Nhạc sĩ Hoài An và album Hồn Việt: Sử ca như “mưa dầm thấm lâu”

28/08/2024 - 08:25

PNO - Với album Hồn Việt, nhạc sĩ Hoài An dùng chất liệu lịch sử, truyền thống… để đưa vào tác phẩm dẫu đây được xem là con đường hẹp, khó đi.

Lâu nay, việc dùng chất liệu lịch sử, truyền thống… để đưa vào các tác phẩm nghệ thuật hiện đại luôn được xem là con đường hẹp, khó đi. Tuy nhiên vẫn có một số nghệ sĩ, tác giả dấn thân vào con đường này với nhiều mục tiêu đẹp. Nhạc sĩ Hoài An là một trong những người như vậy với album Hồn Việt vừa ra mắt. Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ về album mới này.

Phóng viên: Điều gì khiến anh chọn bước trên con đường có vẻ không mấy dễ dàng?

Nhạc sĩ Hoài An: Ba tôi (nhà giáo Võ Đại Mau) truyền tình yêu lịch sử cho các anh chị em tôi. Từ nhỏ, ba đã nhắc nhở tôi cố gắng chuyển tải những trang sử, câu chuyện các anh hùng, danh nhân… thành các ca khúc vừa tri ân tiền nhân, vừa tạo điều kiện lan tỏa những trang sử vàng đến các thế hệ sau.

* Lựa chọn đó hẳn cũng nhiều khó khăn?

- Thuận lợi lớn nhất là tôi yêu nhạc, yêu sử, có thời gian dành cho đam mê của mình. Tôi nhận được sự thương yêu, giúp đỡ của các anh chị em đồng nghiệp. Công việc kẹt ở chỗ nào thì liên lạc nhờ các chú các anh chỉ bảo thêm. Điều này giúp cho album rất nhiều.

Khó khăn cũng dễ nhận ra. Đầu tư cho các ca khúc về sử rất nặng - từ công sức nghiên cứu, viết, làm nhạc, dàn dựng đến phát hành… Khâu nào cũng “tốn” nhiều, rất nhiều. Có vài bài, nếu tôi muốn lột tả được các chi tiết đặc sắc thì phải dùng một số câu từ trúc trắc, khó hát. Nên việc giữ ca từ đúng ý mà giai điệu vẫn phải hấp dẫn thực sự là một thử thách.

Truyền thuyết Cổ Loa là bài đầu tiên tôi viết trong album. Tôi về nhà khoảng 12 giờ khuya thì thấy cuốn Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) được ba tôi đặt ngay ngắn trên tủ, đánh dấu trang, đánh dấu câu từ… Tôi rất xúc động trước sự mong mỏi của ba nên đọc xong tôi viết khoảng 4 tiếng, từ 1 giờ đến 5 giờ sáng là xong. Lúc đó tôi sợ ba bị ảnh hưởng bởi tiếng đàn guitar nên tôi “viết chay”. Tôi không ký âm mà nhớ luôn giai điệu, lời thì viết ra giấy… Khi ba tôi dậy, tôi khoe ngay và hát cho ba nghe.

* Âm nhạc về lịch sử, văn hóa giàu ý nghĩa nhưng phải thừa nhận rất khó để chúng trở nên mượt mà, dễ nghe…?

- Sự hấp dẫn về giai điệu là rất quan trọng. Cao trào hay điểm lắng đọng trong âm nhạc phải gắn với câu chuyện… Đó là một vài lưu ý khi viết. Ngoài ra, hình thức âm nhạc nào, dàn dựng cụ thể ra sao, phần hòa âm phối khí hấp dẫn, vừa mang tính hiện đại vừa có chất liệu dân gian… cũng là những điều tôi hướng tới.

Ca sĩ trình bày cũng rất quan trọng. Khi ca sĩ nổi tiếng hát thì khán thính giả chú ý bài hát hơn. Riêng với tôi thì ca sĩ hát hợp bài, hay và đầy cảm xúc là quan trọng nhất. Những bài như Truyền thuyết Cổ Loa, Ngọn cờ lau, Tiếng trống Mê Linh, Tiếng Việt, Trương Chi - Mỵ Nương… đều đã được dàn dựng hát, múa, từ sân khấu phong trào cho đến biểu diễn chuyên nghiệp trong các live show nên có thể nói là những ca khúc này đều đã có đời sống riêng.

* Đích đến của mỗi hành trình không chỉ là thành phẩm mà còn là những bài học. Anh đồng ý chứ?

- Đúng vậy. Với Hồn Việt, tôi học được nhiều điều. Dễ thấy nhất là sự kiên trì và chữ duyên. Ở giai đoạn này, tôi có hơn 15 bài sáng tác trong 23-24 năm, hầu hết phức tạp so với ca khúc phổ thông. Tôi không gấp trong sáng tác. Đủ duyên, đủ cảm xúc tôi mới viết, không viết vội và không dễ dãi với bản thân. Hồn Việt là dự án dài hơi nhất của tôi tính đến thời điểm này.

Bên cạnh nghệ thuật, tôi còn là dân lập trình, mê võ thuật. Nên tôi đã quyết là phải làm cho bằng được. Kèm với quyết tâm là sự phân tích chặt chẽ, rõ ràng. Nếu nói viết ca khúc như nấu một món ăn ngon thì tôi sẽ chuẩn bị nguyên vật liệu thật đầy đủ, rồi tự tạo cảm hứng cho mình để có được trạng thái tốt nhất trước khi nấu.

* Có thể nói rất nhiều về những mục tiêu tốt đẹp dành cho công chúng, cộng đồng thông qua dự án “nặng ký” này. Còn ở tâm thế một cá nhân đang tham gia thị trường âm nhạc, anh kỳ vọng gì?

- Tôi nghĩ đơn giản là mình đang sống nhờ âm nhạc. Khả năng của mình tốt nhất ở đâu thì đóng góp ở đó. Các ca khúc trong Hồn Việt có thể giúp các câu chuyện sử, truyền thuyết, cổ tích… dễ nhớ hơn, dễ lan tỏa hơn, đủ khiến tôi thấy hạnh phúc.

Sử ca như “mưa dầm thấm lâu” nên nếu mất 10-30 năm để khẳng định giá trị cũng là bình thường. Các ca khúc tái hiện nhiều chi tiết từ lời nói, hành động, các tuyến nhân vật, bối cảnh… Viết như vậy rất cực, nhưng mà “đã”. Cuộc sống thiếu những thử thách đôi khi cũng vô vị. Tôi nghĩ, cứ làm tốt nhất có thể, giữ tâm trong sáng thì mọi khó khăn đều có thể giải quyết được.

* Âm nhạc chuyển tải lịch sử rất cần cho mọi người, nhất là người trẻ. Anh có dự định lan tỏa Hồn Việt như thế nào?

- Khi sản xuất xong và phát hành album Hồn Việt, tôi sẽ tìm cách đưa các tiết mục này về các trường biểu diễn. Phần âm nhạc tôi không lo mà lo ở phần dàn dựng hoạt cảnh minh họa. Đầu tư nhỏ thì khó hiệu quả, đầu tư lớn thì… làm sao làm đây? Nếu có thể đủ điều kiện làm hẳn một live show về sử ca, tôi sẽ không ngần ngại thực hiện ngay.

* Xin cảm ơn anh.

Album Hồn Việt gồm 15 tác phẩm dùng chất liệu từ những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết, cổ tích: Công ơn Hùng Vương, Bánh chưng bánh giầy, Sơn Tinh Thủy Tinh, Truyền thuyết Cổ Loa, Tiếng trống Mê Linh, Hào khí Thăng Long, Bạch Đằng Giang

Ở tác phẩm Truyền thuyết Cổ Loa mở đầu, giọng hát nội lực của Duy Linh cùng sự ngọt ngào trong từng âm sắc của Quỳnh Như mang đến cho người nghe những giai điệu nhẹ nhàng về tình yêu, mãnh liệt, cao trào khi gắn với những biến động thời cuộc. Hoài An khéo léo dẫn dắt cảm xúc của người nghe qua sự biến chuyển liên tục của giai điệu, xen lẫn những âm sắc hiện đại là chất hoài cổ độc đáo của một số nhạc cụ truyền thống như: đàn tranh (Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng), đàn nhị (nghệ sĩ Thu Thủy)…

Trung Sơn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI