những buổi đi ăn như thế, tôi trở nên thân thiết với anh, được anh xem như em út.

Nhac si Tien Luan: Tien biet  nhac si To Thanh Tung
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng bên con cháu

Thời gian trôi, ban nhạc Quốc Dũng không còn hoạt động, tôi chuyển sang lĩnh vực sáng tác nên ít có dịp gặp anh. Dù đã về sinh sống ở Bình Dương, mỗi khi xuống Sài Gòn, anh vẫn không quên từng người bạn cũ. Anh em chúng tôi hò hẹn hàn huyên ở đường Võ Văn Tần - cái quán nhỏ dừng chân của giới nhạc sĩ “dòng nhạc bình dân”.

Thỉnh thoảng, anh vẫn nhờ tôi chép nhạc. Sau, anh bệnh, cuộc sống khó khăn và đi lại cũng không thuận tiện; anh chỉ còn liên lạc với tôi qua điện thoại để hỏi thăm về tình hình văn nghệ. Anh vẫn luôn dành sự quan tâm đến từng diễn biến của sân khấu ca nhạc, biết cả những gương mặt ca sĩ mới nổi. Anh còn dặn tôi nếu có gameshow nào hay thì rủ anh cùng tham gia.

Lần gặp anh sau cùng là dịp gần tết Bính Thân 2017, trong chương trình Nghệ sĩ tri âm lần 3 do NSND Kim Cương tổ chức tại Nhà hát Thành phố. Lúc này anh đã rất yếu. Tôi gần như chẳng thể nhận ra anh nữa vì tóc anh đã rụng hết (hệ quả của những đợt điều trị ung thư) và cả bộ ria mép thương hiệu Tô Thanh Tùng cũng không còn. Trước ngày mất hai tuần, anh gọi điện cho tôi, nói về kinh Phật, dù anh là người Công giáo. Thật lạ, anh xin số nhạc sĩ Trần Quang Lộc để hỏi thăm sức khỏe vì biết ông cũng bệnh giống như mình.

Nhac si Tien Luan: Tien biet  nhac si To Thanh Tung
Ca sĩ Thu Vân - người vợ đầu tiên của ông- và bản viết ca khúc Giã từ

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã sống rất chân thật, hào sảng, chung tình với người chung quanh. Từ ngày được biết anh đến khi anh từ giã cõi đời, tôi chưa từng nghe bất kỳ lời than phiền hay chê trách nào của bất kỳ ai dành cho anh. Giờ anh đã về chốn vĩnh hằng, nhưng tác phẩm sẽ ở lại trong công chúng. Những kỷ niệm về anh cũng ở lại với chúng tôi, để nhớ một người anh đáng quý. 

 Nhạc sĩ Tiến Luân

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã trút hơi thở cuối cùng lúc 8g45 ngày 19/7 tại Bệnh viện Sa Đéc (Đồng Tháp) sau hai năm chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt, hưởng thọ 74 tuổi. Ông ra đi khi chưa kịp dự đêm nhạc do các nghệ sĩ TP.HCM thực hiện nhằm quyên góp kinh phí giúp ông chữa bệnh, cũng để ông có dịp gặp lại khán giả đã yêu thương ông trong suốt nửa thế kỷ sáng tác.

Tác phẩm Tô Thanh Tùng luôn thấm đẫm tình quê hương, tình yêu đôi lứa. Những ca khúc như Hồng Ngự mang tên em, Giã từ, Xót xa, Sao em nỡ đành quên… đã được nhiều lứa nghệ sĩ thể hiện và đều rất thành công. Những ngày cuối đời, chiêm nghiệm về cuộc sống, ông còn viết thêm tác phẩm Vô thường, Thiên thu (Cuối cùng rồi cũng phải ra đi) với những cảm xúc của người biết rằng mình sẽ lìa xa cõi thế.

Hôm nay, 21/7, ông sẽ được an táng tại Sa Đéc, bên cạnh mối tình đầu Thu Vân - người đã sinh cho ông ba cô con gái.

Thành Nhân


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI