“Mặt đường bốc lên, cái nắng mùa hè/ Chỉ có anh và em, đại lộ vắng vẻ/ Ngày hè rất xanh, cây trái mùa hè/ Chỉ có anh và em xa thành phố” (Ngày cuối tuần rực rỡ).
“Bọn trẻ đã quên trường, chúng vui dưới những cơn mưa rào/ Dưới nắng vàng rồi mây xanh xao/ Còn em ở đây, cảm ơn anh/ Anh anh anh anh/ Khác nào ông thợ ảnh, suốt đời cứ nhắc em cười" (Anh thợ ảnh).
Những câu hát đẹp nhất về mùa hè này đã từng “đốn tim” không biết bao nhiêu người. Tôi hỏi, mùa hè tuổi trẻ của Đỗ Bảo đã qua chưa? Hình như đã qua rồi, hình như vẫn còn chút vướng vít, nhưng sự sục sôi đã không còn như ngày xưa nữa. Anh đã bắt đầu “thèm” sự bình yên. Đỗ Bảo nói, anh đang bước dần vào thời trung niên với một “khung trời khác”.
Đã sẵn sàng cho một sự đổi thay
Phóng viên: Lâu lắm rồi mới thấy nhạc sĩ Đỗ Bảo. Không giống nhiều nhạc sĩ khác, họ ra sản phẩm liên tục, giữ ấm cái tên mình trên truyền thông hoặc tương tác với khán giả của mình thường xuyên. Còn Đỗ Bảo thì khác, anh không chơi facebook, chỉ chơi instagram - mức độ phổ biến không nhiều, ra sản phẩm mới thì thấy anh “trồi” lên, sau đó lại “lặn” mất tăm…
Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Tôi chẳng thấy đủ vui để duy trì việc giao tiếp hay tạo ra những câu chuyện gây chú ý trên internet. Song, nếu giao tiếp gián tiếp qua tác phẩm, sản phẩm, thông qua các nền tảng trên internet như YouTube, Spotify, tôi lại gắng làm rất cẩn thận, kỹ càng. Tới đây, tôi còn có thêm website và cả app cho thiết bị di động để kết nối thông tin với mọi người.
* Anh có thấy mình khác với dòng chảy chung ngoài kia?
- Tôi thấy sự khác biệt nhưng điều đó không mâu thuẫn gì cả. Đó là tôi và tôi cần thoải mái với chính mình. Chẳng hạn như việc tôi không dùng mạng xã hội này mà dùng mạng xã hội kia, điều đó hết sức đơn giản và tự nhiên giống như chọn điều gì vừa vặn với tâm trí lẫn cơ thể mình. Tôi cũng không có ý thức tạo ra những thử thách cho mình để trở nên giống ai đó. Tôi để ý, bây giờ báo chí rất hay giật tít kiểu như nghệ sĩ khoe nhà, khoe xe, khoe nhẫn kim cương, khoe quan hệ... Tôi cảm thấy tôi không làm được. Tôi không thích.
* Việc giao lưu với nghệ sĩ mà mình yêu thích là một nhu cầu chính đáng của công chúng. Họ muốn biết Đỗ Bảo hôm nay thế nào, mai ra sao, âu cũng là chuyện dễ hiểu. Anh có thấy anh đang tự giới hạn mình?
- Có lúc tôi cũng nhìn lại và tự hỏi, liệu cách thể hiện đơn thuần như thế có làm khán giả cảm thấy không đúng tầm với cái tên hay với tác phẩm của mình? Nhưng biết sao được. Đó là tính cách, là lẽ tự nhiên trong tôi. Tôi không muốn mất thời gian cho những điều mà trong thâm tâm, tôi không tin là có hiệu quả. Nói chung, tôi tự yêu tính cách hướng nội của bản thân và mọi việc vẫn rất ổn. Vì đặc điểm này, tôi ít khi đưa ra quan điểm và tôi cũng sợ những môi trường hay diễn đàn mà mọi người thường đưa ra quan điểm.
* Tôi nhớ Đỗ Bảo từng nói, ba đĩa nhạc Cánh cung đã khép lại hành trình 10 năm để tìm kiếm công chúng. Sau Cánh cung, anh tìm kiếm gì, nếu không phải là công chúng?
- Dù không biết là nhỏ hay lớn nhưng Cánh cung cũng đã định hình nên một lớp công chúng gắn bó với âm nhạc của Đỗ Bảo, yêu âm nhạc của Đỗ Bảo. Còn việc tới đây tìm kiếm gì, tôi cũng đang mong đó là những bước tiến mới trong nghề nghiệp, thay đổi trong nhân sinh quan của mình. Là một tác giả, tôi thấy sự thay đổi theo thời gian thật vui. Qua 3 đĩa nhạc Cánh cung, sự thay đổi đó cũng đã biểu hiện ít nhiều nhưng phần nào vẫn nằm trong khoảng thời gian 10 năm tuổi trẻ của tôi. Bây giờ, ở tuổi trung niên, tôi lại ước ao tất cả thông tin tôi tâm đắc và thu nạp sẽ được thể hiện trong âm nhạc của mình. Tôi không chắc sẽ tìm thấy điều gì đó xuất sắc; chỉ là có sao viết thế, viết đúng, thì tự các tác phẩm đã khác rồi.
Chuỗi ba album Cánh cung tạo ra một dấu ấn và thành công trong một giai đoạn nhưng nếu tôi tiếp tục giữ, sẽ là nghèo nàn. Dù đó cũng chỉ là tên gọi, không nói lên tâm lý âm nhạc nhưng tôi nghĩ, ngay cả cái tên cũng nên thay đổi để biết mình đã sẵn sàng cho một sự đổi thay.
Âm nhạc đang mất dần chức năng quan trọng nhất
* Anh ở ẩn nhưng có theo dõi thị trường âm nhạc nước ta hiện nay không?
- Bây giờ, âm nhạc phát triển và chuyển hóa, mang thêm những chức năng mới, chẳng hạn như tính giải trí, khơi gợi sự hiếu kỳ hoặc bản năng sống của con người hiện đại nhưng lại mất những chức năng cũ, trong đó có cả những chức năng rất căn bản. Chức năng an ủi và nuôi dưỡng cái đẹp tâm hồn con người ngày càng yếu đi, mờ nhạt đi trong âm nhạc hiện đại.
Không rõ có lý do vĩ mô nào hay không nhưng nếu phải đổ lỗi, đầu tiên tôi vẫn muốn đổ lỗi cho giới nghệ sĩ, là ca - nhạc sĩ, những người là cha đẻ, mẹ đẻ của tác phẩm, chứ không phải các doanh nghiệp, nhà tổ chức chương trình hay khán giả nào… Bởi họ đã sinh ra những đứa con tinh thần thiếu chức năng quan trọng kia, đại loại thế. Chuyện này diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Và tôi thấy, thế giới như vậy là một thế giới rất có vấn đề.
Khi không còn chức năng nhân bản, âm nhạc chỉ giống như một phương tiện, một phương cách để con người sống cho đỡ buồn mà không phải để con người sống đẹp hơn, ứng xử văn minh hơn. Chưa kể ở nhiều nơi, âm nhạc đã thuần trở thành hàng hóa… Tôi vẫn nghĩ, âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung ở thời kỳ nào cũng luôn cần có những tác phẩm vô giá, có thể thay đổi cuộc đời một con người, đưa người ta thoát khỏi rắc rối tâm lý hay mang đến sự giải thoát. Đó là giá trị cao đẹp của nghệ thuật. Khi bỏ qua mục đích đó thì âm nhạc dù hiện đại đến đâu cũng thành vô nghĩa.
* Không ít nhạc sĩ trẻ hiện nay khi ra một sản phẩm “ăn” khách thì tự động sản phẩm sau cũng sẽ lặp lại công thức cũ. Điều đó khác với những gì anh vừa nói: nghệ sĩ phải đi tìm một tinh thần âm nhạc khác biệt ngay cả với chính mình?
- Quan điểm sáng tạo nói chung còn tùy mục đích của mỗi người. Nếu muốn làm một thứ âm nhạc chiều lòng lớp khán giả dễ dãi nào đó, có thể cách làm của một số bạn trẻ là tốt. Đỡ mất công và có một sự an toàn nhất định; đồng thời, ổn định về công chúng. Ở khía cạnh tốt đẹp của cách làm đó, điều này có thể làm xã hội vui lên một chút, tôi không có ý kiến. Tuy nhiên, cũng có những tác giả nghĩ đến mục đích khác.
Bản thân tôi nghĩ, sáng tác không thể chỉ là một nghề mưu sinh. Nếu được xem là nghề mưu sinh thì tội nghiệp cho công việc của mình quá. Tất nhiên, nghề nghiệp nào cũng có chức năng để sống. “Sống đã rồi hãy viết”, Nam Cao từng nói câu này và giờ câu nói ấy vẫn là một chân lý tuyệt vời, theo tôi nghĩ. Ở đây, sống và viết phải đi cùng nhau trong cuộc đời tác giả, sống để viết và viết để sống, chọn riêng vế nào cũng sẽ thiếu.
Sáng tác âm nhạc còn là quá trình khám phá bản thân, khám phá cuộc đời, cũng như để hiểu con người. Việc khám phá đó thích lắm, không đơn giản ở chỗ bạn có thêm cúp này, giải thưởng nọ hay được thêm bao nhiêu người yêu mến, bài hát của bạn có bao nhiêu lượt view... Nó có nhiều cung bậc mà chỉ những người viết đi đường dài mới hiểu. Khi khám phá, hiểu mình, đồng thời sẽ hoàn thiện mình. Tôi nghĩ, người sáng tác và biểu diễn phải luôn hướng đến điều đó; nếu đơn giản chỉ làm nghề để ngủ ngon hơn, ăn ngon hơn hay mua sắm và khoe khoang nhiều hơn thì tôi chắc sẽ buồn lắm.
* Nhưng biết đâu, công chúng lại thích kiểu nghệ sĩ đó? Thậm chí, tôi còn cho rằng, công chúng là một trong những yếu tố hình thành nên một lứa nhạc sĩ thích chiều lòng công chúng. Theo anh, điều đó có tác động mạnh đến thị trường âm nhạc Việt Nam hay không?
- Tác động mạnh chứ. Ta có thể thấy cái tác động của nền kinh tế, của các doanh nghiệp lớn nhỏ đã áp đặt lên thị trường giải trí, khiến nghệ sĩ cũng bị cuốn theo. Chiều lòng công chúng cũng tốt thôi, quan trọng là công chúng nào và tôi vẫn thiên về quan điểm cho rằng, bản lĩnh của nghệ sĩ ngày càng kém, bởi theo tôi, các tác giả vẫn cần ý thức về sứ mệnh gạn lọc để xác lập các giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống.
Tôi thích những người viết có nhận thức xã hội sâu hơn những vấn đề thời sự bề nổi. Họ thường vững tâm, hiểu nhưng không bị chi phối nhiều từ xung quanh.
Có một điều vẫn nguyên vẹn theo năm tháng
* Ngoài chức năng nhân bản đang dần mất đi, âm nhạc Việt Nam hiện nay có dễ để nhận diện không?
- Tự nhiên tôi chợt nghĩ và muốn nói về việc bây giờ lớp tác giả trẻ đua nhau viết theo các tiết tấu thịnh hành của nhạc Mỹ, các tiết tấu từ các ca khúc bảng xếp hạng Mỹ, Hàn. Tôi nghĩ đến những giai điệu nẩy nhanh liến thoắng cài răng lược với tiết tấu và những giọng hát lại gắng đãi đớt uể oải. Có những bài hát có tới 2-3 ngôn ngữ. Anh - Hàn - Việt loạn cả lên.
Trong khi đó, tiếng Việt với những dấu chữ nơi các nguyên âm cần có khoảng không để biểu hiện ý nghĩa, lại không thể đọc nối, nuốt âm như tiếng Mỹ, vậy mà các bạn trẻ vẫn đua nhau ép vào tốc độ kiểu Mỹ, đặc biệt là khi rap - không nghe rõ họ hát về điều gì nữa. Tiếng Việt thật tinh tế, thong dong và sâu lắng, nó là phương tiện biểu hiện cảm xúc cố hữu không thể thay thế của chúng ta. Tại sao nghe nhạc Pháp ta dễ đoán ngay đó là giai điệu nhạc Pháp? Tương tự với nhạc Nga, nhạc Tây Ban Nha, nhạc Trung Quốc… Âm nhạc chịu ảnh hưởng rất đậm từ nhịp sống, văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ mỗi nơi và điều đó là cơ sở để nhận diện âm nhạc một quốc gia.
Tôi muốn nói trong mảng ca khúc, để nhận diện nhạc Việt, vẫn có nhiều đặc điểm để nhận ra, chẳng hạn như âm nhạc dân gian, tiền chiến, ca khúc cách mạng, âm nhạc thập niên 90... Tuy nhiên, trên bề nổi showbiz cùng truyền thông, có thể thấy lớp trẻ và các tác giả nghiệp dư chịu ảnh hưởng Mỹ, Hàn rất nhiều và theo đó tạo ra một lối Việt hóa âm nhạc từ âm nhạc Mỹ, Hàn, ngày càng đông đảo.
* Nghe anh nói, lại nhớ chuyện ngày xưa anh từng nói về khát vọng “Gió bình minh”, kết hợp âm nhạc đương đại với âm nhạc phương Đông. Bây giờ, anh vẫn còn khát vọng đó chứ?
- Đó vẫn là một điều đẹp đẽ mà phải chờ cơ hội đến mới làm được. Ngoài chương trình đó, tôi còn có một album nhạc không lời với nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh. Nhưng thời điểm hiện tại, thật tiếc tôi không gọi đó là khát vọng nữa mà có lẽ chỉ là một khoảng trời yêu trong tâm tưởng. “Khát vọng” là một hành trình không hề dễ dàng. Vất vả, khó khăn lắm và đôi khi thất bại. Khi chọn khát vọng, ta cũng chọn giảm bớt bình yên. Giai đoạn này, tôi đang muốn bình yên.
* Mới hơn bốn mươi tuổi, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã toan về già, đã muốn bình yên?
- Bây giờ khác ngày xưa. Tôi tự cho phép mình đi chậm hơn. Sự sục sôi trong âm nhạc cũng bớt. Còn việc toan về già, tôi cũng hay tự trêu đùa bản thân chứ thực lòng tôi vẫn thấy mình quá trẻ để không cần vội vàng trong bất cứ điều gì.
* Tôi thấy ở đây một thái độ bình thản với âm nhạc. Phải chăng đó cũng là thái độ cần có đối với thị trường âm nhạc hiện nay?
- Chắc là không chỉ đối với thị trường âm nhạc mà cả đời sống xã hội - văn hóa của chúng ta hiện nay. Có một dạo, người ta thổi lên thông điệp “bình tĩnh sống”, bạn có nhớ không? Nó được hưởng ứng rất rộng bởi mọi người hầu như đều phát chán khi vẫn phải chọn lối sống quá thực tế, thực dụng. Những năm gần đây bùng nổ sách dạy self-help, sách kỹ năng, sách bày mưu để trở thành ai đó, bùng nổ các làn sóng thoát ly gia đình, sống đơn thân, khởi nghiệp với các mẫu hình được tô vẽ sinh động… Có lẽ chưa bao giờ lại nhiều thông tin kiểu đó đến thế. Người ta muốn áp dụng các kỹ xảo ngay mà không trải qua quá trình học hiểu, trải nghiệm. Tôi cho rằng đó chỉ là lớp sóng thông tin bề nổi. Nó tiềm ẩn quá nhiều vấn đề hóc búa và cả hệ lụy bên trong.
Chúng ta phải tập tỏ ra mình là công dân 4.0 ở một đất nước hôm nay chưa thể sản xuất được những máy móc chạy bằng hơi nước với các phẩm chất tương đương những gì người châu Âu đã làm trăm năm trước. Điều này là hết sức khôi hài và cái khôi hài ấy lại vẫn phải diễn ra trên lớp sóng thông tin kia mới oái oăm. Những giả tạo mơ hồ làm cho chúng ta dễ thấy trống rỗng khi bình tĩnh nhìn nhận.
Bây giờ, gần hết thế giới quan niệm rằng, tiền có thể mua được nhiều thứ. Ngay cả trong giới nghệ thuật, có tiền, mua được truyền thông, lượt view, thậm chí các giải thưởng, danh hiệu. Thành ra cả thị trường âm nhạc từ phương Tây, theo sau là ở Việt Nam đều đang vận hành rất ảo diệu khó dò, mà các cuộc đua cày view Youtube là ví dụ điển hình. Nhìn chung, tôi thấy việc chúng ta gọi tên thị trường âm nhạc cũng rất buồn cười vì chúng đúng là những thị trường.
* Chẳng lẽ, Đỗ Bảo chưa bao giờ hoang mang về lựa chọn của mình?
- Có chứ. Tôi hoang mang đã đủ để lúc này hiểu mình cần gì và không cần gì. Cũng đã có những lúc tôi tuyệt vọng, thất bại, gặp khó khăn, có khi tôi cũng nghèo hay ngông nghênh chẳng hạn… có lẽ chẳng thiếu cung bậc nào cả. Tôi đã tự nói với mình rất nhiều lần rằng, đó là những việc sẽ xảy ra, mình phải vượt qua hoặc nếu không thể thì đợi điều đó đi qua cũng được. Vậy thôi. Dường như có một khát vọng ban sơ nào đó, một chọn lựa nào đó, vẫn nguyên vẹn theo mình qua bao năm tháng, nó luôn ở đó.
Bỏ tình ca - chắc nói trong một cơn bốc đồng
* Nhạc sĩ Đỗ Bảo bây giờ còn viết tình ca không?
- Có lần trả lời báo chí, tôi nói không viết nữa nhưng chắc là nói trong một cơn bốc đồng với thất vọng ngớ ngẩn nào đó. Tôi vẫn và sẽ viết tình ca vì đó là góc thích thú nhất, hấp dẫn nhất đối với tôi. Tình ca của Đỗ Bảo những năm 20, 30 tuổi phải khác nhau và sẽ khác lắm với Đỗ Bảo của lúc này.
* Nhưng sự trong trẻo, tự nhiên và thuần khiết chắc vẫn còn chứ?
- Tôi thấy, cái đẹp ở tình yêu cũng như ở đời sống này sẽ mãi tốt đẹp dù thế giới thay đổi ra sao, dù con người có lập luận hay ngụy biện thế nào đi nữa. Lớp sóng thông tin bề nổi ngày nay thì có thể khác, rằng cô này bỏ anh này trong lúc sa cơ khi gặp người giàu sang hơn hay anh này cưới bà già kia vì tiền… Đó là muôn mặt sự thật trong cuộc sống, rất nhiều và phần lớn chúng không phải là chỗ của tình yêu theo cách mà tôi hiểu hay quan tâm.
* Nói chuyện với anh, chẳng hiểu sao cứ nhớ câu của Tolstoy: "Những cuộc chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và sẽ chỉ còn lại mãi mãi tấm lòng dịu dàng và êm ái của em"…
- Giờ mà nói những điều thế, người ta bảo mình hâm đấy! Nhưng người ta bảo hâm không có nghĩa nó sai. Trong Tình ca, nhạc sĩ Hoàng Việt cũng từng viết: “Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời”. Đó là lời truyền đạt mà tôi thấy thật sâu sắc. Điều người nhạc sĩ muốn gợi cho người nghe, trước hết phải là những điều mà ông ta vô cùng tâm đắc, ông ta đã đào sâu suy nghĩ đến một chừng mực mà chỉ ông ta mới xứng đáng được trao sứ mệnh truyền đạt qua tác phẩm của mình, để rồi người nghe sẽ thẩm thấu được một ý tưởng hay.
Ngày nay, nếu ta nói điều như thế khơi khơi bên bàn cà phê, có khi bạn bè cười vào mặt: “Mày điên à?”. Nhưng không phải vì người ta phủ nhận, đùa giỡn, gạt đi một điều gì mà điều đó là sai. Chính con người chúng ta mới thường sai lầm, chúng ta sẽ ngượng nghịu trước những gì tốt đẹp hơn bởi chúng ta thấy mình không đủ xứng đáng. Hiểu thế và đi xuyên qua mọi lớp lang thói đời đó, tôi thấy có những điều vẫn vẹn nguyên, biết bao điều đã chẳng hề đổi thay. Những điều tốt chẳng đổi thay mà những điều không tốt cũng sẽ chẳng bao giờ đổi thay. Đừng sợ hãi.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
"Nhiều năm trở lại đây, khi tôi hỏi bạn bè về những bài hát thật sự khiến họ rung động mạnh, họ hầu như không tìm thấy câu trả lời thỏa đáng. Thời buổi này chúng ta chưa kịp rung động thì hàng loạt “hit”, “trend” từ các nhãn hàng dán mác nghệ sĩ lại ào đến. Tôi thấy buồn và thấy cả mình trong mênh mông câu chuyện này". Nhạc sĩ Đỗ Bảo |
Đậu Dung (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp