Nhiều năm qua, việc con trẻ hay sầu thảm, rên rỉ với nhạc người lớn khiến người trong nghề lẫn dư luận luôn trăn trở, đau đáu. Nhiều cuộc hội thảo đã diễn ra về chủ đề này nhưng âm nhạc thiếu nhi vẫn chưa có sự phát triển đúng mức so với yêu cầu. Những nhạc sĩ tâm huyết với trẻ em gần như chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Cuối năm 2017, nhạc sĩ Hoài An khởi động dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi sau 8 năm ấp ủ, với sự hỗ trợ của nhạc sĩ Võ Hoài Phúc - em trai Hoài An. Đến tháng 10/2018, giai đoạn đầu tiên của dự án được hoàn thiện với 52 MV với các ca khúc về thiếu nhi được thể hiện bởi những giọng ca nhí từng tham gia các cuộc thi âm nhạc như: Nhã Thy, Công Quốc, Bảo An... Các MV đã được phổ biến trên YouTube.
|
Tốp ca thiếu nhi trong MV Hồn quê tò he do phía Hoài An sản xuất |
MV Ba miền nghĩa nặng tình sâu - Nhã Thy (một trong 52 MV của dự án):
Dự án này kéo dài, Hoài An cho biết anh không gặp khó khăn về mặt ý tưởng sáng tác, nhưng có chút trở ngại về kinh tế: “Một MV vài triệu cũng được hoặc vài trăm triệu cũng chẳng đủ. Nếu làm MV nhiều tiền nhưng không có chiều sâu thì không nên phung phí. Chúng tôi chú trọng vào nội dung, chất lượng để đi đường dài, dù có thể đường ngắn sẽ khó thở hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục sáng tác, gắn liền với sản xuất. Nếu viết nhiều quá thì lại áp lực về việc sản xuất. Viết nhiều cũng dễ khiến ca khúc không còn hợp thời. Chúng tôi viết cho hiện tại nhưng phải tính đường dài, tương lai của ca khúc nữa”.
Tuy nhiên, dự án này cũng là thử thách lớn với ê-kíp của Hoài An bởi thu nhập chưa đáng là bao, gần như bằng không. Nam nhạc sĩ cho rằng để biết một ca khúc có sống được hay không vẫn còn phải chờ thời gian, trước nhất là đến với khán giả, sau nữa là giai đoạn thử thách để tồn tại dài lâu.
Thời gian qua, Hoài An nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ từ các đơn vị để thực hiện dự án. “Những khó khăn không quan trọng bởi chúng tôi biết đó là những điều tử tế, lâu dài”, Hoài An khẳng định.
|
Nhạc sĩ Hoài An |
Về thực tế nếu những ca khúc sáng tác cho trẻ em “sống” được thì tiền tác quyền gần như được hưởng dài lâu. Hoài An khẳng định anh chưa hề nghĩ đến lợi ích, được mất trong việc sáng tác cho trẻ khi lựa chọn con đường riêng này để theo đuổi trong thời gian qua: “Khi sáng tác mà nghĩ đến tiền tác quyền, lợi ích thì bài hát khó mà hay được. Một tác phẩm viết cho thiếu nhi hay người lớn thì cũng cần viết bằng cả cái tâm, chất lượng mới hy vọng được đón nhận”.
Hoài An nhận định nhạc cho trẻ em ở hiện tại có nhiều lựa chọn hơn nhưng đi kèm với đó là những mặt chưa tích cực: “Trẻ em bây giờ có nhiều lựa chọn hơn ngày xưa, nhất là kênh phân phối, truyền thông, thông qua nhiều trang mạng, trang nhạc lớn, YouTube, hoặc thậm chí mạng xã hội. Nhưng ngược lại ở mặt hạn chế, khi có quá nhiều lựa chọn lại thiếu bộ lọc. Hiện tại nhạc thiếu nhi vẫn chưa có bộ lọc tốt, mà nhân tố chính có thể hỗ trợ là gia đình, ông bà, cha mẹ... Với dự án lần này, tôi tự lên kế hoạch, phát triển, vận hành hoàn toàn, bài hát đều do tôi sáng tác nên nội dung được lọc ra một cách tốt nhất”.
|
Các bé thiếu nhi trong MV Tinh thần Đông A |
Bộ lọc không chỉ từ gia đình, cha mẹ, ông bà... mà còn xuất phát từ những cửa ngõ của các cuộc thi mà trẻ tham gia. “Game show cũng là nơi góp phần phổ biến ca khúc cho trẻ em tốt nếu giám đốc âm nhạc và nhà sản xuất (NSX) có tâm, hiểu biết. Ở các chương trình, giám đốc âm nhạc chính là một phần rất quan trọng của bộ lọc, phần còn lại là trách nhiệm của NSX. Nếu giám đốc âm nhạc chọn bài không phù hợp thì sẽ vô tình cung cấp cho trẻ những nội dung không tốt’.
Trước việc một số chương trình trong thời gian gần đây sử dụng thủ pháp viết lời lại cho những ca khúc đang hot của người lớn để cho trẻ nhỏ hát, Hoài An cho rằng: “Nếu nội dung phù hợp thì trông có vẻ không có gì đáng nói. Tuy nhiên, đây cũng được xem là chiêu thức lách của NSX. Về mặt luật, việc này không sai, nhưng nếu ở tư cách cá nhân tôi không ủng hộ lắm vì viết nhạc cho trẻ không quá khó. Hơn nữa, chúng ta cũng không đến nỗi thiếu thốn để đi vay mượn sản phẩm của người lớn cho trẻ. Rồi sẽ ra sao nếu trẻ em tìm đến bản gốc để nghe và hát theo?”.
Những sáng tác của Hoài An và Võ Hoài Phúc trong dự án được chia làm 2 loại: ca khúc phổ thông (quãng nhạc hẹp, ca từ dễ nhớ, bé nào cũng hát được) và ca khúc khó để phát hiện tài năng âm nhạc, bồi dưỡng. Các sáng tác thuộc những chủ đề: gia đình, trường học, hoạt động - lễ hội, sử thi - cổ tích - truyền thuyết, quê hương - đất nước.
Trong những sáng tác của Hoài An luôn có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại nhằm giáo dục con trẻ về kỹ năng sống và tích góp được vốn văn hoá dân tộc, góp phần cho sự phát triển bền vững. Anh cho biết ca khúc về trẻ em trong bao năm qua vẫn có nhóm chủ đề gói gọn nhưng cố gắng tìm cách thể hiện mới, qua nhiều thể loại âm nhạc (pop, rock, EDM, dân ca trữ tình...) để mang màu sắc lạ hơn.
Hoài An cho biết trong nhóm chủ đề trên thì việc sáng tác ca khúc sử thi khiến anh áp lực nhất: “Sáng tác những bài như thế “tổn thọ” lắm vì lỡ sai thì bị ném đá không sống nổi. Những ca khúc sử thi rất khó nhưng sẽ đóng dấu ấn rất lớn trong sự nghiệp của tôi”. Tuy nhiên, không riêng ca khúc sử thi mà Hoài An luôn cẩn trọng trong mọi sáng tác để trẻ em có được những tác phẩm tròn trịa, mang tính giáo dục cao.
Đồng thời, Hoài An cũng giới thiệu đến khán giả MV Tiếng Việt với sự tham gia của 45 giọng hát. Thông qua tác phẩm này, anh không chỉ muốn truyền đi tình yêu quê hương, đất nước mà còn mong muốn giáo dục trẻ em giữ gìn sự đẹp đẽ, trong sáng của tiếng mẹ đẻ.
|
Một hình ảnh đẹp trong MV Tiếng Việt |
|
Thành Lâm