Nhạc sĩ Lam Phương sẽ về lại quê nhà

16/09/2022 - 19:36

PNO - Sau hai năm ngày qua đời, tro cốt nhạc sĩ Lam Phương được đưa về Việt Nam theo nguyện vọng của ông lúc sinh thời.

 

Nhạc sĩ Lam Phương lúc còn trẻ và khi tuổi đã cao, bao giờ ông cũng muốn về thăm quê hương
Nhạc sĩ Lam Phương lúc còn trẻ và khi tuổi đã cao, bao giờ ông cũng muốn về thăm quê hương

Theo chia sẻ từ gia đình, lúc còn sống, nhạc sĩ Lam Phương có tâm nguyện được trở về Việt Nam, yên nghỉ nơi đất mẹ. Tuy nhiên, vì qua đời trong cao điểm dịch COVID-19, gia đình chưa thể hoàn thành tâm nguyện cuối của cố nhạc sĩ.

Còn nhớ trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, nhạc sĩ Lam Phương từng kể về nỗi mong nhớ được về thăm quê hương. Ông nói: "Tâm nguyện lớn của tôi vẫn là được một lần về thăm quê, nhưng vì sức khỏe tôi yếu đi nhiều, di chuyển khó khăn, mọi người đỡ lên xuống rất vất vả". Ông kể mỗi lần đi xa, tim hay mệt, khó thở nên dù muốn về Việt Nam lắm vẫn “không dám đi”.

Đến nay, sau hai năm ngày ông mất, gia đình muốn thực hiện tâm nguyện cuối của ông. Người em gái út (cô Bảy) của cố nhạc sĩ sẽ đưa tro cốt ông về Việt Nam. Những ngày cuối đời, ông sống cùng gia đình em gái út.

Dự kiến ngày 16/11, tro cốt của cố nhạc sĩ sẽ được đưa về nhà riêng trên đường Nguyễn Lâm, quận 10, TPHCM - nơi ông từng ở trước khi sang Mỹ vào 47 năm trước.

Vào ngày 17/11, gia đình sẽ tổ chức lễ cúng tại chùa Giác Ngộ (quận 10, TPHCM) trước khi tro cốt của ông được đưa đi chôn cất tại nghĩa trang An Viên, Bình Dương vào sáng 20/11. Gia đình tổ chức lễ cúng để khán giả, đồng nghiệp có thể đến viếng, bày tỏ tình cảm với vị nhạc sĩ tài hoa.

Nhạc sĩ Lam Phương trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22/12/2020 (giờ Mỹ). Trước đó, ông nhập viện tại Foutain Valley, California, Mỹ vào trung tuần tháng 12 vì bệnh tim và chứng tai biến mạch máu não.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 10 tuổi, Lam Phương lên Sài Gòn học tập. Nhờ tự mày mò và được sự hướng dẫn của hai nhạc sĩ Hoàng Lang, Lê Thương, Lam Phương bước vào con đường âm nhạc. Nghệ danh của ông xuất phát từ họ Lâm, tên Phùng, ghép lại lấy thành Lam Phương, với ý nghĩa là bầu trời xanh đầy hy vọng.

Sáng tác đầu tay của ông là Chiều thu ấy. Lam Phương phải vay mượn bạn bè để làm nhạc, in nhạc bướm, sau đó thuê xe chở đi bán lẻ. Từ năm 1952 đến nay, ông có khoảng 170 sáng tác được phổ biến, trong đó có nhiều bài rất nổi tiếng như: Biển tìnhDuyên kiếpThành phố buồnTình bơ vơ...

Ông có thời gian sáng tác nhạc cho đoàn kịch của NSND Kim Cương, ban kịch Thẩm Thúy Hằng. Trong đó, bài Duyên kiếp (tên gọi đầu tiên Duyên kiếp lỡ làng) được sáng tác để sử dụng trong vở kịch Lá sầu riêng của đoàn kịch Kim Cương.

Diễm Mi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI