Nhạc sĩ Thanh Tùng và một kỷ niệm với báo Phụ Nữ TP. HCM

17/03/2016 - 09:14

PNO - “Sau khi nghe đi nghe lại nhiều lần, tôi nhớ anh Thanh Tùng góp ý phần ca từ, đại khái áo dài còn có nhiều màu, chứ không chỉ mỗi màu trắng..."

Nhac si Thanh Tung va mot ky niem voi bao Phu Nu TP. HCM
Nhạc sĩ Thanh Tùng và một kỷ niệm với báo Phụ Nữ - Ảnh: Internet

Năm 1989, sau khi làn gió đổi mới ùa vào xã hội, nhiều cánh cửa của các loại hình sinh hoạt nghệ thuật đã mở ra. Là tờ báo của nữ giới, tất nhiên, báo Phụ Nữ cũng hòa nhịp vào không khí ấy: lần đầu tiên cuộc thi Hoa hậu Áo dài được tổ chức trên phạm vi toàn quốc.

Sau khi đã qua các vòng sơ kết, bán kết, chị Thế Thanh - Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM cùng tổng đạo diễn Thanh Tùng “gút lại” mọi việc nhằm chuẩn bị cho đêm chung kết sẽ diễn ra đúng vào dịp 8/3. Vốn là người quảng giao, nhạc sĩ Thanh Tùng quen biết nhiều giới, anh cho biết sẽ “điều” luôn cả diễn viên múa của Đoàn ca múa nhạc Bông Sen cho xôm tụ. Chị Thế Thanh nhớ lại: “Hay quá. Thế thì phải có ca khúc cho cuộc thi Hoa hậu Áo dài. Ca sĩ chuyên nghiệp hát, lại có múa minh họa thì sẽ tạo ấn tượng khó quên trong đêm diễn”.

Ý kiến của “tổng tư lệnh” đưa ra, nhạc sĩ Thanh Tùng gật gù đồng tình nhưng trong bụng rất lo, vì thời gian quá gấp. Sáng tác một ca khúc không thể ngày một ngày hai, mà anh lại đang quá bận rộn. May thay, người đứng ra tự nguyện “làm tròn sứ mạng” chính là nhạc sĩ Từ Huy. Bấy giờ, anh đang là họa sĩ trình bày của báo và cũng là “bồ tèo” thân thiết với tổng đạo diễn Thanh Tùng. Và ca khúc Một thoáng quê hương ra đời.

Sở dĩ, ca khúc này đứng tên chung Từ Huy - Thanh Tùng vì tác giả Một mình đã phối khí và góp phần chỉnh sửa, bổ sung ca từ. Sinh thời, nhạc sĩ Từ Huy bảo với tôi: “Mình viết đoạn A, anh Thanh Tùng viết đoạn B”. Lúc bấy giờ, nhà báo Bạch Mai là Trưởng ban Văn hóa - văn nghệ, cũng là thành viên của ban tổ chức cuộc thi, do đó, chị có dịp chứng kiến cuộc trao đổi về “nghiệp vụ” của hai nhạc sĩ.

Chị Bạch Mai kể: “Sau khi nghe đi nghe lại nhiều lần, tôi còn nhớ anh Thanh Tùng góp ý phần ca từ, đại khái áo dài còn có nhiều màu, chứ không chỉ mỗi màu trắng. Do đó, ca từ được chỉnh sửa thêm nhiều sắc màu như “xôn xao một màu nắng đỏ”, “áng mây trắng đầu ngọn gió”, “tím biếc những chiều hoàng hôn”, “xanh xanh đồng cỏ quê hương”… Rõ ràng, với các sắc màu ấy khiến ca khúc tươi thắm, rộn rã và rạo rực hơn. Thứ hai, đã nói đến “một thoáng quê hương”, không chỉ bó buộc không gian trong nước mà cần mở rộng hơn. Vì lẽ đó, mới có câu “Paris, Luân Đôn hay những miền xa…”. Anh Từ Huy đồng tình lắm”.

Ca khúc được chỉnh sửa xong là vào lúc 12g khuya, nhạc sĩ Từ Huy, Thanh Tùng rất đỗi hào hứng nên muốn “báo cáo” ngay cho “sếp” Thế Thanh. Tâm lý của người sáng tác là thế, muốn mọi việc phải “nóng sốt”. Thế là, cả hai anh đường đột đến gõ cửa nhà chị và hát luôn. Kết quả, bài hát được “duyệt” nhưng hôm sau, chị Thế Thanh bị má chồng “mắng yêu” một trận nên thân vì đêm qua hát hò ầm ĩ.

Kế đến, để tuyên truyền trên mặt báo, chị Bạch Mai đã tập họp phóng viên, cộng tác viên Ban Văn hóa - văn nghệ và mời hai tác giả đến tâm sự về cảm hứng sáng tác ca khúc Một thoáng quê hương. Tôi còn nhớ, bấy giờ tại tòa soạn 188 Lý Chính Thắng (nay là Nhà Văn hóa Phụ Nữ), ngay tại phòng khách, hai anh đã ôm đàn hát say sưa và phân tích ca từ, giai điệu cho chúng tôi nghe. Bài báo cảm nhận đầu tiên viết về ca khúc này là của nhà thơ Đoàn Vị Thượng, lúc đó là cộng tác viên của báo.

Lần đầu tiên ca khúc Một thoáng quê hương được phổ biến sâu rộng trong công chúng là do ca sĩ Cẩm Vân hát tại sân khấu Phan Đình Phùng, mở đầu đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Áo dài năm 1989. Sau đó, Bến Thành Audio đã thu vào băng video Hoa hậu Áo dài 89. Không riêng gì ý kiến của nhà báo Bạch Mai mà nhiều người cũng đồng tình rằng: dù sáng tác phục vụ cuộc thi nhưng ca khúc trên đã trở thành một tác phẩm độc lập. Và cần ghi nhận thêm, chính từ cuộc thi do báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức mà công chúng đã có được một một ca khúc hay, rất hay ca ngợi tà áo dài truyền thống của Việt Nam.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI