Nhạc sĩ Thanh Bình: Người phụ nữ viết đất nước ca

03/02/2015 - 06:13

PNO - PN - Đọc những dòng nhật ký của người con gái ở tuổi hai mươi tràn trề tình yêu và sức sống, bỏ lại tuổi thanh xuân để ra chiến trường, chị không cầm được nước mắt. Những đoạn viết trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm cho chị...

edf40wrjww2tblPage:Content

* Là một người con gái trong thời bình, chị cảm nhận như thế nào về cô gái thời chiến Đặng Thùy Trâm để có những xúc cảm tinh tế trong từng giai điệu như thế?

Nhạc sĩ Thanh Bình: Tôi vẫn còn nhớ khi đó Nhật ký Đặng Thùy Trâm được đăng trên một tờ nhật báo, tôi đọc đến kỳ thứ năm thì không cầm được nước mắt nữa. Khi ấy, đứa cháu tôi đi ngang qua đã không hiểu vì sao tôi lại khóc. Tôi hiểu ra rằng với giới trẻ, âm nhạc dễ đi sâu vào lòng các bạn, còn những con chữ thì không dễ. Tôi vội vàng ngồi ngay vào viết, để “trút” ra những cảm xúc của mình và muốn thông qua âm nhạc, lớp trẻ có thể biết đến người con gái anh dũng Đặng Thùy Trâm.

Tôi bắt đầu bài hát của mình bằng câu “Có một người con gái tuổi hai mươi…”. Lời bài hát chính là những gì mà chị đã mang đến cho bản thân tôi, và tôi tin là với nhiều người khác: “Chị đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống, chị đã thắp lên ngọn lửa tuổi hai mươi, chị đã đưa tôi vươn lên bằng khát vọng, dù chông gai vẫn không ngừng vươn tới”. Tôi gửi tặng bài hát này cho gia đình chị Trâm. Mẹ và em gái chị thích và nói với tôi: “Em đã viết bài hát này bằng trái tim mình, nên bài hát sẽ đến được với nhiều trái tim khác”.

Thật ra, trước khi đọc câu chuyện của Đặng Thùy Trâm, tôi vẫn thường được nghe cha, chú mình kể lại những câu chuyện của một thời bom đạn, về những đêm Trường Sơn không ngủ… Và tôi cứ như được tiếp một ngọn lửa cháy rạo rực trong mình. Ngọn lửa tuổi hai mươi là tất cả cảm xúc của tôi vào lúc đó. Bài hát đã được ca sĩ Anh Bằng hát trong chương trình truyền hình trực tiếp Ngọn lửa tuổi trẻ trên VTV3, sau đó ca sĩ Thanh Ngọc chọn hát trong cuộc thi Tiếng hát truyền hình năm 2005. Năm 2006, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Trung ương Đoàn đã trao cho tôi giải khuyến khích cuộc thi Sáng tác bài hát về thanh niên và tuổi trẻ Việt Nam.

Nhac si Thanh Binh: Nguoi phu nu viet dat nuoc ca

* Thường thì với phụ nữ, gia đình, tình yêu, con cái… mới là đề tài chính, còn trong 80 ca khúc mà chị đã sáng tác thì đất nước, biển đảo… chiếm phần lớn. Chị có thể nói một chút về sự đặc biệt này?

- Năm 2007 tôi mới được ra Trường Sa. Trước đó chỉ biết qua ti vi, sách báo, tôi đã rất xúc động về sự hy sinh của các chiến sĩ. Những người lính rắn rỏi và kiên cường, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tràn ngập sự lạc quan. Đón đoàn văn nghệ xung kích của thành phố, họ hân hoan, vui mừng trao gửi những cái bắt tay thật chặt, những ánh mắt nồng ấm. Vinh dự, xúc động, tự hào, yêu thương… tôi mang vào các sáng tác của mình.

Tôi đã ra mắt album Ngọn lửa tuổi hai mươi sau khi ra Trường Sa vài tháng, để tặng cho các chiến sĩ. Hơn ai hết, tôi biết rằng nơi đất liền tôi có một cuộc sống yên bình, không vật lộn với bài toán rau xanh, nước ngọt, đêm được ngủ trọn giấc… là nhờ có họ và tôi muốn nhiều người hiểu được điều đó. Thế nên tôi viết. Cuộc sống hàng ngày của tôi rồi cũng trôi đi với công việc, gia đình và nhiều thứ khác, nhưng cảm xúc của những ngày cất tiếng hát nơi đảo xa và những con ốc, san hô, nhành hoa… mà các chiến sĩ tặng, sẽ theo tôi suốt cuộc đời.

* Âm nhạc thuộc về những người có sự bay bổng và lãng mạn, trong khi công việc chính của chị lại về tài chính - cần sự thực tế và tỉnh táo. Sự "tréo ngoe" này bắt đầu từ đâu?

- Tôi được sinh ra trong một gia đình thơ phú. Ông ngoại tôi là tiến sĩ nho học cuối cùng của triều Nguyễn, mẹ tôi cũng là một nhà thơ (nhà thơ Tân Việt - PV). Chất thơ, chất nhạc trong tôi có lẽ có từ đó. Từ năm tám tuổi, tôi được mẹ cho học piano, là vốn âm nhạc của tôi cho tới bây giờ. Mẹ tôi có rất nhiều thơ về tình yêu đất nước, và nhiều bài trong đó tôi đã phổ nhạc như Quê hương trong lời ru, Tháng Năm nhớ Bác, Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội

Yêu thơ nhạc nhưng tôi tốt nghiệp khoa Toán - Tin, vậy nên đi làm ngân hàng. Dù là tay phải hay tay trái, tôi đều được làm đúng với sở thích và khả năng, đam mê của mình. Ở gia đình nhỏ của tôi bây giờ, hai con cũng đều yêu âm nhạc.

* Văn nghệ sĩ trước vận mệnh của đất nước, đường lối của Đảng, chị nghĩ phải như thế nào?

- Tôi vào Đảng không sớm lắm, cả nhà tôi, cha mẹ, anh… đều là đảng viên. Thật ra với tôi, cho dù khi chưa là đảng viên tôi vẫn luôn tâm niệm mình phải sống tốt, sống có trách nhiệm. Là đảng viên, tôi hiểu nhiều hơn về điều đó, rằng phải sống sao cho có ích, quan tâm đến vận mệnh đất nước và có trách nhiệm với xã hội. Điều đó phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Riêng văn nghệ sĩ thì còn có những câu ca, chúng tôi luôn thổi vào các câu ca đó tình cảm giữa con người với con người, tình yêu quê hương đất nước, sự mạnh mẽ vững vàng trước những chông gai…

* Xin cám ơn chị!

VÕ HÀ (thực hiện)

Nhạc sĩ Phan Thị Thanh Bình sinh năm 1969 tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Trong suốt hành trình sáng tác của mình, chị đã nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen như giải thưởng của Hội Âm nhạc TP.HCM năm 2007 cho bài hát Tiếng hát nơi đảo xa; bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho chùm ca khúc viết về Trường Sa là Tiếng hát nơi đảo xa, Phút tưởng niệm, Tâm tình người lính biển, Bài ca người chiến sĩ hải quân; giải nhì cuộc thi sáng tác Thăng Long - Hà Nội trong trái tim ta cho bài hát Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội; giải thưởng của Hội Âm nhạc TP.HCM năm 2011 cho bài hát Huyền thoại Đồng Lộc, năm 2012 cho bài hát Một thời không quên; giấy khen của TP.HCM năm 2013 - 2014 về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL trao tặng…
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI