Nhạc sĩ Dương Thụ: 'Chúng ta chưa bao giờ được ở trong một ngôi nhà tử tế'

14/09/2019 - 11:30

PNO - Nhạc sĩ Dương Thụ kể lại một số người bạn của ông rất chuộng kiến trúc Pháp. Họ rất thích cột LaMã, nhưng không hiểu cột La Mã có những loại nào nên tìm khắp nơi rồi về “cắt dán” vào.

Đó là câu nói của nhạc sĩ Dương Thụ trong chương trình gặp gỡ và đối thoại “Ảnh hưởng của kiến trúc thời thuộc Pháp ở Việt Nam (1862-1954)” vừa qua tại TP.HCM. Chương trình thuộc chuỗi chuyên đề “Ảnh hưởng của văn hóa Pháp đến việc hình thành nền văn hóa mới của Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX”.

Người Pháp đã làm gì? 

Cùng với quá trình xâm lược, người Pháp đã để lại một hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, trong đó có loạt di sản kiến trúc từ Bắc vào Nam: Khu phố Tây ở Hà Nội, Sa Pa, phía Nam kinh thành Huế, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Sài Gòn - TP.HCM… Đến nay, các công trình này vẫn còn hữu dụng, là những phần đẹp đẽ trong khuôn khổ công cuộc bảo tồn di sản kiến trúc - đô thị. 

Nhac si Duong Thu: 'Chung ta chua bao gio duoc o trong mot ngoi nha tu te'
Phó giáo sư - tiến sĩ khoa học Lê Thanh Sơn và nhạc sĩ Dương Thụ trong cuộc nói chuyện về ảnh hưởng của kiến trúc thời thuộc Pháp ở Việt Nam (1862-1954)

Chỉ trong khoảng một thế kỷ, người Pháp đã “giới thiệu” đến Việt Nam một bộ mặt kiến trúc đa dạng, phong phú. Không chỉ có phong cách kiến trúc được xây dựng thời Pháp theo kiểu phương Tây, như Tòa án tối cao Hà Nội, Ga Hà Nội, Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát TP.HCM, Ủy ban nhân dân TP.HCM… mà còn các loại kiến trúc khác nữa. Đó là kiến trúc thực dân tiền kỳ, chẳng hạn: Bệnh viện Nhi Đồng, Bến Nhà Rồng… Đó là kiến trúc Art Deco, chẳng hạn: Ngân hàng Nhà nước, trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ… Ngoài ra còn có phong cách kiến trúc địa phương Pháp, đặc biệt là phong cách kiến trúc Đông Dương với nhiều công trình ghi dấu ấn như Đại học Dược Hà Nội, Bộ Ngoại giao…

Đáng chú ý, không chỉ “ấn định” nhiều công trình có giá trị cho Việt Nam, người Pháp cũng đồng thời tạo ra một thế hệ kiến trúc sư đầu tiên là người Việt, sau này đều trở thành những rường cột của kiến trúc Việt như Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Gia Đức… Những cánh chim đầu đàn này lại đóng góp cho kiến trúc thời kỳ đó những công trình giá trị mang phong cách kiến trúc Đông Dương do người Việt tạo ra. Phó giáo sư - tiến sĩ khoa học (PGS-TSKH) Lê Thanh Sơn (Đại học Kiến trúc TP.HCM) nhận định, các cụ học thật và hiểu rõ kiến trúc Việt. Họ không làm giống màu Trung Quốc như mấy người Tây, nhưng áp dụng được kỹ thuật phương Tây vào thiết kế.

Nhìn chung, các công trình được xây dựng thời Pháp giai đoạn 1862-1954 dù theo phong cách nào đi nữa, cũng đều mang vẻ mực thước, đáp ứng công năng, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, cho đến ngày nay vẫn hữu dụng, mà không hề lỗi thời, lạc hậu.

Còn nhớ bên lề triển lãm “Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gòn - TP.HCM” diễn ra cuối năm 2018, PGS-TS Hà Minh Hồng (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) từng cho rằng: “Đặt trong một tổng thể cao vòi vọi, hiện đại và bóng loáng như hiện nay, những công trình kiến trúc thời Pháp cho chúng ta một cảm giác đằm thắm, yên bình. Dù không quá lộng lẫy, nguy nga, nhưng đến những nơi ấy, người dân không cảm thấy bé nhỏ mà được tan hòa vào đó”.

Quan trọng nhất, đó là bài học về quy hoạch tổng thể trên phạm vi rộng, chứ không đơn thuần là những quy hoạch lẻ tẻ, phục vụ cho một bộ phận hay một nhóm lợi ích nào cả. Dấu hỏi đặt ra là: người Việt có trọng thị di sản kiến trúc mà người Pháp để lại như một thực thể văn hóa và lịch sử không? Trong bối cảnh mới, ta học được cái gì từ họ cho công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước?

Ta không được sống trong một không gian có tỷ lệ chuẩn 

PGS-TSKH Lê Thanh Sơn đưa ra những cảm thán khi bàn về bộ mặt kiến trúc Việt Nam sau thời thuộc Pháp, đặc biệt là hiện nay: “kinh ngạc!”, “rất kỳ cục!”, “không biết đó là cái gì?”. Không ít di sản kiến trúc thời Pháp có giá trị bị đập bỏ, hoặc đứng trước nguy cơ xóa sổ. Trong khi đó, với những công trình kiến trúc mới, khoan bàn tới yếu tố thẩm mỹ, đẹp hay xấu, đa phần sai về cấu trúc, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, thứ tự trên dưới, trước sau lộn xộn. 

Nhac si Duong Thu: 'Chung ta chua bao gio duoc o trong mot ngoi nha tu te'
Bộ Ngoại giao, một công trình mang dấu ấn của Pháp

“Bây giờ, người ta thích xây những thứ hoành tráng mà không hiểu gì. Kết hợp Hy Lạp, La Mã, phương Đông, phương Tây loạn cả lên… Các cụ nhà mình có đội mồ sống lại, chắc cũng chạy mất dép”, PGS-TSKH Lê Thanh Sơn tếu táo. Bằng việc dẫn ra một vài ví dụ như Bảo tàng Quân khu 7, một số công trình ở Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường THPT Marie Curie, Trường THPT Lê Quý Đôn, thậm chí Nhà ở Thuận Việt từng được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải… để nói, thực trạng đó không chỉ diễn ra ở một vài nơi mà ở hầu hết, từ thành thị về nông thôn. Trong con mắt của ông, đó là một hiện tượng kỳ cục, bất ổn.   

Là người chủ trì chuyên đề “Ảnh hưởng của văn hóa Pháp đến việc hình thành nền văn hóa mới của Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX”, nhạc sĩ Dương Thụ kể lại một số người bạn của ông rất chuộng kiến trúc Pháp. Họ rất thích cột La Mã, nhưng không hiểu cột La Mã có những loại nào nên tìm khắp nơi rồi về “cắt dán” vào. Theo ông, văn hóa thực sự là cái tổng thể, nhưng ở ta, không phải ai cũng hiểu điều đó, chỉ thích tính chi tiết mà thôi. 

Lý giải cho tình trạng “bậy bạ” của kiến trúc Việt Nam hiện nay, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng, đa số người Việt lớn lên trong cảnh nhà tranh vách đất, ở quê đi ra ngoài. Không có nhiều cơ hội để sống trong một ngôi nhà tử tế, trong một không gian có tỷ lệ chuẩn nên không hiểu, thành ra khi làm rất lung tung. Chưa vội nói tới những công trình nhà dân, nhiều công trình do Nhà nước bỏ tiền làm phô bày không ít lỗi kiến trúc. Những công trình đó đều do những người gọi là có học ngành kiến trúc làm ra, chứ không phải thợ hồ. Chỉ khi nào được sống trong một không gian có tỷ lệ chuẩn và đẹp đúng nghĩa vây quanh, ta mới có nhu cầu tự thân làm ra, thụ hưởng cái chuẩn. Đi nước ngoài, thấy người ta làm rất đẹp, mang về sao chép và cứ nghĩ thế là sang, là văn minh, nhưng họ không hiểu một điều rằng, ta vẫn chỉ là ta mà thôi. 

“Chúng ta không trách quá khứ, hoàn cảnh đất nước từng rất lạc hậu, khó khăn. Nhưng bây giờ đã có nhiều phát triển, tư duy của chúng ta cũng phải thay đổi theo chứ? Nhìn lại quá khứ không hàm ý chế giễu, nhưng để biết tại sao chúng ta chưa thể khá hơn được. Người Việt đừng ảo tưởng!”, nhạc sĩ Dương Thụ đưa ra suy nghĩ.

Nhất là trong bối cảnh ngày nay, nhiều thay đổi về quan điểm bảo tồn di sản. Một trong những xu hướng mới được người ta nhắc nhiều, đó là xây dựng các công trình phải hướng tới di sản cùng với không gian tổng thể của khu vực đó. Cần giã biệt tư duy kiến trúc xây dựng tùy tiện, ăn xổi ở thì, manh mún. Khi đó, kiến trúc mới được trả về như một phạm trù của văn hóa, là di chỉ của thời gian, lịch sử, thể hiện sức sáng tạo không giới hạn của con người. 

Đã có những cuộc “vượt thoát” mang cá tính Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX

Thời đó, bên cạnh những ảnh hưởng của Pháp, trong lĩnh vực kiến trúc, người Việt Nam cũng đã có những cá nhân kiệt xuất, dù không được đào tạo kiến trúc, nhưng bằng tư duy cởi mở, nhãn quan nghệ thuật có tầm, họ đã “vượt thoát” khỏi sự ảnh hưởng đó, thể hiện cá tính của mình. Những công trình đứng tên họ, cho tới ngày nay, vẫn còn vẹn nguyên giá trị. 

Trong đó không thể không nhắc đến trường hợp nhà cải cách xã hội Nguyễn Trường Tộ. Sau một chuyến đi Pháp về, năm 1862, khi người Pháp chưa kịp xây dựng gì thì ông đã đứng ra chỉ huy thiết kế Nhà dòng Saint Paul. Với công trình kiến trúc này, chúng ta tự hào Sài Gòn năm 1864 đã có một công trình kiến trúc kiên cố đầu tiên của người Việt. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận xét: “Dinh Thống đốc mà người Pháp còn phải mua của người Anh ở Singapore mang qua Sài Gòn lắp ráp, thì với công trình tuyệt vời này đủ thấy người Việt Nam giỏi đến mức nào rồi”. 

Hay một trường hợp khác là Nhà thờ đá Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình) - ngôi thánh đường làm hoàn toàn bằng đá và gỗ lim do linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu) chủ trì, được khởi công năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Không chỉ được mệnh danh là “kinh đô Công giáo Việt Nam”, Nhà thờ đá Phát Diệm còn là một trong những công trình kiến trúc Công giáo nổi tiếng của thế giới.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI