Nhạc sĩ Thuận Yến đã "chia tay hoàng hôn"

26/05/2014 - 16:18

PNO - PN - Tác giả của nhiều bản tình ca, người được cho là đã viết nhiều ca khúc về Bác Hồ hay nhất - nhạc sĩ (NS) Thuận Yến, đã giã từ nhân gian trong một trưa hè ở Hà Nội.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhiều người nói, ông đã “chia tay hoàng hôn” trong hạnh phúc, khi để lại một gia tài những bài ca tràn đầy tình yêu và hai người con thành danh trong âm nhạc. Hơn thế, ông đã sống những phút giây cuối cùng trong sự yêu thương của đại gia đình, bè bạn.

Theo NS An Thuyên, NS Thuận Yến là một gương mặt xuất sắc của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Những bài ca Mỗi bước ta đi, Người mẹ miền Nam tay không thắng Mỹ, Màu hoa đỏ và cả Chia tay hoàng hôn... đều được viết ra dưới bom đạn kẻ thù, với tư cách là một người chiến sĩ nhưng vẫn tràn đầy tình yêu, khiến người nghe thật sự rung động.

Người trực tiếp biên tập để phát sóng những ca khúc “nóng hổi” của NS Thuận Yến đưa lên sóng phát thanh trong những năm tháng chiến tranh - NS Phạm Tuyên, chia sẻ: “Khi phát sóng bài hát Mỗi bước ta đi, tất cả chúng tôi đều lặng người xúc động, tất cả đều cảm thấy như mình đang được đi trong đoàn quân ấy, đang góp phần giải phóng quê hương”.

NS Thuận Yến đã ghi danh mình vào lịch sử âm nhạc Việt Nam ở cả ba mảng: ca khúc cách mạng, viết về Bác Hồ và tình ca. Có thể nói, ông là người viết về Hồ Chủ tịch nhiều nhất, trong đó có những ca khúc đặc biệt nổi tiếng và được yêu thích như Bác Hồ một tình yêu bao la, Miền Trung nhớ Bác, Vầng trăng Ba Đình. Cũng chính ông là tác giả của những bản tình ca vào loại hay nhất Việt Nam như Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời... Và đặc biệt hơn, sau này chính con gái ông lại là người thể hiện thành công nhất những ca khúc ấy.

Nhac si Thuan Yen da

Nhạc sĩ Thuận Yến và con gái - ca sĩ Thanh Lam

Cả hai người con của ông, NS Trí Minh và ca sĩ Thanh Lam, đã cho biết: “Ông nói rất ít trước khi ra đi, dù con cháu đều có mặt ở bên ông lúc ấy”. Thực ra, ông cũng không cần phải nói gì nhiều nữa, bởi những điều ông cho đi và nhận lại đều tràn đầy đến giây phút ông đi xa. Nói như NS Lê Minh Sơn thì “Phần đẹp đẽ hơn nữa ông để lại cho cuộc đời là hai người con. Cả hai thừa hưởng tinh hoa, sự giáo dục và mỹ cảm của ông, đang có những cống hiến rất đáng nể cho âm nhạc Việt Nam”. Hiếm có người nghệ sĩ nào đã sống một cuộc đời viên mãn trong hạnh phúc như ông. Tuy ông “rất xấu trai” (từ của nghệ sĩ Thanh Hương - vợ ông) nhưng lại được yêu và sống trọn vẹn một đời bên người đàn bà đẹp Thanh Hương. Và người đàn bà đẹp ấy, sau khi chồng vào chiến trường cũng đã xung phong ra trận, mong có thể sẽ được gặp chồng. Họ coi như đã “vào sinh, ra tử” cùng nhau và tình yêu ấy kết thành trái ngọt khi con gái, diva của làng nhạc Việt ra đời giữa bom đạn và bão lửa Trường Sơn.

Nữ ca sĩ Hồng Nhung thổ lộ: “Bác Yến mất đi là một sự nuối tiếc, nhưng Hồng Nhung nghĩ ông đã “chia tay hoàng hôn” trong tình yêu trọn vẹn: sống hạnh phúc và ra đi thanh thản".

Tháng 11/2014, Thanh Lam và Trí Minh sẽ tổ chức đêm nhạc riêng cho nhạc sĩ Thuận Yến với chủ đề "Bản tình ca cha viết". Dự định này có từ trước, Thanh Lam từng hy vọng cha được xem lại các ca khúc của mình. Nhưng ông đã ra đi. Dù vậy, đêm nhạc sẽ vẫn được tiến hành, "như lời tri ân với cha mình" - Thanh Lam chia sẻ.

 Kim Sen

Nhac si Thuan Yen da

NS Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công (sinh ngày 15/8/1935 ở Duy Xuyên, Quảng Nam). Ông tham gia cách mạng từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Ðoàn văn công Khu ủy Liên khu V, sau đó theo học lớp trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết những bài hát động viên thanh niên lên đường: Ba lô ta buộc cho chặt, Vành lá ngụy trang rất xanh... Năm 1965, ông lên đường trở lại chiến trường sáng tác, lấy bút danh là Thuận Yến, với những ca khúc của thời kỳ này như: Hát mừng quê ta giải phóng, Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin, Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc được nhanh chóng phổ biến rộng rãi ở cả hai miền Nam, Bắc.

Sau này Thuận Yến theo học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Kết thúc khóa học, ông về Đoàn Văn công Tổng cục Xây dựng kinh tế, viết những ca khúc nổi tiếng về đề tài ca ngợi lãnh tụ: Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình…

Một số album chọn lọc ca khúc Thuận Yến đã được phát hành như: Đi tìm trái tim (Sài Gòn Audio), Chia tay hoàng hôn (DIHAVINA). Nhiều ca khúc của ông từng đoạt các giải thưởng: Vầng trăng Ba Đình (Giải nhất ca khúc của Bộ Văn hóa, 1987), Màu hoa đỏ (Giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng, 1994), Chia tay hoàng hôn (Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam).

Gia đình Thuận Yến được xem là gia đình âm nhạc. Vợ của ông là nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương. Con gái lớn của ông là diva Thanh Lam, con trai là NS, DJ Trí Minh - người sáng lập Liên hoan âm thanh Hà Nội. Năm 2009, các con ông đã thực hiện liveshow Tình yêu không lời dành tặng cha mình.

NS Thuận Yến mất lúc 12g30 ngày 24/5 tại nhà riêng ở phố Đê La Thành, Hà Nội. Lễ truy điệu sẽ được cử hành từ 10 đến 12g30 ngày 27/5 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Hà Nội. An táng tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng lúc 15g cùng ngày.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI