|
Nhạc sĩ Cung Tiến |
Nhạc sĩ Cung Tiến được giới nghiên cứu cho là “Thần đồng âm nhạc”. Khi mới 15 tuổi, ông đã sáng tác ca khúc Thu vàng, rồi sau đó là Hoài cảm. Đã có một số so sánh cho rằng Cung Tiến tìm được xúc cảm để viết hai ca khúc nổi tiếng trên từ bản Romance cung Fa của Beethoven. Và thật, nếu nghe kỹ, người am hiểu, có kiến thức căn bản về âm nhạc đều thấy có nét tương đồng ở việc lặp lại cùng mô típ, đường nét và tư tưởng âm nhạc.
Tuy vậy, trong sáng tạo, những tư tưởng lớn gặp nhau vẫn là chuyện thường xảy ra.
Chưa khi nào Cung Tiến tự nhận mình là một nhạc sĩ, dù ông đã có những kiệt tác về âm nhạc. Ông luôn nói mình chỉ là “dân amateur”, tay chơi, một người viết nhạc nghiệp dư. Không phải Cung Tiến quá khiêm tốn, mà chỉ là ông có một quan niệm rất khắt khe. Ông cho rằng, khi bạn tận tâm làm một nghề gì đó và sống được với nghề, thì mới là chuyên nghiệp. Nếu không, bạn chỉ là một kẻ qua đường.
Cung Tiến từng nói với nhạc sĩ Phạm Duy rằng, các bài hát của mình thực ra cũng chỉ là những “bài tập”. Và dù vậy, ông vẫn nỗ lực và gắn bó với âm nhạc cho đến những giây phút cuối đời.
Ca khúc Hương xưa- ca sĩ Duy Trác:
Nhà thơ Du Tử Lê từng nhận xét về Cung Tiến: “Nhiều người cùng giới với nhạc sĩ Cung Tiến cho rằng, đa số ca khúc của ông được viết trên căn bản bán cổ điển Tây phương, nên giai điệu rất sang trọng. Theo tôi, chúng ta có không ít nhạc sĩ xây dựng sáng tác của mình trên khung, nền bán cổ điển Tây phương. Nhưng rất ít người cho phần ca từ của họ nhiều hồn tính Đông phương như Cung Tiến”.
Tôi có kỷ niệm khá cảm động và cũng nhiều hối tiếc vì những kế hoạch còn dang dở, chưa kịp thực hiện trước khi ông đi xa. Cách đây hai năm, vợ chồng ca sĩ Camille Huyền và Trương Đình Ngộ - Giám đốc Nhà hát Bến Xuân (Huế) - có ngỏ ý nhờ tôi kết nối thực hiện một chương trình âm nhạc giới thiệu những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Cung Tiến. Và điều quan trọng nhất là nhạc sĩ Cung Tiến đã đồng ý cùng chúng tôi thực hiện chương trình này.
|
Ca sĩ CamilleHuyen hát nhạc Cung Tiến ở Thuỵ Sĩ. |
Có được cơ duyên này do nhạc sĩ đánh giá rất cao tiếng hát của ca sĩ Camille Huyền, người đã hát nhiều ca khúc nổi tiếng của ông ở nước ngoài, trong đó có nhiều bài phổ thơ Hàn Mặc Tử. Và Cung Tiến đã cho phép Camille Huyền thực hiện một CD nhạc gồm những ca khúc của ông.
Từ giới thiệu của anh Ngộ, tôi đã viết email cho nhạc sĩ Cung Tiến để tham vấn, và xin thêm những góp ý trực tiếp của ông. Cung Tiến rất vui. Trong vài email, ông nhấn mạnh với tôi rằng điều cần nhất là phải làm sao tìm được những ca sĩ mới hát nhạc của ông. Và phải “hay như Camille Huyền”. Đặc biệt là các giọng nam. Và thực sự, đây quả là một thử thách. Nhạc của ông sâu sắc, uyên bác nhưng rất kén ca sĩ. Phần còn lại các ca sĩ “khá sợ” nên ít ai sẵn lòng để hát!
Công việc tính toán điều phối đang còn trên máy thì COVID-19 bùng nổ. Suốt một thời gian dài, mọi sinh hoạt văn hóa, trình diễn phải gián đoạn. Và hôm nay, khi mọi việc có thể bắt đầu trở lại thì chúng tôi nhận được tin nhạc sĩ Cung Tiến đã ra đi!
Ôi, những “hương xưa”, của “nguyệt cầm”, “hoài cảm”… phút giây đã lạc bến về đâu?
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Nhà kinh tế viết nhạc Thừa hưởng gen nghệ thuật từ cha vốn là một nhà thơ, nhưng từ nhỏ, cậu bé Cung Thúc Tiến lại có thiên hướng về âm nhạc. Ngoài những lớp ký xướng âm được học ở trường trung học, phần lớn ông tự học nhạc là chính. | Nhạc sĩ Cung Tiến thời trẻ |
Hai ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Cung Tiến là Thu vàng và Hoài cảm, viết năm 1953, khi ông chỉ mới là một thiếu niên 15 tuổi. Nhưng cả hai ca khúc đều cho thấy sự chín chắn, trưởng thành từ giai điệu đến ca từ. 19 tuổi, chàng trai Cung Thúc Tiến nhận học bổng du học ngành kinh tế tại Úc. Năm 1970, một lần nữa ông lại được Hội đồng Anh (British Council) trao học bổng nghiên cứu về kinh tế tại Đại học Cambridge. Trong hai lần đi du học, ông đều dành thời gian trau dồi âm nhạc. Khi ở Úc, ông dự các khóa về dương cầm, hòa âm, phối khí… tại một trường nhạc ở Sydney. Thời gian tu nghiệp ở Anh, ông cũng tham gia các lớp nhạc lý hiện đại, sáng tác âm nhạc… Dù nhạc sĩ Cung Tiến luôn tự nhận mình là người “dạo chơi trong âm nhạc”, nhưng những ca khúc ông sáng tác luôn được giới chuyên môn đánh giá cao về học thuật, ca từ trau chuốt, lãng mạn và đẹp như thơ, điển hình cho sự điêu luyện và chuyên nghiệp bậc nhất. Giới âm nhạc nhận xét ca khúc Hương xưa (1957) là sự kết hợp hoàn hảo giữa chất liệu âm nhạc phương Tây và ca từ đậm chất Á Đông. Ca khúc này ông viết tặng người bạn thân là ca sĩ Duy Trác. Và cho đến nay, ca sĩ Duy Trác vẫn được xem là người thể hiện ca khúc này thành công nhất. Nhạc sĩ Cung Tiến nhận ra sức hấp dẫn và chất âm nhạc trong thơ ca. Ông cho rằng, khi thơ có thêm yếu tố âm nhạc song hành, sẽ tạo ra một chiều kích khác, và mang đến nhiều cảm xúc mới mẻ. Từ đó, phần lớn các sáng tác của ông được phổ từ thơ của Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, hoặc từ ý thơ của Xuân Diệu… Dù có thời gian dài sống ở Mỹ, nhưng tâm hồn Việt và chất liệu của âm nhạc dân gian Bắc bộ vẫn thấm đẫm trong tâm hồn ông. Năm 1987, Cung Tiến hoàn tất tấu khúc Chinh phụ ngâm, soạn cho 21 loại nhạc cụ. Tác phẩm được dàn nhạc thính phòng San Jose trình diễn lần đầu vào tháng 3/1988 tại San Jose, California. Năm 1993, ông nhận một tài trợ cho công trình nghiên cứu quan họ Bắc Ninh, các thể loại dân ca Việt Nam. Ông đã soạn Tổ khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng. Năm 2003 ông tiếp tục khai thác chất liệu quan họ trong tác phẩm nhạc đương đại Lơ thơ tơ liễu buông mành. Ngoài sáng tác âm nhạc, công chúng còn biết ông ở lĩnh vực văn chương với bút hiệu Thạch Chương. Ông là dịch giả của tập sách Hồi ký viết dưới hầm của nhà văn Nga Dostoievsky. Những năm cuối đời, ông có cuộc sống bình yên ở Mỹ với gia đình và âm nhạc. Theo cáo phó của gia đình, nhạc sĩ Cung Tiến qua đời ngày 10/5 tại Los Angeles (Mỹ), hưởng thọ 83 tuổi. Tang lễ được tổ chức ngày 2/6 trong phạm vi gia đình và thân hữu. Sau khi hỏa táng, tro cốt của nhạc sĩ sẽ được đặt tại nhà tang lễ, công viên tưởng niệm núi Conejo, California (Mỹ) PV |