Năm 2004, sau khi ca khúc Tình thôi xót xa bị cáo buộc là đạo nhạc và nhận những chỉ trích cay nghiệt từ người trong nghề, Bảo Chấn vắng bóng hẳn trên nhạc Việt. Ít ai biết, với một “kẻ sĩ” đúng nghĩa như ông, cáo buộc ấy là đòn roi nặng nề tạo nên vết thương không dễ gì gượng được.
Phóng viên: Võ Hạ Trâm hát Bảo Chấn – Giấc mơ của em và mới nhất là Nguyễn Hải Yến và những tình khúc Bảo Chấn. Nếu nói là Bảo Chấn trở lại thì có đúng không, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Bảo Chấn: Không, không, trở lại sao được, tôi đã qua thời rồi! Tôi đã đi quá lâu và quá xa để có thể trở lại. Ngay cả với album của Võ Hạ Trâm, tuy là có một số bài lần đầu tiên công bố nhưng những bài đó tôi cũng sáng tác cả chục năm rồi.
Hai album này, đơn giản là các bạn trẻ thích các ca khúc ấy thôi. Riêng tôi thì trân trọng những người trẻ nghiêm túc với âm nhạc, nên rất ủng hộ Yến và Trâm.
|
Nhạc sĩ Bảo Chấn |
* Ở những ngày đầu, khi dừng lại nghỉ ngơi, ông có nghĩ mình sẽ đi xa đến thế?
- Quả thật là không. Ngày đó, dồn dập nhiều chuyện ồn ào, mà tôi không phải là người nhiều sức đề kháng với ồn ào, nên thấy rằng mình cần dừng lại nghỉ ngơi. Chỉ nghĩ là nghỉ chân chốc lát thôi, dè đâu cuối cùng lại trôi xa đến thế. Cái tên Bảo Chấn cứ khuất dần, nhỉ? Lúc ngoảnh lại, thấy thị trường âm nhạc này mình đã không thể thuộc về nữa rồi. Nó đã quá khác với những ngày của Bên em là biển rộng, của Giấc mơ tuyệt vời…
Ca khúc Chiếc lá vô tình của nhạc sĩ Bảo Chấn - ca sĩ Hoàng Quyên:
* Có một nhạc sĩ từng nói rằng “nhạc Việt mất mát nhiều khi không còn những người như Bảo Chấn”…
- Nào đâu phải thế. Cái gì đến sẽ phải đến thôi. Tôi nghĩ rằng khi đó mình đứng trong một cái ô, chuyện tất nhiên là sẽ có lúc một người nào đó đến và tôi phải rời ô để nhường chỗ cho họ. Chỉ là, tôi đã nhảy khỏi cái ô đó sớm hơn một chút.
* Đâu chỉ vì những ồn ào quanh chuyện đạo nhạc, phải không?
- Có 2 lý do chính, chuyện ồn ào đó là một, cái còn lại là sự ra đi của Bảo Phúc. Ngày Phúc mất, tôi xoay bên này trở bên kia, phía nào cũng thấy một vùng trống rỗng. Phúc mất rồi tôi mới thấy mình tệ thế nào với những người thân của mình. Tôi và Phúc, thương nhau lắm, nhưng mỗi chúng tôi gặp bạn bè của mình nhiều hơn gặp nhau. Phúc với tôi không chỉ là anh em, mà còn là bạn bè, tri kỷ. Phúc nghịch lắm, hay phá phách, hay đưa tôi vào những hoàn cảnh dở mếu dở cười mà nó tạo ra.
Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nằm mơ thấy Phúc đấy. Nó đứng đó, mặc bộ sơ mi đóng thùng, đưa tay kêu: “Chấn, Chấn! Đi làm sô này với em…”.
Hồi xưa nó nhận sô xong về hay kêu tôi như vậy.
|
Với ca sĩ Nguyễn Hải Yến |
* Nhưng nhạc sĩ Bảo Phúc đã mất 10 năm rồi còn gì. Ông vẫn chưa thể “buông” sao?
- Tôi chỉ nhớ nó quá thôi, tới giờ vẫn nhớ. Mất nó rồi tôi mới biết thời gian qua mình yêu gia đình chưa đủ. Khi đó tôi mới biết mình phải quay nhìn lại mấy đứa con, để tự hỏi đã chăm sóc nó đủ chưa, nó có vui không?
* Vậy còn âm nhạc? Chẳng lẽ ông không một chút nhớ sao?
- Sao mà không được. Một, hai năm đầu tôi nhớ quay nhớ quắt. Đêm nào cũng vậy, 9-10 giờ tối, tôi nằm đó mà không ngủ được, đau thốc. Thường thì đó là giờ chúng tôi bắt đầu nhắn nhau vào phòng thu, sẽ thu cho tới gần rạng sáng. Có đợt, suốt cả mấy tháng ròng chúng tôi thu ngày thu đêm như thế, phá sức lắm mà cũng cười nhiều lắm.
Sau một, hai năm đó thì tôi quen dần. Khi quen được rồi cũng là lúc nhận ra nhạc Việt bây giờ đã khác, mình nằm ngoài vòng vận hành của nó mất rồi. Thế là tôi đi, lần này là theo nghĩa đen, cho tới bây giờ vẫn đi. Tour này vài nước châu Âu thì tour sau vài nước châu Á. Tôi đi du lịch, đi sang đó thăm con. Mấy đứa con tôi, giờ mà tôi nói muốn đi chơi là 5 phút sau nhận được vé máy bay, còn tôi mà nói đi làm nhạc là mặt tụi nó nhăn nhó. Càng đi tôi càng thích, cứ đến mỗi nước là lại thấy mình học thêm một cái gì đó.
Thỉnh thoảng tôi cũng hoà âm cho một số chương trình, nhưng đa phần là làm vì bạn bè. Như sắp tới đây là chương trình của Dương Thụ ở Hà Nội. Thụ cũng như tôi, mang cảm giác mình đã qua thời.
* Khi còn sống, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ, những nhạc sĩ cùng thời ông đâu phải đã rời bỏ âm nhạc. Họ vẫn sáng tác, chỉ là không công bố các sáng tác ấy, vì nhận ra nó không thể nhận được sự đồng cảm ở thị trường âm nhạc bây giờ. Ông cũng vậy phải không, nên rất nhiều bài hát ông sáng tác chục năm qua vẫn còn trong bí mật?
- Nó nằm trong bí mật vì không ai hỏi đến nó thôi. Thật ra nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói đúng đấy, cái cảm giác về việc không thể nhận được sự đồng cảm ở thị trường âm nhạc bây giờ là có thật. Thì tôi đã nói thời của chúng tôi qua rồi mà. Nhưng cũng không hẳn là tôi đem giấu đi bài hát của mình. Từ sau khi “ẩn dật”, tôi sáng tác khoảng chục bài, và ai hỏi thì tôi vẫn “khai báo” chứ có giấu đâu. Như album của Võ Hạ Trâm, có vài bài mới đấy thôi.
* Những sáng tác ấy mang điều gì của Bảo Chấn bây giờ?
- Là tâm thế nhẹ nhàng hơn. Nhiều khi vì đời chúng ta có biến cố, nên học được cách đi qua giông bão, để rồi sau đó là những ngày sống nhẹ nhàng.
* Ông có nghe nhạc trẻ bây giờ không?
- Nói thật lòng là tôi không nghe. Những ngày sau này âm nhạc mà tôi nghe nhiều nhất là nhạc kinh điển thế giới, nhạc của những thập niên 60 đến 90.
|
Trong một dự án hợp tác với nhạc sĩ Lê Minh Sơn |
* Là vì “gu” của ông thế, hay vì ông không thể dung nạp được nhạc trẻ bây giờ?
- Vì sở thích của tôi thôi. Tôi không nghe nhạc trẻ nên không nhận xét được âm nhạc bây giờ ra sao, thật ra tôi cũng không thích phán xét gì cả. Ngày đó, nhạc của tôi còn bị nhiều nhạc sĩ phán là “nhạc thằng đấy là nhạc radio” mà. Họ khinh miệt đấy, nhưng tôi kệ. Thì nhạc tôi được phát nhiều trên radio mà, Làn sóng xanh thời đó là qua kênh radio còn gì (cười).
* Cám ơn ông đã chia sẻ.
Lương Hàn (thực hiện)