Nhạc sĩ Quỳnh Hợp gửi những khúc ca nối bờ với biển

17/05/2014 - 01:53

PNO - PNCN - Luôn kín lịch làm việc, và trong những ngày nóng với thời sự Biển Đông này, nhạc sĩ Quỳnh Hợp lại càng bận rộn hơn. Chị liên tiếp cho ra đời nhiều sáng tác về tình yêu biển đảo như ca khúc Tiếng biển phổ thơ của tác...

edf40wrjww2tblPage:Content

Giữa công việc bộn bề của một biên tập viên báo nói (chị đang công tác tại Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM) đồng thời là nữ nhạc sĩ sáng tác rất sung sức, khoảng lặng của Quỳnh Hợp vẫn là những câu chuyện, cảm xúc liên quan đến âm nhạc.

Nhac si Quynh Hop gui nhung khuc ca noi bo voi bien

* Bài thơ Tiếng biển thể hiện nỗi lòng của người lính đang làm nhiệm vụ nơi biển xa, mang màu sắc tự sự, thủ thỉ, tạo sự xúc động, đồng cảm rất lớn. Bài thơ như một lời tâm tình, còn ca khúc trong sự da diết, dịu dàng lại pha lẫn quyết tâm mạnh mẽ. Chị đã chọn lối thể hiện thiên về nhấn mạnh âm hưởng mạnh mẽ?

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Bài thơ giữ tôi lại ngay lập tức khi tác giả là một người lính biển. Tiếng biển biểu đạt đầy đủ tinh thần ở Biển Đông những ngày này. Đó là tiếng ầm ào, cuộn trào của sóng, tiếng tàu va đập, tiếng lòng của những người lính biển gửi tin yêu về đất liền và tiếng lòng của triệu triệu trái tim Việt đang từng giờ hướng ra Biển Đông. Bài thơ là tâm tình của người lính biển vừa dịu dàng, ân tình, vừa vững vàng kiên định nơi khơi xa, đã cho tôi những cảm xúc trữ tình mà kiên quyết. Hai câu nhạc đầu tiên của bài hát đã thể hiện điều đó.

* Gần như ngay lập tức, nhiều giọng ca đã nhanh chóng thể hiện ca khúc được sáng tác kịp thời từ một bài thơ nóng hổi?

- Điều đó thể hiện tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm của mỗi công dân khi đất nước lâm nguy. Trước tình hình Biển Đông sôi sục như hiện nay, mỗi người đều có những thể hiện theo cách riêng của mình. Để bày tỏ lòng yêu nước thì cách thức nào cũng đẹp, cũng ấn tượng, như hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát biển, các cán bộ kiểm ngư đứng trên boong tàu cầm vòi rồng chống trả sự tấn công của tàu Trung Quốc, hình ảnh các công nhân cầm cờ Tổ quốc tham gia mít-tinh, hình ảnh quyên góp vật chất gửi ra biển đảo. Văn nghệ sĩ biểu thị lòng yêu nước bằng việc sáng tác, biểu diễn ca khúc.

Tôi hài lòng với các bản thu âm. Hai ca sĩ đầu tiên Lập Huy và Hoàng Việt gửi đến người nghe kịp thời giai điệu, những cảm nhận, xúc cảm đầu tiên về bài hát. Bản thu của Y Jang Tuyn, Hà My, rồi nhạc sĩ Võ Hoài Phúc và hoa hậu tài năng Ly Sang… thì xúc cảm đã “chín” hơn vì có thời gian thẩm thấu ca khúc. Nhóm X.O.N thì thu thanh với bản phối mới, tốc độ nhanh hơn, hào hùng hơn. Những ngày qua, trên trang Nhạc số có tổng hợp những bản đã thu bài hát này do nhiều ca sĩ thể hiện thành một album tên Tiếng biển khiến tôi nảy ra ý tưởng làm album về biển đảo ra mắt dịp kỷ niệm 50 năm ngày hải quân đánh thắng trận đầu (5/8/1964 - 5/8/2014).

Album dự kiến có tên Nghiêng về phía biển, gồm những ca khúc mới ra mắt và viết tiếp sau đây nữa để ngân rung rộng khắp, nối dài Tiếng biển.

Nhac si Quynh Hop gui nhung khuc ca noi bo voi bien
 

* Bài hát Sôi lên hào khí Việt Nam chị phổ nhạc từ bài thơ Tổ quốc của tác giả Tường Huy cũng là một sự “nối dài rộng khắp”?

- Ca khúc được phổ ngay sau bài Tiếng biển một ngày, tứ thơ về truyền thống chống giặc phương Bắc của cha ông là nguồn cảm xúc chủ đạo để tôi hoàn thành bài hát trong khoảng hơn một giờ với giai điệu thiết tha, thôi thúc, hào hùng. Đó cũng chính là tình cảm không thể kìm nén khi tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam như câu kết Nay, sơn hà nguy biến, sôi lên hào khí Việt Nam.

Trong bối cảnh bừng bừng sục sôi như hiện nay thì không thể không viết gì đó. Ca khúc về biển đảo ra đời vào lúc này rất ý nghĩa, để bày tỏ lòng mình, kết nối tình yêu Tổ quốc. Trong bối cảnh nóng bỏng như vậy, tác phẩm sẽ chân thực hơn, sống động hơn, nhiều xúc cảm hơn và tác phẩm cũng sẽ lan tỏa nhanh, rộng rãi hơn, có ý nghĩa với cuộc sống hơn, đoàn kết mọi người lại cùng hành động.

* Chị sở hữu rất nhiều album đa dạng chủ đề, trong số này có đến năm album về đề tài  biển đảo...

- Đó chỉ có thể là tình yêu đặc biệt với những người lính biển, những người đã, đang và sẽ phải đương đầu với hiểm nguy, gian khổ, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng vẫn vững vàng nơi đảo xa. Đó còn như là duyên phận. Tình yêu ấy bắt đầu từ Nghe em hát ở Trường Sa - ca khúc đầu tiên của tôi về những người lính biển - viết ngay khi xảy ra trận hải chiến Trường Sa vào tháng 3/1988. Từ đó, tôi luôn dõi theo, tin tưởng, tự hào và yêu thương… Tất cả tình cảm đó được gửi vào những ca khúc nối biển với bờ, giới thiệu hình ảnh mới, trẻ trung, văn minh của lính biển Việt Nam trong tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay.

* Những chuyến đi thăm Trường Sa và các vùng biển đảo khác của đất nước hẳn không chỉ mang đến cho nhạc sĩ Quỳnh Hợp chất xúc tác về âm nhạc?

- Đúng vậy, những chuyến đi ấy cho tôi cái nhìn đa diện, thấu hiểu, thương và tin yêu hơn những người lính biển. Nhiều ca khúc tôi phổ thơ như Tổ quốc nhìn từ biển, Lính đảo đợi mưa, Đảo chân mây, Làng đảo, Mùa xuân nơi Trường Sa, Tình ca sau đêm bão, Đảo bão. Đặc biệt là bài Đảo chìm viết theo phong cách hiphop, bộ đội rất thích nên khi lên đảo, lính biển cùng ùa vào chụp hình với “nhạc sĩ của mình”. Tôi muốn mang đến sự mới mẻ, hiện đại nhiều màu sắc cho âm nhạc biển đảo. Đó là niềm hạnh phúc của người sáng tác.
 

Nhac si Quynh Hop gui nhung khuc ca noi bo voi bien
Trò chuyện với nguyên Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo - Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân tại Trường Sa lớn
 

* Ai cũng mang trong mình tình yêu với biển đảo đất nước, nhưng với người nghệ sĩ, tình cảm ấy đã được bộc lộ bằng những cách thức đẹp, ấn tượng hơn người bình thường?

- Mỗi tác giả một góc nhìn, mỗi ca khúc có gửi gắm riêng, thể hiện xúc cảm, thái độ của họ với cuộc sống, đất nước. Tôi không nghĩ nghệ sĩ thì có điều kiện biểu lộ hơn người bình thường. Sự thể hiện của các nhạc sĩ, ca sĩ mọi người dễ thấy hơn thôi, còn biết bao người ở những ngành nghề khác, công việc khác, cũng đang bộc lộ qua việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, dạy dỗ con cháu tình yêu ông bà, cha mẹ, làng xóm, và rộng hơn là yêu Tổ quốc.

* Chị sáng tác rất nhanh, bắt kịp diễn biến thời sự. Để làm được điều đó, đâu chỉ năng lượng làm việc dồi dào là đủ?

- Có lẽ nhờ khả năng tác nghiệp nhanh của một nhà báo mà tôi tích lũy được từ 20 năm làm biên tập ở Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. Tin tức đến độc giả trước báo bạn một nhịp thì tờ báo không chỉ tạo được uy tín mà còn có những ảnh hưởng và hiệu quả vô cùng lớn với cộng đồng. Một ca khúc cũng vậy, ra mắt đúng thời điểm sẽ có hiệu ứng cao, thu hút được sự chú ý của đông đảo người nghe.

* Tác phẩm gắn kết với nhịp thở xã hội có ưu thế là luôn tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, nhưng có lúc nào chị chưa ưng ý, hài lòng với việc sáng tác nhanh, mang tính chất thời sự này?

- Thường thì rất khó để hoàn toàn hài lòng với sản phẩm của mình. Nếu có thời gian nghe lại, tự mình sẽ nhận ra còn những lỗi nhỏ. Khi làm việc ở phòng thu, tôi ưu tiên xúc cảm. Có thể còn lỗi về phát âm, lỗi về đóng chữ, nhưng cảm xúc tốt thì vẫn không để ca sĩ hát lại. Tôi chưa bao giờ ngồi đếm tác phẩm của mình. Chỉ biết là trong các thư mục máy tính lưu tên những ca khúc thì có từng nhóm theo tên nhà thơ có từ ba bài thơ phổ nhạc, chủ đề biển đảo (khoảng hơn 50 bài), thiếu nhi, tuổi hồng, mẫu giáo, các địa danh như Hà Nội, Đà Lạt, Tây Nguyên, Huế… mỗi chủ đề như vậy cũng có từ trên 20 ca khúc.

* Để tạo độ rung cho những bài hát, tạm gọi là ca khúc thời sự, thì không khó đối với tác giả có nghề, tâm huyết, song làm sao để độ rung đó ngân dài sau khi đã qua thời điểm nóng?

- Nghề nghiệp cho phép người nghệ sĩ có thể tạo ra được cảm xúc chỉ từ một gợi mở rất nhỏ, còn lại là vốn sống, cá tính nghề nghiệp, sự hiểu biết. Tầm nhìn của chủ thể sáng tạo sẽ cho ra được những tác phẩm xuyên thấu vào đời sống. Như bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, trong những ngày này, khi “Tổ quốc đang bão giông từ biển”, bài hát đã vang lên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Người nghệ sĩ khác người thường là khả năng dễ đồng cảm với mọi diễn biến xung quanh. Nếu là người có nghề, có thể hình thành một ca khúc không khó. Còn việc ca khúc hay hay dở phụ thuộc nhiều yếu tố, không phải vì tính thời sự mà không còn độ ngân dài sau đó. Điển hình là bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có thể vang lên bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào.

* Có thể gọi chị là nữ nhạc sĩ của những sáng tác âm nhạc mang âm hưởng thời đại?

- Đó chỉ là bề nổi thôi. Những ca khúc của tôi mang tính báo chí cao. Nhưng, trong 45 album đã phát hành (khoảng 500 ca khúc) thì ngoài những bài gọi là mang âm hưởng thời đại, mảng ca khúc mang âm hưởng dân ca nhiều vùng miền của tôi nhiều lắm như dân ca Tây Bắc, ca trù, quan họ, chèo, dân ca Trung bộ, Nam bộ... Mảng ca khúc trữ tình của tôi cũng rất đậm với nhiều album đã phát hành như Chỉ là giấc mơ, Dấu yêu xưa, Huế và em

* Người thân đã tạo điều kiện cho chị như thế nào trong việc chia sẻ quỹ thời gian giữa gia đình và sự nghiệp riêng?

- Tôi may mắn có chồng và cậu con trai thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và chắc là… phải yêu thương lắm mới hy sinh nhiều cho mình rảnh rang để tự do làm việc như vậy.

 Nhac si Quynh Hop gui nhung khuc ca noi bo voi bien
Cùng các chiến sĩ hải quân tại đảo Trường Sa lớn
 

* Xin cảm ơn chị đã dành cho PNCN cuộc trao đổi thú vị.

VÕ TIẾN (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI