Cuộc hội ngộ giữa đất Pháp
Câu chuyện của Hoạ Mi và nghệ sĩ Lê Tấn Quốc đã khiến nhạc sĩ Lam Phương xúc động và sáng tác nên ca khúc Em đi rồi. Thời điểm này, ông đang ở Pháp, thi thoảng cũng đi... biểu diễn.
Lúc sáng tác bài hát, Lam Phương đã là cái tên rất nổi tiếng. Nhiều ca sĩ đi trước đã thành công với nhạc của ông như: Phương Dung, Thanh Tuyền… Trong khi đó, sự nghiệp của ca sĩ Hoạ Mi chỉ mới ở những nấc đầu tiên, lại bị ngắt quãng bởi thời gian lưu lại ở Pháp.
|
Cuộc hôn nhân của Hoạ Mi là chất liệu để nhạc sĩ Lam Phương sáng tác Em đi rồi |
Em đi rồi - Hoạ Mi:
Ca sĩ Họa Mi và nhạc sĩ Lam Phương đều không quen biết nhau trước đó. Nữ ca sĩ cũng không ngờ có ngày được gặp và hợp tác cùng ông. Sợi dây tình cảm vô hình của những tâm hồn nghệ sĩ đã mang họ đến bên nhau trong một ngày đẹp trời nơi đất khách vào năm 1988.
“Thông qua một người bạn, anh Phương gặp tôi, và đưa cho tôi bản thảo của ca khúc. Anh đàn cho tôi hát. Những giai điệu vang lên khiến tôi xúc động rơi nước mắt”, Hoạ Mi nhớ lại.
Tuy nhiên, do ca khúc được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác dựa trên những thông tin từ báo chí thời đó nên bà đề nghị được sửa lời để phù hợp hơn với cuộc đời mình. Nhạc sĩ Lam Phương chấp thuận, và bảo “miễn em thấy vui là được, vì đây là cuộc đời em”.
Trong ký ức của bà, nhạc sĩ Lam Phương có vẻ ngoài chỉn chu, tính cách lại dễ gần, nhẹ nhàng. Vì thế, dẫu là lần đầu gặp mặt nhưng bà có cảm giác như đã thân quen từ lâu.
|
Chân dung nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ |
Cũng nhờ ca khúc này, ca sĩ Hoạ Mi được một trung tâm ca nhạc có tiếng ở hải ngoại mời thu âm, biểu diễn. Em đi rồi nhận được sự yêu thích nồng nhiệt từ khán giả ở khắp mọi nơi, cũng là lúc tên tuổi của Hoạ Mi vụt sáng trở lại. Đi đâu, khán giả cũng yêu cầu bà hát bài này, mãi cho đến bây giờ. Mỗi lần hát, cảm xúc vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu, bởi ở đó không chỉ có cuộc đời của bà, mà còn là sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia từ một tâm hồn nhạy cảm của nhạc sĩ Lam Phương.
“Nếu như trước đó, khán giả thương tôi 5 phần thì sau khi ca khúc này ra đời, tình thương tăng lên 8 phần. Có thể nói, Em đi rồi, anh Phương đã mở ra một chương mới trong sự nghiệp ca hát của tôi. Ân tình này suốt đời tôi không thể quên. Đời người ca sĩ, có ca khúc gắn liền với tên tuổi của mình, tôi tin không niềm hạnh phúc nào lớn hơn thế”, Hoạ Mi xúc động.
Thời điểm lưu lại Pháp cuộc sống của nhạc sĩ Lam Phương cũng khá chật vật. Ông phải đi làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống, trong đó có phụ việc tại nhà hàng của một người bạn thân. Cũng từng trải qua những ngày tháng như thế khiến Hoạ Mi càng thương, càng đồng cảm với nhạc sĩ Lam Phương.
Cuối tuần, họ lại gặp nhau trong những buổi diễn tại nơi đây. Không gian chỉ chứa được vài chục khán giả nhưng được xem là thánh đường của họ. Bởi khi được đứng trên sân khấu, dường như những đau buồn của thực tại, những đắng cay của đời người tạm lắng sâu trong lòng. Sân khấu đó không lộng lẫy, nhưng luôn hằn sâu trong ký ức của Hoạ Mi bởi chữ tình lúc nào cũng đong đầy.
Một mình...
Sau đó, nhạc sĩ Lam Phương về Mỹ, sinh sống cho đến khi qua đời. Sự cách biệt địa lý khiến ca sĩ Hoạ Mi và ông hiếm có cơ hội gặp mặt. 10 năm sau đó, trong một chương trình vinh danh nhạc sĩ Lam Phương, Hoạ Mi được mời sang trình diễn. Bà vẫn hát Em đi rồi. Nhạc sĩ xúc động khi nghe từng lời Hoạ Mi hát. “Anh bảo vẫn xúc động như 10 năm trước từng nghe tôi hát lần đầu. Lời khen đó khiến tôi hạnh phúc vô cùng”, ca sĩ Họa Mi nói.
Những năm sau đó, họ tiếp tục gặp nhau trong một số chương trình tại Mỹ. Nhưng tiếc rằng, sức khoẻ của nhạc sĩ Lam Phương đã bắt đầu suy giảm. Có chương trình, ông phải ngồi xe lăn trong suốt 5 tiếng đồng hồ trong cánh gà để theo dõi hết chương trình. Đến khi gần kết chào khán giả, ông nhờ ca sĩ Hoạ Mi đẩy xe lăn ra sân khấu để cảm ơn khán giả vì rất lâu hai người mới có cơ hội gặp mặt khán giả của mình.
|
Nhạc sĩ Lam Phương bị tai biến, liệt nửa người vào năm 1999 |
“Nhìn anh bệnh tật nhưng vẫn ngồi suốt hàng tiếng liền theo dõi đêm diễn, tôi càng quý trọng anh hơn. Cả đời làm nghề, anh ít khi nào khiến ai khó chịu. Anh có giận ai, cũng nhẹ nhàng rồi bỏ qua. Vì thế, mọi người yêu mến anh nhiều”, ca sĩ Hoạ Mi nhắc nhớ những ký ức với nhạc sĩ Lam Phương, giọng vẫn chưa hết xúc động.
Rời sân khấu, họ lại trở về với cuộc sống đời thường ở hai phương trời cách biệt. Có dịp đến Mỹ biểu diễn, Hoạ Mi lại đến thăm nhạc sĩ Lam Phương, lần gần nhất là cuối năm 2018. Sức khoẻ suy giảm nhiều nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Những ký ức ngày ở Paris được hai anh em nhắc lại. Câu chuyện cứ như thế kéo dài. Lúc nào, trong lòng nhạc sĩ Lam Phương cũng quyến luyến, xúc động khi có người đến thăm.
Hoạ Mi kể nhìn cảnh ông ngồi xe lăn một mình trong căn nhà, mới thấy rõ sự cô đơn của một kiếp người. Những lúc ấy bà chỉ nhớ đến ca khúc Một mình được sáng tác vào năm 1990, như tiên liệu trước cho chính cuộc đời của nhạc sĩ Lam Phương. “Cứ hát hay chỉ nghĩ đến Một mình, hình ảnh ấy lại hiện ra trong đầu tôi, với rất nhiều cảm xúc lẫn lộn. Anh là người giàu cảm xúc, yêu nhiều nhưng đau cũng rất nhiều”, bà nói.
|
Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh thăm nhạc sĩ Lam Phương hồi năm 2018 |
Ông vẫn chờ lần tái ngộ trong tương lai gần. Nhưng không ai biết cuộc gặp gỡ nào có thể sẽ là cuộc gặp gỡ cuối cùng. Không sự biệt ly nào không buồn đau, nhưng với riêng Hoạ Mi, đó cũng là sự giải thoát của nhạc sĩ Lam Phương sau rất nhiều năm chống chọi với bệnh tật. Còn với riêng bà và nhiều khán giả, âm nhạc của ông sẽ mãi mãi ở lại.
Trung Sơn