'Nhạc rác' tấn công trẻ: Quăng tao cái boong, quăng bao nỗi lo

12/07/2017 - 15:49

PNO - Đến con trẻ cũng bắt đầu chạm tay vào “rác”, thì nỗi lo đang dần biến thành nỗi sợ hãi. Điều đáng nói, quá nhiều phụ huynh ngơ ngác, không biết “rác” ở đâu để mà ra tay dọn dẹp, để cho con một tinh thần lành mạnh.

Đến con trẻ cũng bắt đầu chạm tay vào “rác”, thì nỗi lo đang dần biến thành nỗi sợ hãi. Điều đáng nói, quá nhiều phụ huynh ngơ ngác, không biết “rác” ở đâu để mà ra tay dọn dẹp, để cho con một tinh thần lành mạnh.

'Nhac rac' tan cong tre: Quang tao cai boong, quang bao noi lo
Clip nhảy Quăng tao cái boong của học sinh lớp 12

“Rác” tràn vào trường học 

Cách đây không lâu, trên mọi trang âm nhạc trực tuyến, xuất hiện một MV được cho là cổ xúy việc hút cần sa, một chất kích thích gây nghiện nằm trong danh mục cấm của pháp luật Việt Nam. Mặc cho rất nhiều lên án, cảnh báo từ báo chí và các phương tiện truyền thông, ca khúc này - Quăng tao cái boong - đến nay vẫn không ngừng “hot” với hơn 65 triệu lượt nghe trên YouTube và ngập tràn trên facebook. Điều này khiến “cái boong” càng được phủ sóng khắp nơi với tốc độ chóng mặt, từ trong nhà ra ngoài phố, từ trường học đến quán cà phê... 

Nguy hiểm hơn, bài hát này còn liên tục được các bạn trẻ nhái lại với hàng loạt hình ảnh phản cảm xuất hiện trong các video clip tự quay: những thanh niên nhậu nhẹt, uống rượu, hút thuốc trong quán bia, hàng chục sinh viên tụ tập trong phòng trọ bên cạnh những đống vỏ lon vương vãi... trên nền nhạc thô thiển của Quăng tao cái boong.

Thậm chí trong buổi lễ tổng kết năm học vừa rồi, một nhóm học sinh lớp 12 một trường THPT ở Cà Mau còn biểu diễn nhảy dân vũ trên nền nhạc “cái boong”. Và tại buổi họp phụ huynh cuối năm ở một trường tiểu học quận Gò Vấp (TP.HCM) một em nhỏ còn xung phong lên hát tặng cô giáo bài bài hát này trong tiếng vỗ tay vang dội của phụ huynh. 

Một thế hệ phụ huynh bất lực?

Đây không phải là lần đầu nhạc “rác” tràn vào thế giới tinh thần trong trẻo của trẻ em. Nhiều năm trước, trên các trang nhạc trực tuyến cũng từng tràn lan những bài hát nhảm nhí, ca từ vô nghĩa, thô tục, phản cảm như “Bê rồi ông cố ơi”, “Được thì tiến, không thì biến”, “Ô mai chuối”, “Mượn xe nhớ đổ xăng”…

Trong bối cảnh việc quản lý âm nhạc trên mạng xã hội còn thiếu chế tài, những bài hát này vẫn có nhiều đất sống, bất chấp hậu quả mà nó gây ra cho một thế hệ nghe và cuốn theo lối sống mà nó tôn thờ. Nhưng điều nguy hiểm hơn hết chính là sự chểnh mảng, lơ là của phụ huynh trong việc giám sát con em mình xem gì, đọc gì, nghe gì, từ các kênh thông tin nào trên internet. 

Không thể đổ lỗi cho Facebook hay YouTube, bởi những trang xã hội này đều có quy định độ tuổi dành cho người tham gia. Càng không thể ngăn cản việc sáng tác của những cá nhân hoạt động tự do trong môi trường “underground” (dòng chảy ngầm, không chính thống), hay can thiệp vào suy nghĩ dù là tiêu cực của những người viết nhạc không chuyên. Vậy phụ huynh chúng ta biết phải bảo vệ con em như thế nào, giữa một bối cảnh “rác” tấn công vào đời sống tinh thần của trẻ?

Giải quyết bằng yêu thương tích cực 

Ở góc độ là một người hoạt động âm nhạc và là mẹ của những đứa trẻ, ca sĩ Mỹ Linh từng bất mãn: “Cha mẹ luôn muốn con em được hưởng những điều tốt nhất nhưng lại quên mất rằng văn hóa cũng ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống, đặc biệt là tinh thần của trẻ. Lâu nay chúng ta quên mất việc nghe và xem có chọn lựa. Chính vì thế, có một thế hệ đang bị lạc lõng và sống nhanh, kiểu “mì ăn liền”. Tôi không nói mì ăn liền không ngon, nhưng dùng thay cho mọi bữa ăn hàng ngày là một quyết định không thông minh. Thế nhưng, rất nhiều người hiện giờ chọn sống như vậy. Và tôi xin nhắc lại đó là sự thất bại của giáo dục chung trong nhà trường và gia đình”.

Dù vậy, cũng như các bậc phụ huynh đang hoang mang khác, chính Mỹ Linh chia sẻ rằng, bản thân chị không thể cấm đoán con mình nghe những bài hát phản cảm đầy rẫy trên mạng. Chị nói: “Mọi sự ngăn cản đều thất bại và giáo dục cần từ tin yêu”. 

Nghĩa là, vẫn chỉ có niềm tin và tình yêu thương, những điều kiện cần của cha mẹ trong hành trình giáo dục con cái. Nhưng vẫn chưa đủ, khi chính bản thân cha mẹ chưa thực sự dành một vài giờ đồng hồ trong quỹ thời gian kín mít của mình, để tham gia vào các hoạt động tinh thần của con.

Từ việc trò chuyện, lắng nghe, và tìm hiểu, cha mẹ sẽ biết được con mình đang quan tâm những vấn đề gì, đang xem gì, nghe gì, và suy nghĩ như thế nào về những điều chúng vừa tiếp nhận được. Lúc ấy chúng ta mới có thể giúp chúng phân loại được tốt/ xấu, nên/ không nên, được/ chưa được, và có những định hướng đúng đắn về tư duy cũng như lối sống của con, kịp thời, đúng lúc. 

Hồng Hạnh

Kiểm soát trẻ bằng cách nào?

Thế giới mạng là một chiếc túi chứa vô vàn điều tuyệt diệu, nhưng cũng không ít thứ tệ hại. Biết thế, các lập trình viên khắp thế giới đã trang bị cho phụ huynh những công cụ hữu hiệu nhằm bảo vệ trẻ em. Tiếc rằng không nhiều phụ huynh Việt biết đến những công cụ ấy; hoặc biết mà không sử dụng.

'Nhac rac' tan cong tre: Quang tao cai boong, quang bao noi lo

- Nếu máy tính của bạn đang sử dụng Windows 10, bạn có thể tạo tài khoản Windows Family Safety cho trẻ sử dụng máy. Bạn có thể chặn không cho trẻ truy cập vào những trang không mong muốn, chặn các trò chơi, thậm chí giới hạn thời gian sử dụng máy của trẻ. Quan trọng nhất, bạn có thể xem lại lịch sử duyệt web của trẻ để biết trẻ đã làm gì trên máy.

- Nếu không muốn sử dụng tính năng này của Windows (hoặc không thể sử dụng được vì Windows không có bản quyền), bạn có thể dùng phần mềm Kaspersky Safe Kids - phần mềm cho phép bạn lọc các nội dung không phù hợp với trẻ, dõi theo hoạt động của trẻ trên các mạng xã hội, kiểm soát thời gian trẻ vào mạng, thậm chí phần mềm sẽ thông báo ngay cho bạn nếu trẻ có ý định… gian lận. 

Nếu bạn không rành vi tính, các kỹ thuật viên - những anh thợ cài phần mềm dạo luôn sẵn lòng giúp bạn. Vì sao bạn có thể dành thời gian chơi mạng xã hội, chỉnh sửa những tấm hình “long lanh”, “sống ảo” mà không thể dành một chút thời gian học cách sử dụng các phần mềm quản lý trẻ em?

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI