Nhạc sĩ Phú Quang và những bản tình ca còn mãi

08/12/2021 - 11:06

PNO - Nhiều sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang nổi tiếng bởi sự nồng nàn từ lời nhạc, giai điệu giàu cảm xúc. Ngoài ra, chúng hay bởi những câu chuyện phía sau.

1. Em ơi, Hà Nội phố và tình bạn giữa Phú Quang - Phan Vũ

Cố nhà thơ Phan Vũ viết Em ơi, Hà Nội phố vào tháng 12/1972 khi miền Bắc đang trong giai đoạn chiến tranh với âm mưu đánh phá tàn ác của kẻ địch. Khi sáng tác, nhà thơ Phan Vũ không nghĩ về sau, bài thơ Em ơi, Hà Nội phố sẽ được khoác lên mình những giai điệu đẹp.

Trong lần phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM trò chuyện với nhạc sĩ Phú Quang, ông nói: “Phan Vũ là người bạn vong niên của tôi. Anh Phan Vũ hơn tôi 20 tuổi. Ngày đó, trước khi phổ nhạc cho bài thơ Em ơi, Hà Nội phố, chúng tôi chưa thân nhau. Anh Vũ chơi thân hơn với một nhạc sĩ, cũng là người anh của tôi”, nhạc sĩ Phú Quang tâm sự.

Ca khúc Em ơi, Hà Nội phố do ca sĩ Ngọc Anh thể hiện:

 

Cho đến một ngày, nhà thơ Phan Vũ ngẫu hứng đọc Em ơi, Hà Nội phố cho nhạc sĩ Phú Quang nghe. “Hồi tôi đang làm cho một sân khấu, Phan Vũ đọc cho tôi nghe Em ơi, Hà Nội phố. Tôi nói ngay: “Em có linh cảm anh sẽ có một bài hát rất hay anh Vũ à”. Anh Vũ hỏi bài hát nào đâu, hát cho anh nghe đi. Tôi cười, bảo: “Làm gì đã có bài hát nào nhưng linh cảm của em nói như thế”. Đến chiều hôm sau, khi anh Vũ đến sân khấu, tôi ôm đàn hát cho anh nghe. Nghe xong, anh Vũ nói: “Quang làm lấp lánh bài thơ của anh rồi”, nhạc sĩ Phú Quang kể.

2. Đâu phải bởi mùa thu - viết cho người tình đầu tiên ở Sài Gòn

Đâu phải bởi mùa thu dựa trên ý thơ trong bài thơ Yên tĩnh của nhà thơ Giáng Vân, được nhạc sĩ Phú Quang sáng tác năm 1976. Ca khúc được ông viết tặng người tình đầu tiên ở Sài Gòn.

“Tôi viết bài này để nói về hai người yêu nhau nhưng phải chia xa. Có thể là lỗi của em, của anh hay của hai chúng ta nhưng chuyện tình yêu đã kết thúc rồi”, nhạc sĩ Phú Quang nói trong một chương trình.

Câu hát Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu từng khiến ca khúc bị cho là mang tư tưởng sai lệch, liên quan đến chính trị. Cho đến 10 năm sau khi ra đời, ca khúc mới được công chúng biết đến rộng rãi.

Ca khúc Đâu phải bởi mùa thu do ca sĩ Thanh Lam thể hiện:

 

3. Trong miền ký ức - ca khúc đầu tiên viết về Hà Nội

Nhạc sĩ Phú Quang có hơn 20 năm ở Sài Gòn để làm việc. Trong những năm ở miền Nam, ông một lòng nhớ về Hà Nội. Dù Em ơi, Hà Nội phố được biết đến nhiều nhưng Trong miền ký ức mới là ca khúc đầu tiên Phú Quang viết về Hà Nội.

“Tôi viết để trả nợ cho mảnh đất quê hương, nơi tôi đã lớn lên, nơi có căn nhà của mẹ cha tôi đã đổ sập sau những trận bom B52, nơi đã cùng tôi hoài thai những ước mơ của tuổi trẻ, nơi tôi đã ra đi, đã đau đáu nhớ thương và đã trở về...”, nhạc sĩ từng chia sẻ.

Cả bài hát không có một từ nào nhắc đến Hà Nội nhưng lại chất chứa nhiều tình cảm của nhạc sĩ Phú Quang. Ông đưa vào ca khúc nhiều hình ảnh từng gắn bó như những chuyến xe đông, một triền sông với cơn gió mùa, con đường bụi đỏ, nóc nhà thờ đầy gió...

Ca khúc Trong miền ký ức do Thanh Lam thể hiện:

 

4. Hà Nội ngày trở về - sửa lời thơ của nhà thơ Thanh Tùng

Nhạc sĩ Phú Quang cho biết ông là người rất thích văn thơ nên thường xuyên tìm các bài thơ để phổ nhạc. Tuy nhiên, ông cho rằng lời nhạc không nên khốc liệt quá mà cần mượt mà để dễ chạm đến cảm xúc khán giả. Có đôi lần, ông tìm đến thơ của nhà thơ Thanh Tùng nhưng không phổ nhạc được.

Cho đến khi nhạc sĩ Phú quang xin phép sẽ sửa lời bài thơ Hà Nội thì sau đó, ca khúc Hà Nội ngày trở về ra đời. Nhạc sĩ Phú Quang cho biết khi ông phổ nhạc bài thơ Hà Nội, nhà thơ Thanh Tùng rất mừng vì ông luôn muốn “nhìn ngắm” bài thơ của mình trong một hình dáng khác.

Ca khúc Hà Nội ngày trở về do ca sĩ Trọng Tấn thể hiện:

 

5. Thương lắm tóc dài ơi - viết tặng người vợ đầu tiên

Nhạc sĩ Phú Quang viết Thương lắm tóc dài ơi để tặng người vợ đầu tiên khi thấy cô khóc. “Niềm vui hay nỗi buồn cũng khiến mình viết nhạc được nếu mình nhìn nhận cảm xúc đó đúng. Tôi viết tặng người vợ đầu tiên ca khúc Thương lắm tóc dài ơi. Thời điểm đó, con gái tôi học rất giỏi tại Học viện Âm nhạc Tchaikovsky nhưng vì một số lý do không công bằng ở khâu xét duyệt, 3 sinh viên học không tốt bằng lại được nhận học bổng tại Việt Nam. Vợ tôi lúc đó khóc vì thương con, tôi thương cô ấy nên viết dành tặng cô”:

Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi
Một đời long đong, long đong thân cò lặn lội
Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi
Một mình lênh đênh dòng đời đục trong
.

                                                    (trích Thương lắm tóc dài ơi)

Ca khúc Thương lắm tóc dài ơi do Doãn Tần thể hiện:

 

6. Im lặng đêm Hà Nội - Phú Quang đổi lại từ

Im lặng đêm Hà Nội được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc cho bài thơ cùng tên của tác giả Phạm Thị Ngọc Liên. Đây cũng là một trong những bài thơ nổi tiếng in trong tập Thức đến sáng và mơ, năm 2004. Nhạc sĩ Phú Quang có sửa 2 từ “chơ vơ” thành “ngây ngô” để hợp với mạch cảm xúc.

Ca khúc thể hiện nỗi nhớ Hà Nội đến vô bờ của nhạc sĩ. Ông nói bản thân tìm thấy sự đồng cảm lớn khi đọc bài thơ Im lặng đêm Hà Nội. Những hình ảnh lạnh mờ sương, tiếng chim đêm khắc khoải, mùi hoa sữa, những cây bàng lá đỏ... khơi gợi trong ông nguồn cảm xúc mạnh mẽ về một Hà Nội bình yên, thoảng chút cô đơn vì nhớ nhung một hình bóng.

Ca khúc Im lặng đêm Hà Nội do ca sĩ Thu Phương thể hiện:

 

7. Biển nỗi nhớ và em - bài thơ được viết ở biển

Biển nỗi nhớ và em được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc từ bài thơ Thơ viết ở biển của nhà thơ Hữu Thỉnh. Trong ca khúc, nhạc sĩ Phú Quang thay đổi nhiều câu chữ để phù hợp với giai điệu nhưng vẫn giữ nguyên cảm xúc.

“Một buổi chiều tôi ngồi giữa hoàng hôn của biển Vũng Tàu. Bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh vang trong đầu tôi và tôi bỗng thấy mình đồng điệu với tâm trạng đó. Bài hát ra đời từ đó. Chỉ có câu: “Gió không phải là roi mà quất núi phải mòn” tôi thương núi nên đổi lại thành: “Gió âm thầm không nói, mà sao núi phải mòn” cho phù hợp”, nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ.

Ca khúc Biển nỗi nhớ và em do ca sĩ Thu Phương thể hiện:

 

 Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI