PNO - “Khi tôi hỏi cô ấy muốn mở một quán ăn như thế nào, cô nói tự tin nhất với món bánh canh cua”, nam nhạc sĩ bộc bạch về quán ăn do vợ anh làm bà chủ.
Vì sao anh quyết định mở quán ăn trong khi công việc sáng tác, làm nhạc rất bận rộn?
Bản thân tôi luôn tập trung cao độ dành cho sáng tác nên không có nhiều thời gian dành cho việc kinh doanh. Thế nhưng, tôi vẫn quyết định mở quán bởi tôi xem đó như món quà dành tặng cho vợ.
Vợ tôi rất thích nấu ăn, cô ấy nấu ăn ngon và luôn dồn tâm huyết vào từng món ăn dù nấu cho con, chồng, gia đình hay bạn bè cũng vậy.
Tôi muốn vợ có một đứa con tinh thần, sự nghiệp để theo đuổi giống như mình. Vì thế, tôi mở ra quán ăn dành cho vợ.
Tôi thử thách cô ấy suốt 2 năm qua về ý định mở quán ăn, thấy được niềm vui, sự hứng thú của cô ấy trong nấu ăn nên quyết tâm rút hết “quỹ đen” mở quán tặng vợ.
Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Món ăn đầu tiên anh muốn giới thiệu đến thực khách là bánh canh cua mà không phải là một món khác, tại sao như vậy?
Tôi cảm thấy vợ có thể nấu ngon nhiều món ăn, nhưng khi tôi hỏi cô ấy muốn mở một quán ăn như thế nào, cô nói tự tin nhất với món bánh canh cua.
Nhiều năm qua, mỗi khi vợ nấu món bánh canh cua cho cả nhà thấy ai ăn cũng ngon miệng, húp cạn nước, đó là động lực, niềm vui rất lớn của cô ấy. Vợ tôi muốn đây sẽ là món đầu tiên mọi người nhớ đến quán.
Trong tương lai, khi món này thành công, mọi công việc ổn định, vợ tôi làm những món khác như hủ tiếu cá, hủ tiếu cua, hủ tiếu gà,…
Vợ tôi không ăn được thịt heo nên sắp tới thực đơn sẽ không có các món về heo. Hiện quán đã có món mới cũng nhận được nhiều sự quan tâm của thực khách.
Bà xã Nguyễn Văn Chung tự tay sắp xếp, lo liệu cho quán những việc nhỏ đến lớn.
Để đảm bảo nguyên liệu chế biến bánh canh cua, hủ tiếu cá,… luôn tươi ngon, sạch và an toàn, quán lựa chọn hải sản như thế nào?
Chúng tôi chọn mua nguyên liệu từ công ty có tên tuổi, xuất hóa đơn, giấy tờ thật rõ ràng. Chúng tôi xác định quán ăn này là đứa con tinh thần của bà xã nên đầu tư rất nhiều cả về công sức lẫn tâm trí.
Từ nước chấm, nước lèo đến làm cua, tôm, cá,… vợ tôi tự tay làm và được nhiều khách khen ngon. Ngoài ra, cô ấy còn tự làm cả chân gà ngâm nước mắm, nhiều người rất thích món này vì hợp khẩu vị và lạ miệng. Khi rảnh rỗi, cô ấy cũng nấu các loại nước mát (sâm, bông cúc, mủ trôm) vừa để chồng con uống ở nhà, vừa bán cho khách. Cô ấy dành rất nhiều tâm huyết với quán.
Tôi quá bận rộn với công việc làm nhạc, sáng tác nên mọi thứ đều do chính cô ấy lo liệu. Tôi cảm thấy rất tự hào khi vợ vui vẻ, tự tin hơn từ khi mở quán.
Nguyên liệu từ sơ chế đến nấu chín, từ cách chăm chút tô bún trong bếp đến khi bưng lên cho khách được cô ấy chăm chút. Sự hài lòng trên khuôn mặt khách là điều khiến tôi cảm thấy vui lây cho vợ.
Tô bánh canh cua vị đậm đà, nguyên liệu tươi ngon.
Quán ăn của vợ chồng anh có không gian rất lịch sự, trang trí trên tường và những vật dụng khác khiến mọi người liên tưởng đây là quán cà phê hơn bán thức ăn, đặc biệt bên trong lại có cây đàn rất… nghệ sĩ. Anh có thấy sự bài trí này chưa hợp lý?
Tôi chỉ là người “góp vốn”, bà xã hoàn toàn chủ động trong mọi việc. Từ lúc tìm kiếm địa điểm đến lúc trang trí là một tay vợ lo hết. Mỗi ngày cô ấy đều ở bên quán cùng các chú thợ hồ, thợ điện, rồi đi tìm giấy dán tường, sàn gỗ để tự thiết kế theo ý mình. Trong lúc đó tôi đi tỉnh công tác suốt gần tháng trời.
Quán bánh canh Mẹ Pu (Quận 3, TP.HCM) chúng tôi thuê lại để mở quán, nhà bên quận 7 phải cho thuê để tập trung một chỗ hỗ trợ nhau.
Trước đây, ngôi nhà này người ta thuê để mở spa nên không gian ấm cúng. Tôi góp ý với vợ rằng, với thời tiết nắng nóng của Sài Gòn hiện nay, phần lớn khách thích quán ăn có máy lạnh hơn. Nếu quán quá đông đúc hay mang cho người đến ăn uống cảm giác lộn xộn, xô bồ.
Cây đàn trang trí trong quán cũng lạ mà quen bởi tôi hy vọng thời gian tới, một tuần hoặc nửa tháng trong bữa ăn tối cuối tuần hay cuối tháng, dịp lễ,… tôi có thể đàn một số bài hay dành tặng cho thực khách.
Thực đơn món ăn với tên gọi dí dỏm do Nguyễn Văn Chung đặt.
Một số nghệ sĩ kinh doanh thường có ý định mở nhiều chi nhánh, chuỗi nhà hàng, còn vợ chồng anh thì sao?
Chúng tôi không có ý định mở chi nhánh hay thêm quán ăn thứ hai. Bởi vợ tôi thích tự tay làm mọi thứ, từ đi mua nguyên liệu đến nấu trong bếp, tận tay chăm chút từng thứ.
Mỗi đầu bếp sẽ cho ra một mùi vị món ăn khác nhau, nếu mở thêm chi nhánh chắc chắn sẽ thuê thêm người và có nhiều sự thay đổi ở khẩu vị, mùi hương lẫn nhiều thứ khác, không còn mang nét đặc trưng của quán bánh canh mẹ Pu nữa.
Một số mày râu cho rằng, phụ nữ nên nuôi dạy con cái, là người hỗ trợ để chồng thành công hơn trên con đường sự nghiệp là việc quan trọng nhất, vợ không cần có công việc quá nổi trội. Anh nghĩ sao?
Thời gian vợ tôi vừa sinh con, bé rất khó, cô ấy đã rơi vào tình trạng trầm cảm nhẹ. Dành toàn tâm toàn ý cho gia đình, con nhỏ nên vợ không có thời gian chăm chút nhiều ở ngoại hình, ăn mặc nên cô ấy rất tự ti. Trong khi công việc của tôi thường tiếp xúc với các nữ nghệ sĩ có ngoài hình, chỉn chu lại càng khiến cô ấy ngại tiếp xúc với nhiều người.
Mọi sự hy sinh của người phụ nữ dành cho gia đình, chồng con đều xứng đáng được tôn vinh nhưng thời gian qua cô ấy chưa nhận ra điều đó thôi. Từ khi mở quán ăn, tôi thấy cô ấy dần dần lấy lại tự tin, có thêm niềm vui, tôi cũng rất vui.
Thực tế, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh gia đình mỗi cặp vợ chồng sẽ có thỏa thuận khác nhau để vợ hoặc chồng đảm nhận trách nhiệm là một người chuyên lo “đối ngoại”, người còn lại sẽ chăm lo “đối nội”. Đây là cách giúp gia đình êm ấm, hạnh phúc, con cái chăm ngoan.