Dù biết ông mang trọng bệnh, phải liên tục vào viện điều trị, nhưng hầu như những ai quen biết ông đều tin rằng ông sẽ khỏe, bởi kể cả trong những lúc tưởng chừng tuyệt vọng, thì ở ông vẫn toát ra dáng vẻ lạc quan, tràn đầy năng lượng tích cực.
Mới hai tháng trước, khi gia đình và thân hữu tổ chức đêm nhạc Khúc hát phiêu ly để động viên ông chống chọi với bệnh tật, thì ngay trên giường bệnh ông vẫn còn thị phạm cho ca sĩ hát. Rồi ngay trong đêm nhạc, khi được livestream cho xem, ông còn hứa sẽ quay lại.
|
Nhạc sĩ Phó Đức Phương |
Khác với nhiều nhạc sĩ đương thời, Phó Đức Phương ít khi khoe khoang hay kể lể về tác phẩm của mình. Ông tự nhận mình dễ tính - chơi với ai cũng được, ai hát nhạc của ông cũng được, thế nào ông cũng vui; nhưng nếu đi sâu vào các tác phẩm của ông thì quả thật khó mà hát sao cũng được, bởi mỗi tác phẩm đều được đặt trên một nền tảng vững chắc của âm nhạc thính phòng với cao độ, trường độ, các quãng, nhịp nghỉ… đều đã được ông tính toán cẩn thận. Tất nhiên, ca sĩ vẫn có quyền sáng tạo, nhưng nếu đi lệch khỏi bộ khung ông dựng sẵn, đó có thể trở thành một tác phẩm tai hại.
Sự lãng mạn của một nhạc sĩ trên nền của một người từng học chuyên ngành toán đã giúp âm nhạc Phó Đức Phương vừa có sự thăng hoa vừa chuẩn mực. Từ Hồ trên núi đến Chảy đi sông ơi, Về quê, Trên đỉnh Phù Vân… chất dân gian, chất thiền cứ thế bay bổng trên bệ đỡ của hòa thanh kinh viện.
Nếu là một người khác, có thể các tác phẩm ấy sẽ được giới thiệu theo kiểu dân gian đương đại, giao hòa Đông - Tây như thói làm sang thường nhật. Phó Đức Phương thì không. Nhạc của ông đủ khả năng để tự cất tiếng mà không cần thêm những lời giới thiệu.
Ông viết nhạc, làm nhạc cho kịch, cho phim, mảng nào cũng thành công. Rồi đùng một cái, ông quyết định “đâm đầu vào đá” - vận động thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - tranh đấu cho quyền lợi của giới sáng tác.
Những ngày đầu VCPMC thành hình, ông và các cộng sự đã phải chịu không biết bao nhiêu điều tiếng, bởi vào cái thuở “hồng hoang” của quyền tác giả ấy, khi Luật Sở hữu trí tuệ còn chưa ra đời và thói “xài chùa” đã ăn sâu vào biết bao người, ở hầu hết các lĩnh vực, thì việc yêu cầu ai đó phải trả tiền để được sử dụng âm nhạc là chuyện quá sức phi lý.
Nhiều người thấy “chướng mắt” với hình ảnh một nhạc sĩ - người đã viết ra những khúc ca trữ tình đến thế lại có thể xông đến các đêm nhạc, yêu cầu trả tiền rồi mới được hát hoặc không được phép sử dụng các tác phẩm VCPMC đã được ủy quyền. Ai nói gì mặc kệ, Phó Đức Phương thẳng thừng: “Tôi tranh đấu là tranh đấu cho anh em nhạc sĩ. Tôi không có gì phải sợ”.
Gần 20 năm của VCPMC, những người quen ông ai cũng tiếc và xót xa. Có lẽ, nếu không phải dành quá nhiều thời gian cho cuộc chiến bản quyền, ông sẽ còn dâng cho đời nhiều tác phẩm giá trị, như ông từng tự vấn - “một đời khát khao rút lòng nhả kén sầu”.
Có lần gặp nhau, tôi hỏi ông: “Ngần ấy năm đi đòi quyền lợi cho người khác, anh không mệt sao?”, ông thừa nhận: “Mệt chứ, nhưng mình làm điều đúng mà, và vẫn là cống hiến cho âm nhạc”. Tôi đành chịu với lý lẽ của ông và đành hài lòng với lời ông hứa: “Anh vẫn sáng tác chứ không bỏ đâu”.
Mà thật, ông không phải mẫu người dễ chịu bỏ cuộc. Ông vẫn chắt chiu thời gian để viết. Ở tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn khát khao cống hiến, vẫn ấp ủ kế hoạch viết những khúc ca về quê hương, đất nước - điều ông đã làm gần như trọn cuộc đời sáng tác của mình - cái mà ông gọi là trách nhiệm với tiền nhân.
Nhưng mệnh trời khó cãi. Ông rời cõi tạm khi dự án vẫn chưa hoàn thành. Lời hứa trở lại với khán giả, với nghệ thuật trên giường bệnh đã không thực hiện được. Ngày 19/9, trang cá nhân của rất nhiều nhạc sĩ đã đưa lời tiếc thương ông, bởi nhờ có ông, bức tranh quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam đã sáng sủa hơn và giới nhạc sĩ hôm nay đã dần quen với việc hằng quý đến VCPMC ký giấy nhận tiền cho những tác phẩm mình dành bao tâm huyết viết ra.
Kho nhạc Việt cũng đã có những ca khúc đẫm tình quê, tình người của tác giả Phó Đức Phương, ghi dấu trong lòng công chúng. Ngần ấy có lẽ đã quá đủ để ông có thể thanh thản trở về nơi quê hương “thảo thơm đồng xanh trái ngọt”, với “dòng sông bên lở bên bồi”.
Phạm Thành Nhân