Nhạc sĩ Thế Song: Người đã về nơi đảo xa

23/05/2018 - 09:25

PNO - Ông đã lên một chuyến tàu mới ở tuổi 85, để ra khơi như lời hẹn ước cũ. 'Đây con tàu ra khơi', hòa cùng cánh chim hải âu, bốn mùa giữa biển trời quê nhà.

“Hơn một năm trước, khi chưa hoàn toàn mất khả năng nhận biết, mỗi lần con cháu bật nhạc, nhất là ca khúc , ông rất xúc động, thậm chí có lần khóc” - nhạc sĩ Thế Hiển, con trai út của nhạc sĩ Thế Song - chia sẻ.

Nhac si The Song: Nguoi da ve noi dao xa

Nhạc sĩ Thế Song viết Nơi đảo xa vào năm 1979, trong một lần đi thực tế sáng tác tại các đồn biên phòng ở tỉnh Quảng Ninh. Trên đường về, ông cùng nhạc sĩ Phạm Tịnh nghỉ tại trạm sửa chữa tàu biển số 48 của lực lượng hải quân. Hai nhạc sĩ được các chiến sĩ hải quân mời uống rượu và kể cho nghe nhiều chuyện về tình lính, đời lính. Để rồi, trên đoạn đường hơn 100km từ Quảng Ninh về Hà Nội, những câu chuyện đó cứ ám ảnh, tạo nên những giai điệu đầu tiên của ca khúc, dù lúc đó, ông chưa một lần đặt chân tới Trường Sa, Hoàng Sa.

Nơi đảo xa được giới thiệu lần đầu qua giọng hát của NSƯT Tiến Thành, nhanh chóng được khán thính giả cả nước hưởng ứng nhiệt liệt, đặc biệt là những người lính đang làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo. Đó là tác phẩm mà lúc còn sống, nhạc sĩ Thế Song phải thừa nhận: “Bây giờ có đơn đặt hàng, có viết tiếp nữa, thì cũng không thể viết được bài nào hay như thế, dù mình trải nghiệm nhiều hơn”.

Theo nhạc sĩ Thế Hiển, bố anh là người trầm lặng, hiếm khi thể hiện cảm xúc. Có bao nhiêu tâm sự, tình cảm, ông dồn hết vào âm nhạc. Trong suốt thời gian chống chọi bệnh tật, dù không nói được, hằng ngày ông vẫn thường dùng tay ra hiệu cho con cái mở các đĩa nhạc do ông sáng tác để nghe.

Nhac si The Song: Nguoi da ve noi dao xa

Sau khi công bố Nơi đảo xa, nhạc sĩ - thạc sĩ Thế Song (áo ca-rô) mới có dịp ra thăm Trường Sa vào năm 1995

Là người con duy nhất theo nghiệp bố, nên có bao nhiêu vốn liếng, Thế Song truyền lại hết cho con trai Thế Hiển. Câu chuyện giữa cha và con, ngoài tình ruột thịt còn là những câu chuyện về nghề, về âm nhạc. Vốn thần tượng và xem bố là tượng đài (dù ông không bao giờ ép con cái phải theo nghề), Thế Hiển chịu ảnh hưởng từ cha một cách hết sức tự nhiên. 

Anh nói, những kỹ năng anh có được hôm nay đều nhờ bố. Mỗi lần có tác phẩm mới, hai cha con lại chia sẻ cùng nhau, để tìm cách làm cho bài hát tốt hơn. Ông dạy anh cách lưu nhớ ca khúc theo tiến trình âm nhạc, tên ca sĩ, thể loại âm nhạc, dạy anh cách làm người trong âm nhạc.

Nhạc sĩ Thế Hiển cho hay, lúc còn sống, khi viết nhạc, bố anh chưa một lần tính toán xem ông sẽ được cái gì. Viết vì trái tim thúc giục, đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ.

“Ngay cả những tranh cãi liên quan đến Giải thưởng Nhà nước hồi mấy năm trước, ông cũng không để bụng. Mãi tới năm ngoái, vì sức khỏe ông yếu quá, tôi mới thay mặt ông viết đơn xét giải. Đó cũng là việc bất đắc dĩ. Tôi nghĩ, ông và những nghệ sĩ cùng thời, với những tác phẩm để lại, hoàn toàn xứng đáng được giải thưởng giá trị đó mà không cần phải viết đơn xin xét” - Thế Hiển nói thêm.

Nhạc sĩ Thế Song đã về với ngôi nhà trên sóng sau bốn năm và một tháng nằm bệnh. Ông đã lên một chuyến tàu mới ở tuổi 85, để ra khơi như lời hẹn ước cũ. “Đây con tàu ra khơi”, hòa cùng cánh chim hải âu, bốn mùa giữa biển trời quê nhà. 

Trọng Tấn hát Nơi đảo xa

Nhạc sĩ Thế Song sinh năm 1933 tại Hà Nội, là tác giả của nhiều ca khúc viết về biển đảo, quê hương, cách mạng và tình yêu. Gia tài âm nhạc của ông có gần 600 ca khúc, trong đó nổi tiếng nhất là Nơi đảo xa

Năm 2017, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Nơi đảo xa, Bài ca trên đỉnh Pò Hèn, Tình yêu bên suối. Ông qua đời rạng sáng 21/5 tại Hà Nội, hưởng thọ 85 tuổi, sau nhiều năm chống chọi với hậu quả cơn tai biến mạch máu não. 

Lễ viếng nhạc sĩ Thế Song diễn ra từ 7g30-8g45, ngày 24/5, tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Lễ truy điệu và đưa tang lúc 8g45 cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Hà Nội).

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long 

Bên cạnh nội dung ai cũng có thể cảm được, Nơi đảo xa còn độc đáo về tính chất âm nhạc. Ca khúc toát lên tinh thần sảng khoái, yêu quê hương, yêu đất nước, sống có lý tưởng. 

Thông thường, mảng đề tài như vậy, mang một tinh thần như vậy sẽ được truyền tải trong một tác phẩm hào hùng hoặc hoành tráng theo nhịp hành khúc. Thế nhưng, ca khúc của nhạc sĩ Thế Song lại trữ tình, mềm mại. Tác giả sử dụng thủ pháp, mô-típ âm nhạc nho nhỏ, cấu trúc đan xen nhau tạo thành lớp sóng. 

Để làm được điều đó, ngoài thủ pháp cắt nhỏ, nhạc sĩ còn sử dụng nhịp 6/8 một cách uyển chuyển. Chính hai điều đó đã tạo nên một không gian rất riêng cho Nơi đảo xa, giữa một rừng các ca khúc được sáng tác vào giai đoạn đó và sống được cho đến ngày nay.

Du Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI