Dù tạo nên tên tuổi cho Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều... nhưng nhạc sĩ Dương Thụ không nhận bản thân có khả năng đó. Ông chỉ cảm ơn những ca sĩ đã hát nhạc của mình và tạo cho ông "một ít" tiếng tăm để mọi người biết tới.
Trong lần gặp gỡ trước đêm nhạc sắp tổ chức vào đầu tháng 1/2019 tới đây, nhạc sĩ Dương Thụ tỏ ra thận trọng trong từng câu nói vì đã nhiều lần, ông phải đính chính thông tin trên các phương tiện truyền thông: "Tính tôi thẳng, không ngại chia sẻ nhưng khi đặt trong hoàn cảnh khác nhau, bạn đọc dễ hiểu lầm".
Phóng viên: Live concert Đánh thức tầm xuân 2018 là đêm nhạc đầu tiên ông tổ chức tại TP.HCM. Tại sao đến bây giờ, ông mới làm ở đây?
Nhạc sĩ Dương Thụ: Ở TP.HCM, tôi làm nhiều chương trình ca nhạc, nhưng chỉ có Nghe mưa (1998 - 1999 - 2000) làm chung với nhạc sĩ Bảo Chấn, còn không có chương trình riêng nào cho mình cả. Tại sao ư? Có lẽ tôi không đủ tự tin, bởi nhạc của tôi ở thành phố này tuy có người nghe, nhưng hình như không nhiều.
Rồi từ năm 2000, nhạc thị trường phát triển mạnh mẽ cùng với sự trở lại của nhạc tiền chiến, nhạc Sài Gòn trước 75 và đặc biệt là bolero đã lôi cuốn giới trẻ và những người lớn tuổi yêu nhạc, nên thứ âm nhạc như của mình chắc là ra rìa. Tổ chức liệu có bán vé được không, nên tôi đâu dám.
Còn bây giờ tại sao lại làm? Vì 76 tuổi rồi, phải cố một lần để tạ ơn nơi đã tạo cho tôi cái tên Dương Thụ mà mọi người biết với tư cách là một người làm nhạc, nơi đã giúp tôi bước từ bóng tối ra ánh sáng.
Thực ra năm 2012 khi ra Hà Nội, được nhiều người khuyến khích, tôi đã làm chương trình Cửa sổ Âm nhạc, một sê-ri cho riêng mình. Bắt đầu là Cửa sổ âm nhạc 1: Những câu chuyện kể của tôi (2012), Cửa sổ âm nhạc 2: Tôi mơ một giấc mơ (2013), Cửa sổ âm nhạc 3: Bài hát ru mùa đông (2015). Khán giả Hà Nội đến kín nhà hát, điều này khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Năm nay, tiếp tục với Cửa sổ âm nhạc 4: Đánh thức tầm xuân, tôi mạnh dạn đưa nó vào TP.HCM. Mong rằng công chúng TP.HCM vẫn còn nhớ đến Dương Thụ.
|
Nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Mỹ Linh gắn bó với nhau trong âm nhạc từ những ngày đầu. |
* Các liveshow hiện tại đều chú trọng phần nhìn còn đêm nhạc của Dương Thụ “chỉ toàn âm nhạc”, ông có lo ngại đó là điểm kém thu hút khán giả đến với mình?
- Có sự khác biệt giữa show và concert, giữa đi xem ca nhạc và đi nghe nhạc. Show diễn nặng về yếu tố giải trí còn concert thì nặng về thưởng thức âm nhạc, mỗi loại đều có công chúng riêng nên không có vấn đề gì. Nhạc của tôi ít đất diễn, nên làm concert phù hợp hơn.
* Một số ca sĩ trẻ bây giờ hát tốt thậm chí hát hay nhạc Dương Thụ, tại sao ông không chọn họ xuất hiện trong đêm nhạc để đa dạng hơn vì nếu quanh quẩn những gương mặt quen thuộc, điều đó có cũ?
- Chỉ là tôi nặng tình với những người đã gắn bó với mình mấy chục năm nay. Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Bằng Kiều… họ thuộc nhiều bài của tôi, họ làm ra tên tuổi cho tôi. Và họ hát hay đấy chứ. Tôi coi họ như gia đình âm nhạc của mình. Nếu họ cũ thì tôi cũng cũ chứ có mới mẻ gì.
Tôi không nghĩ đến sự đa dạng trong một chương trình như thế này. Sự đa dạng có thể làm ở chương trình khác, lúc khác. Tôi biết ca sĩ trẻ có những người hát hay, nhưng tôi không quen ai cả. Và chẳng ai đến tìm tôi, vậy làm cách nào để biết và mời họ được. Tất nhiên, trong chương trình này có một kiến trúc sư không dính dáng gì đến giới showbiz, anh ấy còn trẻ và hát theo một phong cách mới mà tôi thích. Tôi có mời tham gia chương trình đấy.
Ca khúc Cho em một ngày do ca sĩ Thanh Lam thể hiện:
* Ông từng nói nhạc của mình không phù hợp, thậm chí cấm kỵ ca sĩ thị trường hát, giờ ông có thay đổi quan điểm này?
- Có lẽ mọi người hiểu nhầm. Tôi chẳng cấm ai hát cả. Có người lấy nhạc của tôi đặt lời bậy bạ hát trong quán bia, tôi cũng không ý kiến mà. Bài hát nó có “chân”, nó “đi” đâu, đi với ai sao mình giữ được. Có một vài bạn trẻ xin bài của tôi để làm hip-hop, tôi vui vẻ đồng ý mà. Tôi chưa thấy ca sĩ thị trường nào xin hát bài của tôi cả. Còn nếu tôi không đồng ý với ai đó thì không phải vì chuyện “thị trường” mà vì những lý do khác, không dính dáng gì đến nghệ thuật.
* Nhiều nhạc sĩ làm đêm nhạc nói thẳng ra, họ làm để kiếm tiền, còn với Dương Thụ, chữ “tiền” trong show của ông quan trọng như thế nào?
- Với live concert kiểu này nếu làm với mục đích kiếm tiền thì đúng là hoang tưởng. Tôi cố gắng không để bị phải bán nhà trả nợ thôi.
* Thị trường nhạc Việt đang phát triển là điều ai cũng nhìn thấy nhưng theo ông, sự phát triển này theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực?
- Cả hai. Tích cực vì người làm nghề có thể sống được, không ế ẩm vất vưởng như hơn hai chục năm trước. Tiêu cực vì chạy theo danh tiếng và tiền bạc nên tiền nhiều nhưng nghệ thuật ít.
* Thời gian qua, nhạc Việt dung nạp nhiều ca khúc tựa đề tục tĩu nhưng chúng vẫn được đón nhận, điều đó có làm mất giá trị âm nhạc thuần tuý không, thưa ông?
- Câu hỏi của bạn đã ngầm ý trả lời rồi.
Cuộc sống không đơn giản như ta nghĩ, và công chúng cũng vậy: có thụt lùi, cũng có tiến bộ, có nghệ thuật cũng có phản nghệ thuật. Điều này không chỉ ở nước ta. Nhận ra được sự thụt lùi là tích cực. Bảo vệ hoặc làm ra được những giá trị âm nhạc, và nhiệt thành ủng hộ nó thì còn quý giá nữa. Tôi không thích sự chê bai. Chính chúng ta cũng còn nhiều thiếu sót lắm. Giá trị của cuộc sống nằm ở hành động chứ không ở phát ngôn.
* Liệu chúng ta có đang thiếu một cộng đồng người nghe có trình độ?
- Công chúng nào thì âm nhạc ấy. Âm nhạc phương Tây trình độ cao hơn thì người nghe dĩ nhiên cũng trình độ hơn. Ở ta thế nào thì bạn đã biết rồi. Tôi hy vọng nền giáo dục của ta thay đổi, giáo dục nền tảng tốt hơn, nhất là về âm nhạc, người nghe Việt sẽ có trình độ thưởng thức như công chúng của các nước văn minh hiện nay. Một công chúng có trình độ như thế thì âm nhạc tồi không có lý do để tồn tại. Ngày ấy sẽ đến.
|
Nhạc của Dương Thụ từng làm nên thành công cho Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh... |
* Trong giới nghệ thuật, nhiều người nổi tiếng nhưng hành xử không chuẩn mực, theo ông, điều đó có đáng nguy và có làm khán giả khinh rẻ?
- Tôi không rõ khán giả có khinh rẻ không, nhưng sống không thật, “đeo mặt nạ” chắc là không tốt cho người làm nghệ thuật. Bạn sẽ không có tự do để sáng tạo. Thị phi là thói thường tình, phải coi nó là một phần của cuộc sống nếu bạn muốn làm một điều gì đó cho bản thân mình.
* Ông hay nhắc đến từ “thời”: thời của ca sĩ, nhạc sĩ, thời của ca khúc. Nhạc sĩ Bảo Chấn từng chia sẻ rằng kể cả Bảo Chấn hay Dương Thụ đều mang cảm giác của người đã qua thời, ông có nghĩ khác?
- Ai cũng có thời của mình, nhưng tác phẩm nghệ thuật thực sự thì nó phi thời. Ông Văn Cao thực ra đã ngừng sáng tác nhạc vào cuối thập niên 50 thế kỷ trước, vì thời của ông (tiền chiến và kháng chiến) đã qua. Nhưng nhạc Văn Cao vẫn được biểu diễn hôm nay, người nghe vẫn thấy hay, vẫn rung động đấy thôi. Tôi biết bây giờ là thời của các bạn trẻ, nhưng vài chục năm nữa, khi các bạn ở tuổi như anh Bảo Chấn, liệu còn ai hát nhạc của các bạn ấy không. Đấy mới là vấn đề.
Ca khúc Mặt trời dịu êm do Hồng Nhung thể hiện:
* Với nhiều nhạc sĩ gạo cội, càng về sau họ càng ngại công bố những sáng tác mới vì sợ không được công chúng đón nhận như trước, nhạc sĩ Dương Thụ có khác?
- Khi không còn cảm hứng thì đừng cố làm gì. Tôi không sợ người nghe tôi mà tôi sợ chính mình. Khi viết, tôi chỉ có tôi, tôi chưa bao giờ viết để chinh phục một công chúng nào. Không cứ bây giờ, ngay từ lúc còn rất trẻ, viết xong thấy dở thì vứt ngay vào sọt rác.
Bài hát nào dù với người nghe hay hay dở, nó vẫn là chính tôi. Nếu thật sự bạn đã nghe Dương Thụ thì trong thời điểm hiện tại nếu tôi có viết thì màu sắc âm nhạc và ca từ vẫn là Dương Thụ thôi.
* Xin cảm ơn ông đã chia sẻ
Diễm Mi