|
Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy |
Năm ngoái và năm nay, nhạc sĩ Hoài Sa làm giám đốc âm nhạc, còn Nguyễn Hoàng Duy đảm nhận vai trò cố vấn chương trình Ca sĩ mặt nạ. Tất cả sẽ cùng giúp các nghệ sĩ lựa chọn ca khúc phù hợp, hòa âm phối khí, trình diễn live và hậu kỳ. Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy có những chia sẻ xoay quanh mùa mới cũng như vai trò của nhà sản xuất âm nhạc trong bối cảnh làng nhạc hiện tại.
Không thể o ép ca sĩ quá
* Phóng viên: Sau khi tập 1 lên sóng, Ca sĩ mặt nạ mùa 2 bắt đầu tạo được hiệu ứng thông qua một số tiết mục. Nhiều người cũng tò mò về sự lựa chọn ở hậu trường…
- Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy: Vì đặc thù của nghệ sĩ tham gia là đã có tên tuổi, nên trước tiên chúng tôi phải dựa vào danh sách ca khúc họ mang đến. Nếu ca sĩ chọn ca khúc quá quen thuộc, khán giả sẽ biết nhanh chóng, không còn sự tò mò.
Chúng tôi ưu tiên chọn những ca khúc không phải sở trường của họ. Điều này cũng giúp các nghệ sĩ thể hiện được khía cạnh khác trong chuyên môn.
Năm nay, chúng tôi đau đầu với danh sách bài hát để tạo ra những bản phối hay, chất lượng, bám được mùa đầu. Có thể nói đây là một cuộc đấu trí. Chúng tôi ưu tiên những ca khúc từng có hiệu ứng. Một ca khúc hay, nhưng mới thì cũng khó để khán giả hưởng ứng so với ca khúc đã quen thuộc, nhưng được làm mới.
* Khán giả bàn luận, suy đoán rất nhiều về các giọng ca. Hẳn để tạo ra điều này, cũng có sự tính toán nhất định?
- Có nhiều yếu sau chi phối điều này. Thứ nhất là nội lực của nghệ sĩ, có khả năng biến hóa tốt. Thứ hai, khi chọn ca khúc, chúng tôi ưu tiên những tác phẩm có tông, quãng có thể làm giọng họ khác đi, “đánh lừa” tai nghe của khán giả, đặc biệt với cả fan “ruột”. Ban nhạc phải cố gắng tạo ra bài phối mới mẻ, lạ tai, hấp dẫn. Có những ca khúc đã xuất hiện rất lâu, nhưng khi làm lại, chúng tôi xen vào đó những âm thanh, mô típ phù hợp với thị hiếu khán giả hiện tại.
|
Cú Tây Bắc gây ấn tượng sau tập 1 của Ca sĩ mặt nạ mùa thứ hai |
* Đưa em tìm động hoa vàng (sáng tác: Phạm Duy) - Cú Tây Bắc:
* Khi chọn ca khúc không phải sở trường của nghệ sĩ, anh có phải thuyết phục họ không?
- Không riêng nghệ sĩ, mà tôi tin bất kỳ ai khi bị đặt trước thử thách mới như thế sẽ cảm thấy bối rối một chút. Nhưng may mắn là những nghệ sĩ khi đến chương trình, đã biết, làm việc với anh Hoài Sa, nghe qua sản phẩm của tôi nên họ an tâm. Bản thân nghệ sĩ cũng muốn thử sức để làm những điều mới mẻ. Khi làm việc trực tiếp, nếu bản phối mang đến sự hưng phấn, chắc chắn họ sẽ nhập cuộc được ngay.
Dẫu vậy, khi lựa chọn ca khúc cũng không thể quá ép nghệ sĩ, bởi nếu họ không thoải mái thì thành phẩm không thể hay nhất được. Với vai trò quan sát tổng thể, thì khi phát hiện nghệ sĩ có tiềm năng ở đâu, chúng tôi sẽ “mớm” để họ bước đi.
|
Thành viên ban nhạc, nhóm bè lẫn các ca sĩ đều không biết danh tính của nhau |
Cái gì dễ quá người ta khó trân trọng
* Qua nhiều sản phẩm, chương trình ngày càng cho thấy rõ vai trò và cả sự chi phối của nhà sản xuất âm nhạc đến ca sĩ. Theo anh, hiện sự chi phối này mạnh đến mức nào?
- Một nhà sản xuất âm nhạc hiện không chỉ làm chuyên môn, mà còn phải đảm nhận luôn vai trò hoạch định chiến lược. Ngày trước, khi sản xuất một bài hát, nhạc sĩ, nhà sản xuất chờ ca sĩ đến mua. Nhưng hiện tại, họ có thể đóng khung, chọn ca sĩ thể hiện để đo lường được hiệu quả của sản phẩm trên thị trường. Vì thế, hiện có những ca sĩ và nhà sản xuất âm nhạc thường đi liền với nhau, không tách rời.
“Anh em trong nhóm bè, ban nhạc hầu như không biết mặt ca sĩ tham gia, trừ ê-kíp sản xuất chủ chốt. Khi đến phòng tập, ca sĩ vẫn phải mặc trang phục kín, đeo mặt nạ. Những tiết mục đối đầu khi tập luyện cũng như thế để đảm bảo bảo mật. Khi ghi hình, ca sĩ di chuyển theo đường riêng, có không gian riêng cho từng người để đảm bảo không gặp nhau” - nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy cho biết. |
* Thường nhà sản xuất gắn liền với ca sĩ, nên có thông tin có những sản phẩm có giá sản xuất lên đến 300 triệu đồng, và nhà sản xuất thường chỉ nhận sản xuất sỉ, chứ không làm lẻ… Điều này diễn ra thực tế trên thị trường ra sao?
- Tôi không phán xét. Khi nhạc sĩ, nhà sản xuất có ca khúc bán cho ca sĩ giá 100 triệu đồng. Nhưng ca sĩ có khả năng thu lại số tiền lớn hơn, nếu ca khúc “sống” được trên thị trường. Khi ca sĩ tìm đến nhà sản xuất với mức giá cao ngất ngưởng như thế, chắc chắn họ cũng phải nhận định được chất lượng, khả năng giúp ca khúc “sống” được trên thị trường của nhà sản xuất đó. Tôi nghĩ đơn giản, nếu bạn tạo ra được giá trị, khiến nhiều người phải khao khát, thì họ sẽ tự tìm đến thôi.
|
Ngoài sản xuất âm nhạc, Nguyễn Hoàng Duy cho rằng nhà sản xuất âm nhạc hiện tại cần biết nhiều thứ hơn, thậm chí có thể hoạch định chiến lược |
* Anh nhìn nhận như thế nào về sự chuyển động của thị trường âm nhạc hiện tại?
- Đây là thời điểm thị trường phân định rõ ràng, vì ai cũng có thị phần riêng. Ngày xưa, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc có thể lo lắng khi sản xuất ra ca khúc này sẽ có bao nhiêu người nghe. Nhưng bây giờ, từng thị trường đều có khán giả riêng, ngay cả những thể loại khó nghe nhất. Vì thế, nếu nhà sản xuất biết thế mạnh ở đâu, tập trung sản xuất chắc chắn vẫn có hướng đi cho mình.
Âm nhạc Việt Nam những năm gần đây chuyên nghiệp hơn hẳn. Âm nhạc hiện tại cũng thú vị, cần có những câu hát viral trên mạng xã hội. Tôi không biết mình có cổ hủ không, nhưng có những ca khúc tôi không hiểu vì sao hot.
Ngày xưa, sáng tác một ca khúc tốn nhiều thời gian, nhưng hiện công nghệ có đầy trên mạng. Tôi không nghĩ nhạc bây giờ dở, nhưng cái gì dễ có quá, người ta lại không trân trọng. Có nhiều bài hay, nhưng trên thị trường đầy rẫy cái hay như thế. Khi không tạo được sự khan hiếm thì khó quý. Điều này có thể phần nào giải thích độ hot của Sơn Tùng trong những năm qua, bởi bạn ấy không phải thường xuyên xuất hiện, ra sản phẩm.
* Xin cảm ơn anh.
Trung Sơn (thực hiện)