Nhạc sĩ Thanh Tùng & mùa xuân vĩnh cửu

16/03/2016 - 06:50

PNO - Với tôi, âm nhạc của Thanh Tùng luôn luôn là mùa xuân, có thể rất buồn, rất day dứt, nhưng vẫn tràn đầy lạc quan và hy vọng.

Nhac si Thanh Tung & mua xuan vinh cuu
Nhạc sĩ Thanh Tùng từ giã cõi đời lúc 5g ngày 15/3 tại Bệnh viện Bạch Mai

Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh năm 1948 tại Khánh Hòa. Năm 1954, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc, sống và học tập ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp Nhạc viện Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 23 tuổi. Thanh Tùng từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn ca múa Bông Sen. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Chuyện tình của biển, Lối cũ ta về, Ngôi sao cô đơn, Hoa tím ngoài sân, Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá… Năm 2008, sau một cơn tai biến, ông mất khả năng nói và không còn đi lại được. Nhạc sĩ Thanh Tùng từ giã cõi đời lúc 5g ngày 15/3 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Báo Phụ Nữ TP.HCM xin chân thành chia buồn cùng tang quyến.

Báo Phụ Nữ

Tôi rất ít khi tôn vinh hay gọi ai đó là thần tượng. Tôi cho rằng ở Việt Nam, chữ thần tượng được sử dụng hơi quá so với ý nghĩa của nó, đặc biệt là thần tượng trong lĩnh vực âm nhạc. Tôi lại càng không thích mỗi khi có một nghệ sĩ mới qua đời, lại có biết bao nhiêu người nói “đó là thần tượng của tôi”, rồi kể lể về tình yêu và những kỷ niệm riêng... Nhưng hôm nay, tôi không hề ngần ngại khi khẳng định: “Nhạc sĩ Thanh Tùng chính là thần tượng của tôi!”.

Đối với tôi, ông là người tiên phong, là người đặt nền móng cho nhạc nhẹ Việt Nam. Tôi trân trọng ông ở sức sáng tạo không mệt mỏi và niềm đam mê âm nhạc vô bờ bến. Nhưng không chỉ có vậy. Khi nhắc đến ông, tôi luôn nghĩ đến một tượng đài của sự cống hiến thầm lặng. Trong xã hội âm nhạc hiện nay, có rất ít nghệ sĩ cống hiến một cách thầm lặng như thế. Tôi tin chắc rằng khán giả và đặc biệt là những người làm nghề như chúng tôi vẫn luôn tôn sùng ông. Âm nhạc của ông luôn luôn lan tỏa và có sức sống lâu bền.

Tôi có không ít cơ hội được gặp ông ngoài đời, nhưng không phải bao giờ cũng có thể nói ra được những suy nghĩ ấy của mình. Chính vì thế, tôi đau đáu mong được thực hiện một chương trình tôn vinh nhạc Thanh Tùng để thể hiện hết niềm kính trọng với ông và những điều tôi muốn nói từ thâm tâm. Chúng tôi tổ chức đêm nhạc ấy vào tháng Ba. Tôi không nhớ hết mình đã đi qua bao nhiêu ngày xuân để chắt chiu cảm xúc cho những tác phẩm của Thanh Tùng.

Tôi đã lựa chọn Lời tỏ tình của mùa xuân để làm bài hát mở màn chương trình. “Mùa xuân đến, đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm…”. Với tôi, âm nhạc của Thanh Tùng luôn luôn là mùa xuân, có thể rất buồn, rất day dứt, nhưng vẫn tràn đầy lạc quan và hy vọng. Chúng tôi đã mời nhạc sĩ Thanh Tùng ra Hà Nội để tham dự chương trình. Dù đã rất yếu, không thể tự đi lại được, nhưng ông vẫn nhận lời và bay ra với chúng tôi.

Tôi đã mong mỏi, đã khấp khởi, đã hồi hộp như một đứa trẻ vừa viết xong một bài tập nắn nót, sắp sửa được khoe với người thầy giáo mà mình hằng kính trọng. Suốt cả buổi biểu diễn, tôi vẫn tưởng rằng ông đã đến, đã lặng lẽ ngồi bên dưới hàng ghế khán giả, lắng nghe những tác phẩm của ông mà tôi đã hòa âm phối khí, và hình dung là ông đã mỉm cười. Nhưng ông đã không thể đến nhà hát. Ông phải vào viện cấp cứu ngay trước khi đêm nhạc diễn ra.

Trong đêm nhạc ấy, chúng tôi không có nhiều thời gian để ca sĩ giao lưu với khán giả, không có người dẫn chuyện, không có lời diễn giải nào về hoàn cảnh ra đời của ca khúc, nhưng tôi đã nhìn thấy những ánh mắt rưng rưng của khán giả, họ lặng lẽ nắm tay nhau khi nghe những Chuyện tình của biển, Một mình, Lời chim đỗ quyên… Dường như họ đã cùng với chúng tôi chìm đắm vào hành trình quay về miền kỷ niệm của những năm tháng cũ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI