Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đưa Phước Sang trở lại sân khấu

03/05/2017 - 15:30

PNO - Khán giả sẽ gặp lại Phước Sang trong chương trình Như cơn gió vô tình tối 13/5 tới.

Hơn 40 năm hoạt động âm nhạc, đến tận lúc chuẩn bị nghỉ hưu, nhạc sĩ (NS) Phạm Đăng Khương mới thực hiện “liveshow đầu tay” như một kỷ niệm với NVH Thanh niên - nơi anh đã gắn bó gần như cả sự nghiệp.

Chương trình Như cơn gió vô tình tối 13/5 sẽ quy tụ những gương mặt có ý nghĩa đặc biệt với anh và cả với NVH thời gian qua. Khán giả cũng sẽ gặp lại trong chương trình những gương mặt nhiều năm vắng bóng như Lê Tuấn, Phước Sang...

Nhac si Pham Dang Khuong dua Phuoc Sang tro lai san khau
 

* Đưa được Lê Tuấn, Phước Sang trở lại sân khấu (SK) chắc không đơn giản, phải không anh?

Đúng ra là nhiều năm rồi tôi không gặp Lê Tuấn, dù có kết bạn trên facebook, thỉnh thoảng cũng comment, like qua lại, nhưng chỉ vậy. Khi quyết định làm chương trình này, chọn chủ đề là Như cơn gió vô tình, tôi mới gọi cho Tuấn, vì có thể nói Tuấn là người đầu tiên trình bày ca khúc này rất thành công.

Đàm Vĩnh Hưng cũng muốn hát Như cơn gió vô tình, nhưng đây là bài của Tuấn nên tôi phải đợi Tuấn. Mãi ba ngày sau Tuấn mới gọi lại, nhận lời. Tôi biết, Tuấn đã đắn đo rất nhiều, vì lâu lắm rồi anh không xuất hiện trên SK. Không ai có thể nói trước được điều gì, nhưng cá nhân tôi hy vọng, sau chương trình, Lê Tuấn sẽ đi hát trở lại.

Trường hợp Phước Sang cũng tương tự. Khi tôi ngỏ ý, Sang bảo Sang lâu rồi có diễn nữa đâu, nhưng vì cái tên nhóm hài Tuổi đôi mươi, cuối cùng Sang cũng nhận lời trở lại diễn cùng Nhật Cường, Hoàng Sơn. Tôi may mắn được sự ủng hộ của họ, chứ trả cát-sê theo mức của những tên tuổi như thế thì tôi không trả nổi. Ngọc Ánh cũng đổi lịch diễn ở Mỹ để tham gia chương trình. Tôi chỉ tiếc chương trình không có Tóc Tiên và Hiền Thục vì các em đã lỡ ký hợp đồng diễn nơi khác.

Nhac si Pham Dang Khuong dua Phuoc Sang tro lai san khau
 


* Nhưng đêm nhạc tác giả thì liên quan gì đến hài, thưa anh?

- Nhóm hài Tuổi đôi mươi đánh dấu sự ra đời và thành công của SK 135 Hai Bà Trưng - SK của NVH Thanh niên. Tiểu phẩm Xích lô mà nhóm thể hiện trong chương trình là tiểu phẩm mà tôi (trong vai trò Trưởng phòng VHNT lúc đó) đã cùng Tuổi đôi mươi mang đi diễn khắp nơi.

Ngoài ra, tôi cũng không muốn khán giả đến với đêm nhạc của tôi chỉ để nghe nhạc, mà còn có những giây phút thư giãn, vui cười. Tôi không ảo tưởng đêm nhạc của mình khán giả sẽ nô nức đến xem. Tôi đâu phải Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà hay Sơn Tùng...

Vẫn có nhiều tác giả chưa hề có đêm nhạc cho riêng mình dù tài năng và tên tuổi của họ không phải bàn cãi. Cho nên, một đêm nhạc pha chút hài hước, thêm phần giao lưu với nghệ sĩ thì tôi nghĩ sẽ thú vị hơn, chứ nếu chỉ tôi và tôi thì chính tôi còn chán, nói gì 
khán giả.

* Được xếp vào nhóm NS “thanh niên ca”, nhưng chương trình của anh sao lại chỉ toàn nhạc tình?

- Đúng là khán giả biết đến Phạm Đăng Khương chủ yếu qua những ca khúc về thanh niên, về Đoàn như: Bài ca thanh niên công nhân, Ký ức mùa hè xanh, Mãi mãi tuổi 20, Thanh niên vì ngày mai, Khi tổ quốc cần… Tuy nhiên, những ca khúc đó đã xuất hiện rất nhiều trong các album, trong những chương trình của Đoàn, của thanh niên…

Nếu trong đêm nhạc của mình tôi lại tiếp tục với những ca khúc đó thì không có nhiều ý nghĩa. Cho nên, 12 ca khúc trong tối 13/5 đều là tình ca - một góc khác, rất thật của con người Phạm Đăng Khương. Những bản tình ca đó tôi đã viết từ xúc cảm trong tim mình, từ những chuyện thật của chính mình. Có thể khi nghe điều này, khán giả sẽ nghĩ tôi đã có vợ con rồi mà vẫn nọ kia; nhưng thật ra vợ con thì mình vẫn chu toàn, còn đã là nghệ sĩ thì phải biết rung động với cái đẹp, với con người, cuộc sống… thì mới có được tác phẩm.

Tôi nghĩ, tận cùng mọi thứ chính là tình yêu. Nếu không có tình yêu, người nghệ sĩ sẽ không thể sáng tạo. Những tượng đài âm nhạc Việt Nam như Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn… cũng đều yêu đến cực cùng mới viết được những khúc ca để đời. Tôi hy vọng khán giả sẽ hiểu cho tôi. Trong chương trình, trước mỗi bài hát, tôi sẽ “tự thú” câu chuyện quanh nó - như chuyện tôi chở vợ trên xe mà mải nhìn một cô gái đẹp đi ngược chiều đến nỗi đụng xe, vợ té. Những bài “thanh niên ca” vẫn có trong chương trình, nhưng dưới dạng một liên khúc do tôi tự dựng, trình chiếu trên màn hình.

Nhac si Pham Dang Khuong dua Phuoc Sang tro lai san khau
 

* Anh có cho rằng một đêm nhạc nho nhỏ ở một SK nho nhỏ như NVH Thanh niên là xứng tầm với 40 năm âm nhạc Phạm Đăng Khương?

- Như đã nói, tôi không ảo tưởng về mình. Quan trọng hơn là tôi không có kinh phí để làm một chương trình lớn, ném tiền tỷ để kiếm tiếng. Đây chỉ là chương trình kỷ niệm mà gần như tất cả mọi thứ tôi đều phải tự làm. Anh em nghệ sĩ tham gia cũng không nhận thù lao. SK chỉ có một màn hình LED, mọi thứ thật tối giản cho âm nhạc.

Tôi cũng không gọi đây là chương trình “40 năm” hay “đêm nhạc trước khi về hưu”, dù đúng là tôi sẽ về hưu sau đêm nhạc; nhưng không phải nghỉ ngơi hẳn mà vẫn tiếp tục làm việc. Tôi sẽ đi Mỹ quay một số chương trình, rồi đi tiếp một số nước khác - lịch làm việc kín đặc đến tận tháng Tư năm sau. Tôi thích gọi việc mình về hưu là “chuyển công tác” hơn, vì thật ra là tôi còn làm việc nhiều hơn sau khi nghỉ. Tôi sẽ vẫn tiếp tục sáng tác, viết sách, làm các video mới… 40 năm chưa phải là điểm dừng của Phạm Đăng Khương.

* Nói thêm một chút về chuyện sách, vì sao sách của anh lại bị từ chối xuất bản?

- Cuốn Chuyện trời ơi đất hỡi là những ghi chép của tôi trong ba chuyến đi Mỹ - từ chuyện xin visa đến máy bay, tàu xe, đất nước, con người… Tôi thể hiện dưới dạng một cẩm nang du lịch kèm hình ảnh và những xúc cảm của mình trong từng chuyến đi. Ngoài ra, tôi còn đưa thêm vào đó phần hồi tưởng về Việt Nam một thuở - thời của những chiếc xe chạy bằng than, thời đường sá còn hoang tàn, đời sống người dân còn cơ cực. 

Đó chỉ là những hoài niệm cá nhân mà tôi tin nhiều độc giả sẽ tìm thấy mình trong đó. Thế nhưng, NXB từ chối cuốn sách vì sợ độc giả sẽ có sự so sánh, có cái nhìn không hay về đất nước mình. Dù không đồng ý với cách nghĩ đó nhưng tôi tôn trọng quan điểm của NXB, nên đưa sách đến cho SaigonBooks và NXB Hội Nhà văn. Với cái nhìn thoáng hơn, sách đã đến được với công chúng. 4.000 bản in là con số rất lớn cho một cuốn sách tại thời điểm này.

Dù chưa ra mắt chính thức, một số bản đã được bán và được đưa lên Amazon để bán ra nước ngoài. Cuốn sách do tôi tự tay làm: viết, dàn trang, xử lý hình ảnh, thậm chí có những chỗ tôi phải viết lại ngay khi dàn trang để cho vừa khổ giấy, đảm bảo số trang… Phải cảm ơn những ngày tháng làm phụ trình bày ở báo Phụ Nữ đã cho tôi kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết khi làm sách. Thậm chí, các poster, standee cho đêm nhạc tôi cũng tự làm hơn chục cái khác nhau. Mệt mà vui.

Nhac si Pham Dang Khuong dua Phuoc Sang tro lai san khau
 

* Học sư phạm toán nhưng trông anh chẳng có dáng thầy giáo chút nào. Sau bao năm, anh nghĩ mình được gì nhiều nhất?

- Năm đó, chúng tôi vào trường sư phạm chỉ vì một lý do đơn giản: sau chiến tranh, đất nước quá thiếu thầy cô giáo nên trường sư phạm và sinh viên sư phạm rất được ưu ái. Chẳng những không phải đóng học phí như những trường khác mà chúng tôi còn được học bổng. Mỗi tháng được 36 đồng. Trừ tiền ăn hai bữa 18 đồng, còn 18 đồng tiêu vặt.

Cuộc sống sinh viên như vậy là xênh xang rồi. Nhưng bản chất con người tôi vẫn là nghệ sĩ nên tôi chủ trương ăn mặc xuề xòa cho gần gũi với học sinh mà cũng không khiến mình quá gò bó. Chuyện được-mất thì tôi nghĩ, mình đã được quá nhiều nhờ hoạt động phong trào. Tôi học được cách xử lý công việc hiệu quả, cách tự học để làm được những cái mình chưa từng biết. Chẳng hạn như trước đây, khi mọi người còn làm những phòng thu lớn, tôi đã cắm micro, thu âm bằng máy vi tính.

Hồi đó, Đàm Vĩnh Hưng qua thu bài của tôi, thấy cách tôi làm đã đề nghị để Hưng thu nơi khác rồi mang đến. Tôi đề nghị Hưng cứ thu thử, tôi làm nhạc, nếu đạt thì tốt, không thì đi nơi khác thu cũng chưa muộn. Bản thu được Hưng chọn, sau này các hãng khác mua lại để làm đĩa đưa ra thị trường. Sách tôi viết trên điện thoại. Quay phim tôi cũng làm. Tôi còn tính sau khi kết thúc show, tôi sẽ chuyển sách mình thành video book - tự dựng phông, mời MC, quay ở nhà luôn. Cũng chưa biết để làm gì, nhưng cứ làm cho thỏa cái đã.

Còn mất thì hiện tôi phải sống xa vợ con. Căn nhà lớn thế này mà tôi chỉ ở với vợ chồng con dâu và mấy đứa cháu. Đêm nhạc tới, vì bệnh nên vợ tôi không bay về được, tiếc lắm.

Đêm nhạc Như cơn gió vô tình diễn ra lúc 19g, ngày 13/5/2017 tại Hội trường NVH Thanh niên (số 4, Phạm Ngọc Thạch, Q.1) với sự góp mặt của Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Ánh, Lê Tuấn, nhóm Mắt Ngọc, Phù Sa, Sido… và đặc biệt là nhóm hài Tuổi đôi mươi của Phước Sang, Hoàng Sơn, Nhật Cường. Chương trình do NSƯT Hữu Luân đạo diễn, MC Quỳnh Hoa dẫn dắt. Vé mời được phát tại Nhà sách Thanh Niên và trong buổi ra mắt sách Chuyện trời ơi đất hỡi vào sáng Chủ nhật 7/5 tại cổng NVH Thanh niên.

 Phạm Thành Nhân 
 

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI